Góp ý Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH: Đề xuất giữ nguyên mô hình các trường

GD&TĐ - Tại hội nghị lấy ý kiến các chuyên gia, các nhà quản lý vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học do Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tổ chức mới đây, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) đã trao đổi, giải trình lại một số ý kiến liên quan đến các khái niệm mô hình trường đại học.  

Giờ thực hành của sinh viên Trường Đại học Hải Phòng
Giờ thực hành của sinh viên Trường Đại học Hải Phòng

Tiếp tục mở rộng đại học vùng

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết: Cơ cấu hệ thống giáo dục đại học được dự thảo quy định trong điều 4 về khái niệm, điều 7 về các loại hình, điều 14, điều 15 về cơ cấu tổ chức của từng loại hình. Trong đó trong dự thảo này đưa ra 2 mô hình trong cơ cấu của hệ thống, đó là đại học và trường đại học. Trong đại học có đại học quốc gia, đại học vùng và các đại học khác.

Đại học quốc gia trong điều 8 vẫn để nguyên. Khái niệm đại học vùng ví dụ như ở điều 2 vẫn còn, chúng ta không sửa. Trong điều 12, khái niệm đại học vùng về vấn đề đầu tư thì có thể mở ra.

Hiện nay, hệ thống của chúng ta có 3 đại học vùng là Đại học Thái Nguyên, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng. Nhưng điều 12 thì có nói đến Nhà nước sẽ ưu tiên đầu tư cho các đại học có năng lực thực hiện các nhiệm vụ chiến lược để phát triển KTXH của vùng. Như vậy, luật sẽ không chỉ đóng khung vào 3 đại học vùng hiện có. Nếu đại học nào có đủ năng lực, có thể nhận nhiệm vụ phát triển vùng thì cũng sẽ được Nhà nước đầu tư.

Về mô hình trường đại học. Trước hết trường đại học là một cơ sở đào tạo. Nó khác với đại học chủ yếu là về quy mô tổ chức và quy mô hoạt động. Trường đại học chỉ khác dđại học về quy mô chứ không kém về chất lượng.

Sinh viên trong phòng thực hành. Ảnh minh hoạ Internet
 Sinh viên trong phòng thực hành. Ảnh minh hoạ Internet

Nếu như quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, có nhiều đầu mối, có nhiều đơn vị thành viên thì có thể là đại học. Nhưng nếu quy mô nhỏ, tập trung ở một lĩnh vực nhỏ thì vẫn có thể đào tạo đến trình độ tiến sĩ và chất lượng vẫn rất tốt, ví dụ như Đại học Y Hà Nội.

Đại học thì sẽ có trường đại học độc lập, trường đại học thành viên và có học viện, thực hiện chung trong chế định đại học.

Không đổi tên học viện thành trường đại học

Nhiều ý kiến góp ý cho dự thảo Luật có đề cập đến tên gọi khác nhau giữa học viện và trường đại học khi cùng thực hiện một chế định pháp lý, bà Phụng cho biết: Lúc đầu, Ban soạn thảo cũng đặt ra vấn đề nhất thể hóa một tên gọi là trường đại học.

Nhưng khi đánh giá tác động thì thấy rằng, nếu như quy định tất cả các học viện đều phải gọi là trường đại học hay là học viện có dấu hiệu khác và trường đại học có dấu hiệu khác thì đánh giá tác động thu về có kết quả không tốt.

Ví dụ như chỉ gọi là trường đại học thì hơn 40 học viện sẽ phải đổi tên, phải cấp dấu, phải thay đổi lại toàn bộ văn bản giao dịch nội bộ cũng như bên ngoài bởi vì tất cả đều thay đổi nhưng không thay đổi về chất, không thay đổi về cơ cấu, không thay đổi về chức năng nhiệm vụ và điều đó không giải quyết vấn đề gì, chỉ tốn kém vì vấn đề do tên gọi.

Ở nước ngoài, hệ thống của họ cũng có nhiều tên gọi nhưng chung 1 địa vị pháp lí. Ví dụ như họ có University, College, Academy, Institute... nhưng đều hoạt động theo chế độ một cơ sở giáo dục đại học. Vì vậy chúng ta không nhất thiết phải đổi tên học viện để nhất thể trong hệ thống. Nhưng trong dự án Luật, Ban soạn thảo cũng đã đưa ra khái niệm có học viện nhưng gọi chung là đại học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ