Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu kết luận tại hội nghị |
Dự hội nghị có GS.Viện sĩ Đào Trọng Thi - Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, các Giáo sư, nhà khoa học là thành viên Ban chủ nhiệm Chương trình Khoa học Giáo dục (CTKHGD), cùng đại diện các Cục, Vụ chức năng của Bộ.
Theo báo cáo của Văn phòng CTKHGD, năm 2017, Văn phòng Chương trình đã tiếp nhận được tổng số 306 đề xuất nhiệm vụ KH&CN từ các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu, học viện, hiệp hội, các thành viên Ban Chủ nhiệm Chương trình, Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước, các vụ, cục chức năng của Bộ GD&ĐT.
Thông qua các Hội đồng khoa học, thực hiện quy trình quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia sử dụng NSNN, đã có 40 nhiệm vụ KH&CN được xác định để thực hiện trong khuôn khổ của Chương trình.
Theo đánh giá, các nhiệm vụ KH&CN được xác định thuộc Chương trình đã đáp ứng được yêu cầu về “diện” và “điểm”, tập trung ưu tiên triển khai sớm một số nhiệm vụ KHCN trọng tâm, chuyên sâu về khoa học giáo dục, tư vấn chiến lược và quản lý nhà nước cho Lãnh đạo Bộ GD&ĐT, giải quyết những nhiệm vụ trọng tâm và vấn đề cấp bách của Ngành.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chủ trì phần thảo luận tại hội nghị |
Sau khi nghe các thành viên Ban chủ nhiệm Chương trình, đại diện các Cục, vụ chức năng của Bộ đánh giá, các nhiệm vụ, nêu lên những vấn đề tồn tại trong thực hiện chương trình năm qua, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã phân tích, giải đáp những vấn đề mà các đại biểu nêu ra tại hội nghị.
Đồng thời Bộ trưởng đã đánh giá cao những nhiệm vụ, hoạt động của chương trình năm qua đã góp phần hoạch định các chính sách của ngành Giáo dục.
PGS.TS Trương Gia Bình, thành viên Ban chủ nhiệm Chương trình phát biểu tại hội nghị |
Phát biểu kết luận hội nghị và giao nhiệm vụ trong thời gian tới, Bộ trưởng yêu cầu chương trình cần những nghiên cứu căn cơ để phục vụ cho công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT theo tinh thần Nghị quyết số 29;
Có những chương trình KH&CN để nâng cao chất lượng giáo dục; Xây dựng các luận cứ, tư vấn cho công tác hoạch định chính sách của ngành, từ chiến lược kế hoạch, quy hoạch, số liệu, chỉ số thống kê báo cáo; Ưu tiên trước hết cho nhiệm vụ xây dựng luận cứ cho đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT;
Hình thành những nhiệm vụ có tính chất bài bản, chiều sâu. Trong năm 2019-2020 các nhiệm vụ, chương trình sẽ đi vào chiều sâu, trọng tâm kết nối giữa nhà nghiên cứu với các nhóm nghiên cứu. Kết nối các nhiệm vụ của ngành giáo dục với Chính phủ.
Nhân dịp Xuân Mậu Tuất sắp đến, tại hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã gửi những lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến các thành viên Ban chủ nhiệm và các thành viên của Văn phòng Chương trình Khoa học Giáo dục cấp quốc gia 2016 - 2020.
Hội nghị tổng kết Chương trình Khoa học Giáo dục năm 2017 và triển khai kế hoạch thực hiện chương trình năm 2018 |
Ngày 4/5/2015, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt mục tiêu, nội dung và dự kiến các sản phẩm của Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 “Nghiên cứu phát triển khoa học giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam” (gọi tắt là Chương trình Khoa học Giáo dục).
Mục tiêu chung của Chương trình nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả nghiên cứu khoa học giáo dục, góp phần giải đáp những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. CTKHGD có ý nghĩa quan trọng đối với Bộ GD&ĐT trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT . Đồng thời đây cũng là Chương trình nghiên cứu cấp quốc gia đầu tiên về lĩnh vực GD&ĐT. Vì vậy Chương trình đã nhận được sự quan tâm rất lớn của đông đảo các nhà giáo, nhà khoa học, nhà quản lý đang công tác tại các cơ sở giáo dục và đào tạo và các cơ quan quản lý.