Tham dự Hội thảo có GS.TS Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, ông Dương Văn Bá – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT), đại diện Quỹ UNICEF Việt Nam, lãnh đạo và cán bộ các nhà trường, trung tâm CTXH các địa phương, các chuyên giao giáo dục.
Thông tư góp phần giải quyết những vấn đề nổi cộm trong trường học
Báo cáo của Bộ GD&ĐT cho thấy mặc dù trong trường học đã có nhiều hoạt động trợ giúp học sinh được triển khai như tư vấn, hoạt động tổ nhóm, câu lạc bộ, tuy nhiên hoạt động trợ giúp chưa đáp ứng được nhu cầu của học sinh ở loại hình dịch vụ, mức độ chuyên nghiệp và sự dễ dàng trong tiếp cận.
Qua kết quả khảo sát và báo cáo của các sở GD&ĐT, đặc biệt qua tham vấn nhóm trực tiếp với các thầy cô giáo tại địa phương có thể thấy trong các trường hiện nay còn tồn tại một số vấn đề, như: Vấn đề học sinh bỏ học; Vấn đề hỗ trợ trẻ em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt; vấn đề bạo lực, bắt nạt trong trường học vẫn luôn tiềm ẩn những nguy cơ. Bên cạnh đó công tác phối hợp, huy động các nguồn lực khác để hỗ trợ nhà trường trong công tác giáo dục học sinh còn hạn chế…
Từ thực tiễn cho thấy các nhà trường đã và đang thực hiện các nội dung của CTXH trường học, tuy nhiên việc triển khai chưa đầy đủ và đúng theo nguyên tắc, quy trình, chức năng của CTXH. Do đó cần phải xây dựng thành những nội dung thống nhất với một quy trình thực hiện bài bản, huy động được sự tham gia của nhiều lực lượng, nhiều nguồn lực trong và ngoài nhà trường cùng tham gia vào các hoạt động của nhà trường.
Các đại biểu đánh giá việc Bộ GD&ĐT đưa ra Dự thảo Thông tư hướng dẫn các hoạt động CTXH trong trường học là một việc làm rất có ý nghĩa và vô cùng cần thiết đối với việc góp phần giải quyết những vấn đề nổi cộm trong trường học. Dự thảo thông tư được xây dựng tương đối toàn diện.
Góp ý cho Dự thảo, các đại biểu nêu đề xuất cần thiết có nhân viên CTXH trường học làm việc chuyên nghiệp không chỉ ở trường phổ thông mà còn cả trường mầm non, đại học, đẳng; Mở mã ngành đào tạo chuyên sâu về CTXH trường học, bồi dưỡng năng lực cho cán bộ giáo dục, giáo viên phổ thông về CTXH; Xây dựng tài liệu hướng dẫn chi tiết cho việc triển khai các nghiệp vụ CTXH trường học; Truyền thông mạnh mẽ về vai trò, tầm quan trọng và các hoạt động của CTXH trường học...
Toàn cảnh Hội thảo |
Bài học kinh nghiệm quốc tế
Tại Hội thảo, bà Lê Hồng Loan – Trưởng Chương trình Bảo vệ trẻ em – UNICEF Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về CTXH trường học với mô hình: 1.Nhân viên CTXH được nhà trường tuyển dụng làm nhân viên chính thức, làm việc toàn thời gian. 2. Nhân viên CTXH ký hợp đồng với nhà trường, do nhà tường trả lương hoặc chính quyền địa phương trả lương, có thể lam việc bán thời gian hay toàn thời gian. 3. Nhân viên CTXH là do giáo viên kiêm nhiệm. Giáo viên này ít nhất có bằng trung cấp về tham vấn và tập trung chủ yếu vào nhiệm vụ tham vấn.
Từ tổng quan khoảng 40 quốc gia trên thế giới, bà Lê Hồng Loan nêu những nét nổi bật về hoạt động CTXH trong trường học, đó là CTXH trường học được quy định trong các văn bản pháp luật hoặc chính sách rõ ràng. Nhân viên CTXH trường học có thể có các tên gọi khác nhau ở các quốc gia, có vị trí, vai trò, nhiệm vụ… rõ ràng, đáp ứng các nhu cầu khác nhau của học sinh và xã hội.
Đáng chú ý, trên thế giới, CTXH trường học can thiệp toàn diện, nhiều vấn đề khác nhau và bằng nhiều phương thức hoạt động khác nhau; không chỉ hoạt động trong nhà trường mà còn với gia đình, cộng đồng và kết nối các dịch vụ trợ giúp; không chỉ tham vấn hỗ trợ cá nhân mà còn cả phòng ngừa, phát triển. Yêu cầu với nhân viên CTXH thường là cử nhân CTXH trở lên; thường thuộc sự quản lý của nhà trường hoặc có sự liên hệ chặt chẽ với nhà trường.
Đưa ra các khuyến nghị với Việt Nam, bà Hồng Loan đề xuất giải pháp trước mắt cần phối hợp, sử dụng nhân viên CTXH từ Trung tâm CTXH cấp huyện và tỉnh; đào tạo giáo viên để kiêm nhiệm thực hành CTXH; Khuyến khích các cơ sở giáo dục tư nhân có nhân viên CTXH hợp đồng.
Về giải pháp lâu dài, cần có nhân viên xã hội chuyên nghiệp trong trường học. Xây dựng các chương trình đào tạo cử nhân và chuyên sâu về công tác xã hội trong trường học. Xây dựng mã ngành đào tạo cử nhân chuyên ngành CTXH trong trường học. Xây dựng mã nghề CTXH trong trường học.
Dự thảo Thông tư Hướng dẫn CTXH trong trường học được Bộ GD&ĐT đưa ra xin ý kiến góp ý của các chuyên gia trong nước và quốc tế, lãnh đạo nhà trường, trung tâm CTXH địa phương gồm 14 điều, 5 chương với các nội dung về: Những quy định chung; Nguyên tắc và nội dung CTXH trong trường học; Hình thức hoạt động CTXH trong trường học; Trách nhiệm thực hiện CTXH trong trường học; Các điều khoản thi hành.