Buổi tọa đàm "Đổi mới giáo dục trong thời đại số - Tương lai trẻ em trong thế giới toàn cầu hoá" đã mang đến tiếng nói đa chiều từ các nhà giáo, phụ huynh và các bạn học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, về những khía cạnh, khó khăn, thách thức và cách làm để cải tiến giáo dục trong thời đại 4.0.
Tọa đàm nằm trong chuỗi sự kiện "Góp một tiếng nói về đổi mới giáo dục" do Trường Phổ thông Liên cấp và Song ngữ Maya đồng hành tổ chức.
Thách thức và cơ hội trong thời đại số
Tại buổi tọa đàm, theo các chuyên gia giáo dục, trong thời đại mới, sự xuất hiện của AI tạo ra thách thức lớn mang tính toàn cầu, tác động đến tất cả mọi người, ở mọi lứa tuổi, tầng lớp, lĩnh vực, quốc gia.
Một mặt, AI giúp con người tối ưu hoá hiệu suất, giảm gánh nặng trong công việc, học tập, và mang đến những trải nghiệm chưa từng có. Mặt khác, nó đòi hỏi chúng ta phải thay đổi và thích nghi để tận dụng được tiềm năng vô hạn của công nghệ, trong khi vẫn giữ được bản sắc riêng để thành công trong một thế giới liên tục thay đổi.
Nhìn về những thách thức này dưới lăng kính tích cực, đây chính là một đòn bẩy tạo nên bước chuyển mình của thế giới, và ngành giáo dục cũng không nằm ngoài ảnh hưởng của nó. Đổi mới giáo dục không còn là một lựa chọn mà là điều tất yếu để theo kịp sự phát triển của thời đại.
Theo thầy Nguyễn Sĩ Thư - HĐQT CTCP Giáo dục Grit, Founder Alpha School, trong thời đại mới, trường học cần phải là trụ sở, dẫn dắt cho học sinh làm chủ được tương lai. Kể từ sau dịch Covid-19 tạo ra cú huých trong ngành giáo dục, quan niệm về dạy học truyền thống đã có nhiều thay đổi, người dạy và người học đều cởi mở đón nhận cách tiếp cận mới về giáo dục hơn. Trong khi đó, những phương pháp dạy học tiên tiến như Học qua dự án, Học qua trải nghiệm, Lớp học đảo ngược,... được đưa vào các trường học tiến bộ, giúp học sinh tham gia vào hành trình kiến tạo kiến thức và kỹ năng cho chính mình.
Cá nhân hoá giáo dục
Trong bối cảnh giáo dục thời đại mới, "cá nhân hoá" là cụm từ nhận được nhiều sự chú ý như một phần quan trọng của đổi mới giáo dục hiện đại. Việc này không chỉ giúp học sinh được phát triển theo đúng năng lực và thiên hướng riêng, mà còn đảm bảo từng cá nhân được lắng nghe, tôn trọng và nâng đỡ.
Tuy nhiên, cá nhân hoá cũng đồng thời mang đến lo ngại về xu hướng "ích kỉ" và "nổi loạn", đặc biệt khi trẻ bước vào giai đoạn thiếu niên. Vấn đề này cũng được mang ra thảo luận trong buổi tọa đàm.
Theo cô Phạm Hoài Thu - Người sáng lập Maya School, giai đoạn 12 đến 18 tuổi là lúc các bạn trẻ phát triển con người cá nhân và ý thức xã hội, mong muốn khẳng định mình và tìm kiếm sự công nhận bằng nhiều cách khác nhau. Hành trình cá nhân hoá cho các bạn nếu được tiếp cận và áp dụng đúng đắn sẽ giúp các bạn hiểu rõ mình là ai, muốn điều gì, yêu thích gì, năng lực của bản thân và khả năng đóng góp cho xã hội.
Tại Trường Phổ thông Liên cấp và Song ngữ Maya, khi bước vào giai đoạn Trung học, mỗi năm, học sinh được khởi xướng và vận hành 01 dự án cộng đồng, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Các bạn được tự do lựa chọn một Xưởng thực hành theo sở thích, sau đó dựa theo năng lực, thế mạnh và mong muốn của mình để quyết định rằng mình sẽ đóng góp hoặc giải quyết điều gì cho cộng đồng.
Quá trình tự đưa ra lựa chọn, tự tay vận hành một dự án kéo dài cả năm học và nhìn thấy rõ những tác động tích cực mà mình mang đến cho xã hội không chỉ giúp các bạn trau dồi những kiến thức và kỹ quan trọng trong thực tế, mà còn xây dựng ý thức xã hội sâu sắc và niềm tin nội tại vào bản thân.
Thành công của những dự án nổi bật của học sinh Maya như "Thiết kế hệ vận động vui chơi cho trẻ em vùng khó", "Bảo tồn và phát triển kỹ thuật làm gối mặt huyệt của người Mường",... là minh chứng cho hướng đi "cá nhân hoá" đúng đắn này.
"Hành trình cá nhân hoá trong quá trình phát triển của các bạn, nếu được nâng đỡ đúng, sẽ giúp các bạn lớn lên và trở thành công dân toàn cầu có ích cho sự phát triển bền vững của thế giới. Đó là một hành trình lớn lao, tốt đẹp nhưng cũng nhiều thử thách mà thật tốt biết bao nếu nhà trường và gia đình có thể cùng nhau nâng đỡ". - Cô Phạm Hoài Thu cho biết.
Giáo dục đạo đức và trách nhiệm xã hội
Bên cạnh việc đào tạo kiến thức và kỹ năng, trên hành trình cải tiến giáo dục, vai trò của nhà trường trong việc trang bị niềm tin, giá trị đạo đức, lòng ham học và sự hoà hợp với cộng đồng cũng là một yếu tố đặc biệt quan trọng.
Theo cô Trần Thị Hải Yến - Giám đốc điều hành Trường MN Pinky Cheek Kids, niềm tin vào bản thân, lòng tự trọng với chính mình và tôn trọng với người khác là gốc rễ giúp các bạn trẻ trưởng thành vững vàng. Trong khi đó, đạo đức và lòng ham học cũng sẽ là nền tảng để để các bạn hoà hợp với cộng đồng, thành công trong những “dự án" của cuộc đời, và có những đóng góp tích cực cho xã hội.
Trên hành trình nâng đỡ con người xã hội của các bạn trẻ, được vừa học, vừa làm, vừa phối hợp với nhau trong các dự án cộng đồng là điều kiện lý tưởng để giúp các bạn biết tin vào bản thân, biết tôn trọng, chấp nhận sự khác biệt, phối hợp để đi đến những mục đích chung, và học được những bài học quý giá. Đó là hướng đi bền vững và là mong muốn của nhiều trường học, nhà giáo dục, và gia đình để nuôi dưỡng cho thế trẻ phát triển vẹn toàn.
Chuỗi sự kiện “Góp một tiếng nói cho đổi mới giáo dục" tiếp tục diễn ra từ ngày 26/10 đến ngày 10/11/2024 với các hội thảo, workshop, lớp học thực tế, trưng bày dự án cộng đồng, và nhiều hoạt động đặc sắc khác.
Địa điểm: Không gian Sáng tạo Liên Ngành Cộng Xưởng - Số 1, Tăng Bạt Hổ, Phạm Đình Hổ, Hai Bà Trưng, Hà Nội