Trong năm học mới, giáo dục phổ thông và mầm non tập trung vào kỷ cương nề nếp, đạo đức lối sống; thầy ra thầy, trò ra trò, hạn chế nhất hiện tượng học sinh đánh nhau, không tuân thủ pháp luật; giáo viên cán bộ quản lý tăng kỷ cương công vụ, lấy kỷ cương nề nếp là sức mạnh, tạo nên chất lượng giáo dục.
Từng bước nâng cao chất lượng dạy và học, nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn, học đi đôi với hành, quan tâm tới trang bị kỹ năng nhất là kỹ năng mềm, kỹ năng sống cho học sinh.
Quyết tâm xây dựng hình ảnh của ngành giáo dục trước công luận, từng bước tạo niềm tin trong phụ huynh học sinh và toàn xã hội.
9 nhiệm vụ trọng tâm
Về rà soát, quy hoạch lại mạng lưới trường, lớp học, đối với các khu vực thành phố, quy hoạch trường lớp phải mở rộng, thoát khỏi khu vực nội đô, khắc phục tình trạng quá tải, lớp quá đông; Tăng cường xã hội hóa với nhóm trường lớp chất lượng cao;
Đối với miền núi khó khăn, có lộ trình sắp xếp điểm lẻ về điểm trường chính nhưng không vội vàng, gắn với tiêu chuẩn của nông thôn mới; Đảm bảo chuẩn bị tốt tâm lý cho phụ huynh. Với bậc học MN, sáp nhập, dồn dịch các trường học phải đảm bảo yếu tố nhân văn, trẻ được ở gần bố mẹ chứ không dồn trường một cách cơ học.
Cấp Tiểu học, THCS phải làm có lộ trình, tránh theo phong trào. Công tác quy hoạch trường, lớp mua sắm thiết bị dạy học phải gắn với quy hoạch, đào tạo lại đội ngũ giáo viên, trọng tâm là quy hoạch phải gắn với đổi mới CT-SGK.
Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý: Ngay sau khi Bộ GD&ĐT hoàn thành các bộ chuẩn, quy chuẩn giáo viên, giảng viên sư phạm, trên cơ sở đó các tỉnh rà soát số lượng giáo viên từ mầm non đến phổ thông, kết hợp với các trường sư phạm xây dựng lộ trình đào tạo, bồi dưỡng. Tránh làm xáo trộn nhưng không để tình trạng nước đến chân mới nhảy. Tăng cường phương pháp đào tạo, bồi dưỡng từ xa. Tăng cường quản lý chất lượng khâu đầu ra, đánh giá, sát hạch, bằng các chuẩn, quy chuẩn phân tầng, xếp hạng giáo viên.
Về nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đẩy mạnh thực hiện Đề án dạy và học ngoại ngữ giai đọna 2016 - 2020, tập trung rà soát chuẩn quy chuẩn, tập trung vào công tác khảo thí minh bạch, khách quan. Các chương trình phải được thiết kế theo hướng thực tế, mỗi bậc học cần đến đâu thiết kế chương trình thi đến đó.
Về ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục: đẩy mạnh tin học hóa trong quản lý, quyết tâm xây dựng được hệ thống thông tin kết nối giữa Bộ với các Sở GD&ĐT thông suốt cơ sở dư liệu. Hệ thống thông tin cung cấp kịp thời, hai chiều để Bộ kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của địa phương. Đẩy mạnh ứng dụng mạng lớp học thông minh, nâng cao chất lượng giảng dạy.
Về công tác giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm: Năm học 2017 – 2018 sẽ là tâm điểm thực hiện Nghị định tự chủ trong nhà trường, nhất là tự chủ về nghiệp vụ, trong đó có tự chủ về nhân lực, tài chính.
Về hội nhập quốc tế: Các Sở GD&ĐT phải tích cực tham mưu cho địa phương xây dựng những Đề án, chương trình thúc đẩy hội nhập quốc tế. Trong đó giải pháp quan trọng là xã hội hóa, các địa phương phải đẩy mạnh XHH để có mức độ hội nhập quốc tế của riêng địa phương.
Về Tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng các hoạt động giáo dục, phải rà soát hệ thống trường lớp, có kế hoạch rõ ràng cho các trường thực hiện dạy học 1 buổi, 2 buổi/ngày, kiên quyết không để xảy ra tình trạng nợ chuẩn; trong kế hoạch này, có kế huy động vốn cụ thể từ nguồn vốn trung ương, vốn địa phương, nguồn xã hội hóa để khắc phục tình trạng trường, lớp học không được kiên cố hóa.
Về nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực, ở bậc phổ thông, các địa phương phải rà soát lại giáo dục cơ bản, giáo dục mũi nhọn, củng cố trường THPT chuyên, Bộ sẽ cân nhắc việc xây dựng thông tư hướng dẫn riêng về nhiệm vụ này, lấy nòng cốt từ kỳ thi chọn HSG quốc gia các môn văn hóa để các kỳ thi nhẹ nhàng hơn, thúc đẩy giáo dục mũi nhọn, tạo nguồn bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao.
Về phân luồng và định hướng nghề nghiệp, đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, các tỉnh phải chú trọng bố trí số lượng giáo viên nghiêm túc thực hiện phân luồng, chấm dứt tình trạng kiêm nhiệm, việc hướng dẫn phân luồng, trải nghiệm phải làm tốt để học sinh định hướng nghề nghiệp, tạo tâm lý bình đẳng giữa đại học, nghề nghiệp.
5 giải pháp thực hiện
Về các giải pháp, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đưa ra những định hướng:
Giải pháp pháp chế: thống nhất rà soát, những văn bản nào còn nhưng chưa hợp lý, trái quy định. Tâm điểm là sửa đổi, bổ sung Luật giáo dục và Luật giáo dục đại học, đẩy mạnh cải cách hành chính.
Về nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ quản lý giáo dục các cấp, sau khi có chuẩn, quy chuẩn của các vị trí chức danh, đề nghị các Sở thiết kế chương trình bồi dưỡng cán bộ để kịp thời đáp ứng chuẩn; tổ chức đánh giá, phân loại xếp hạng cán bộ quản lý, công tác bố nhiệm yêu cầu phải đạt chuẩn. Phải căn cứ vào thực tế, đối với lãnh đạo nhìn vào năng lực kỹ năng quản trị trường học chứ không phải bằng cấp.
Về tăng cường các nguồn lực đầu tư cho giáo dục: tích cực tham mưu cho UBND, HĐND tỉnh bàn các giải pháp xã hội hóa theo hướng: đầu tư cho bậc học mầm non, tiểu học ngân sách nhà nước, ngân sách địaphương phải đầu tư; nhưng với mục tiêu ở trường chất lượng cao, phải mở ra cho các nhà đầu tư tư nhân có khả năng đầu tư vào đó; khắc phục tình trạng trong trường công lập lại có một phần chất lượng cao.
Về giải pháp tăng cường công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ sẽ kết nối các thông tư trong lĩnh vực này thành các bộ chuẩn chất lượng và công bố cho các địa phương làm căn cứ thước đo thực hiện, để thấy được mặt bằng chất lượng giáo dục các địa phương đang ở đâu.
Về đẩy mạnh công tác truyền thông, trong năm học, nhiệm vụ này có bước chuyển tốt nhưng cần đi vào chiều sâu, chủ động truyền thông bài bản trong năm học mới.