Thúc đẩy dự án hỗ trợ đổi mới phát triển giáo dục Mầm non

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT hợp tác với Ngân hàng Thế giới xây dựng Chương trình hỗ trợ đổi mới phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2024-2030.

Quang cảnh buổi làm việc.
Quang cảnh buổi làm việc.

Ngày 17/10, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi làm việc với đại diện Ngân hàng Thế giới (World Bank) về việc thúc đẩy hợp tác và xây dựng Chương trình hỗ trợ đổi mới phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2024-2030.

Cảm ơn sự quan tâm, đồng hành của Ngân hàng Thế giới tới sự phát triển của giáo dục và đào tạo Việt Nam trong thời gian qua, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi nhấn mạnh, những đóng góp của Ngân hàng Thế giới đã góp phần vào sự thay đổi, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Thời gian gần đây, Ngân hàng Thế giới đã đồng hành với một lĩnh vực rất được quan tâm và đang đổi mới từng ngày tại Việt Nam, đó là giáo dục mầm non. Ngân hàng Thế giới đã hỗ trợ thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, tạo cơ chế, động lực giúp thúc đẩy giáo dục mầm non phát triển mạnh mẽ.

img-0597-3000.jpg
Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi chủ trì buổi làm việc.

Thứ trưởng cho biết, Bộ GD&ĐT đang đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi và đổi mới chương trình giáo dục mầm non. Nếu Nghị quyết được ban hành sẽ tạo cơ chế, hành lang chính sách, góp phần phát triển tích cực giáo dục mầm non.

“Xác định đây là nhiệm vụ vô cùng nặng nề, Bộ GD&ĐT mong muốn được sự đồng hành của Ngân hàng Thế giới. Hai bên sẽ cùng đưa ra những phương hướng, đề xuất cụ thể để tiếp tục trao đổi, từng bước tháo gỡ khó khăn, chia sẻ kinh nghiệm, thực hiện cam kết thỏa thuận trong thời gian vừa qua giữa Bộ GD&ĐT và Ngân hàng Thế giới”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi nói.

Trước đó, ngày 13/7/2023, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Việt Nam đã có công văn gửi Ngân hàng Thế giới về đề nghị hợp tác và xây dựng Chương trình hỗ trợ đổi mới phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2024-2030.

Theo đó, Bộ GD&ĐT Việt Nam đề nghị Ngân hàng Thế giới tiếp tục quan tâm hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật cho 2 nội dung của giáo dục mầm non gồm: Hỗ trợ kỹ thuật và kinh nghiệm quốc tế về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo; hướng dẫn, triển khai thí điểm Chương trình giáo dục mầm non mới; đánh giá thí điểm Chương trình giáo dục mầm non mới.

Với các nhóm đối tượng khó khăn, yếu thế, tiếp tục quan tâm, hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật cho nội dung xây dựng chính sách ưu tiên, hỗ trợ trẻ mầm non, học sinh, sinh viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, bãi ngang ven biển và hải đảo, các dân tộc thiểu số rất ít người. Đồng thời, phối hợp xây dựng Dự án nhằm hỗ trợ đổi mới, phát triển giáo dục mầm non.

img-0613-8191.jpg
Đại diện Ngân hàng Thế giới trao đổi tại buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, bà Rianna Mohammed-Roberts - Trưởng Ban Phát triển Con người, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Campuchia và Lào - cho biết: Sự đồng hành của Ngân hàng Thế giới với Bộ GD&ĐT trong thời gian qua về lĩnh vực giáo dục, cũng là những công việc rất quan trọng được Ngân hàng Thế giới thực hiện ở Việt Nam và các nước lân cận.

"Giáo dục mầm non là lĩnh vực trọng tâm được ưu tiên không chỉ tại Việt Nam, mà còn ở nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, không phải quốc gia nào cũng có những bước tiến như kỳ vọng. Và ở Việt Nam, chúng tôi nhận thấy các bạn đã có những sự thay đổi đáng kể, giáo dục mầm non phát triển rất mạnh mẽ”, bà Rianna nói.

Bày tỏ cam kết đồng hành cùng Bộ GD&ĐT Việt Nam trong phát triển giáo dục mầm non, bà Rianna mong muốn hai bên sẽ tập trung mọi nguồn lực, để ký thỏa thuận hợp tác càng sớm càng tốt, với trọng tâm xây dựng và phát triển năng lực để tổ chức các hoạt động hỗ trợ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục hiệu quả và phù hợp nhất.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Vụ Giáo dục mầm non, Cục Hợp tác quốc tế Bộ GDĐT cũng đã trao đổi với các thành viên, nhóm kỹ thuật của Ngân hàng thế giới; thống nhất những nội dung quan trọng; tháo gỡ các vướng mắc, băn khoăn với mong muốn thực hiện dự án trong thời gian sớm nhất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ma túy "nước vui" có thể dễ dàng xâm nhập vào học đường. (Ảnh: CA Tuyên Quang)

Ma túy 'nước vui' xâm nhập giới trẻ

GD&TĐ - Ngày 17/10, Công an tỉnh Tuyên Quang cho biết trên địa bàn tỉnh xuất hiện một số loại ma túy mới, điển hình là ma túy “nước vui”.