Góp ý chân tình

GD&TĐ - Một giảng viên, nghệ sĩ ưu tú của Nhạc viện TP Hồ Chí Minh bị tố có hành vi thiếu chuẩn mực (ném điện thoại vào đồng nghiệp).

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Người này đã phải chịu hình thức kỷ luật khiển trách.

Dẫu vậy, phần lớn dư luận vẫn cho rằng mức xử phạt đó là quá nhẹ, không có tính răn đe cũng như phản ứng: Sao có thể chấp nhận một nhà giáo, nghệ sĩ ưu tú có hành vi phản cảm như thế đứng lớp? Thậm chí có ý kiến còn đặt nghi vấn, phải chăng ở đây có sự bao che?

Song đâu đó cũng có ý kiến bênh vực kiểu như “không có lửa làm sao có khói”, cần nghe nhiều chiều hay ám chỉ về việc ghi hình khi chưa được sự đồng ý của người khác của đồng nghiệp đứng ra tố cáo kia là vi phạm pháp luật…

Có thể nói, dù luận bàn thế nào đi chăng nữa thì sự việc cũng đã xảy ra và chắc chắn để lại bao nỗi buồn với người trong cuộc, trong ngành - nhất là những người mang hai vai: Nhà giáo - Nghệ sĩ.

Bởi lẽ, sứ mệnh “trồng cây đời” của họ không chỉ là những chuẩn mực, nghiêm cẩn của nghề giáo, mà còn là những lặng thầm ấp iu và gieo mầm thiện lành từ nghệ thuật trong mỗi học trò cùng ước mong các em tung cánh bay xa và tiếp tục lan tỏa, góp phần làm cho cuộc sống thêm hạnh phúc tươi đẹp.

Vậy nhưng, thật đáng tiếc khi vẫn còn đó những vụ việc, câu chuyện không đáng có xảy ra, thường bắt nguồn từ sự không thể kiểm soát cảm xúc cá nhân, mà gần nhất là vụ việc từ ngôi trường đào tạo nghệ thuật kia.

Dù có biện minh gì đi chăng nữa thì đó vẫn là hành vi đáng trách, cách ứng xử đáng xấu hổ, nhất là lại xảy ra giữa nghệ sĩ với nghệ sĩ và ngay trong môi trường sư phạm nghệ thuật như thế. Nếu, mỗi người bình tĩnh hơn và có sự lắng lại để cùng chia sẻ, thấu hiểu tâm tư đôi bên thì hẳn rằng sự việc đã khác…

Nhưng, việc kiểm soát cảm xúc cá nhân luôn là bài toán không dễ với bất kỳ ai, nhất là với nghệ sĩ vốn nhạy cảm và ở tình huống bị kích động thì càng khó. Bởi vậy, thay vì lên án hay bới xét xem ai đúng, ai sai thì cần lắm những góp ý chân tình, mang tính xây dựng chứ không nên mượn đà mà bôi nhọ cá nhân, đẩy vụ việc đi quá xa dẫn đến thiếu công tâm.

Và, người trong cuộc cũng cần biết lắng nghe, chứ không riêng gì chỉ người mắc lỗi. Đó cũng là cách ứng xử văn minh, tràn đầy tình người từ “cái đầu lạnh và trái tim nóng” để không vô tình “lây” thêm điều dở của sự không kiểm soát được cảm xúc rồi tiếp tục đem đến cho bao người những tổn thương không đáng có… Không gì hơn là những tiếng nói góp ý cất lên từ những trái tim chân thành, bao dung!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiểu lầm là một trong những nguyên nhân chính hủy hoại hôn nhân. (Ảnh: ITN).

'Kẻ thù giấu mặt' phá hoại hôn nhân

GD&TĐ - Hôn nhân, sự kết hợp giữa tình yêu và sự cam kết thường phải đối mặt với những thách thức có thể làm suy yếu sự ổn định của nó.