Đảm nhận vai trò của một phóng viên quốc tế cho trang tin Business Insider, tôi đã dành sáu tháng để đi tới Hồng Kông, Trung Quốc, Singapore, Hy Lạp, Israel, Nga và nhiều khu vực khác.
Thực sự ngôn ngữ bản địa của các quốc gia kể trên đều rất khó học. Nhưng mách nhỏ cho bạn biết là tôi rất giỏi trong việc biết nói đúng một ngôn ngữ: tiếng Anh. Nói tới đây tôi cảm thấy vô cùng ân hận với giáo viên dạy môn tiếng Ý của mình.
Ngôn ngữ luôn là một khoảng cách hiện hình khi chúng ta đi du lịch, nhưng nhờ vào công nghệ, khoảng cách này đang dần được thu hẹp. Có thể không hào nhoáng nhưng Google Translate chính là ứng dụng luôn cần thiết trong cuộc sống của tôi.
Từ những ngày đầu tiên ra mắt vào năm 2006, Google Translate đã trở thành một phần không thể thiếu của mạng Internet. Chúng ta có thể sử dụng nó vào việc hoàn thành bài tập môn ngoại ngữ (một lần nữa, cho em gửi lời xin lỗi tới giáo viên dạy môn tiếng Ý), nó xuất hiện ở nhiều nơi, từ Gmail tới Chrome, tới nhiều dịch vụ khác.
Ứng dụng này đang dần xóa nhòa đường biên giới mà sự bất đồng ngôn ngữ vạch ra khi bạn truy cập Internet, bạn có thể dễ dàng tung tăng khắp các ngõ ngách, từ những trang tin viết bằng tiếng Tây Ban Nha tới những website thương mại điện tử của Trung Quốc.
Không những vậy, những năm trở lại đây, Google Translate phiên bản di động cũng đang mang lại phép màu tới thế giới mà chúng ta đang sống. Google đã giới thiệu chức năng mới được thiết kế dành cho người thường xuyên di chuyển, đồng thời nâng cao độ chính xác của bản dịch bằng công nghệ dịch "neural machine".
Theo thống kê của trang tin The New York Times đầu năm nay thì Google Translate hiện tại đang có khoảng 500 triệu người sử dụng hàng tháng. Mỗi ngày sẽ có khoảng trên 143 tỷ từ được phiên dịch thông qua ứng dụng này.
Và cũng đầu năm nay, Google Translate trở thành tiêu điểm của sự kiện World Cup 2018 diễn ra tại Nga. Google đã cho biết rằng lưu lượng sử dụng ứng dụng đã tăng lên thêm 30% trong đợt diễn ra sự kiện. Trong một bài phỏng vấn đội tuyển Pháp, một phóng viên Tây Ban Nha đã sử dụng Google Translate để dịch toàn bộ câu hỏi sang tiếng Pháp do cả đội tuyển yêu cầu rằng tất cả câu hỏi đều phải được hỏi bằng tiếng Pháp.
Tôi cũng đã ở Nga vào thời điểm đó, nơi mà những người hâm mộ từ khắp nơi trên thế giới đổ về, nói chuyện với nhau thông qua chiếc điện thoại trên tay bất chấp sự bất đồng về ngôn ngữ. Đó có thể là cuộc trò chuyện giữa hai người nói tiếng Nga và tiếng Anh, có thể là Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, cũng có thể là Ả Rập với Pháp, là bất kì thứ ngôn ngữ nào bạn có thể nhớ ra. Tôi đã từng dùng nó để dịch những biển hướng dẫn được viết bằng bảng chữ cái Kirin, nói chuyện với tài xế taxi, chọn đồ ăn, và đọc bảng thông tin tại các viện bảo tàng.
Google Translate đã trở thành một công cụ gỡ rối cần thiết đối với tôi từ lâu lắm rồi.
Trong lần đặt chân tới Nhật Bản năm trước, tôi đã thực sự để ý tới chức năng quét và dịch chữ theo thời gian thực thông qua camera của ứng dụng này.
Nhờ vào vốn tiếng Ý ít ỏi của mình, tôi có thể đọc hiểu đại ý của các bảng, biển hiệu của các quốc gia nói ngôn ngữ thuộc nhóm Rôman, nhưng vốn kiến thức này chẳng thể giúp tôi hiểu được bất kì kí tự Kanji nào của tiếng Nhật.
Nhưng khi đang dạo bước trong một siêu thị ở khu phố Shibuya của Tokyo và bắt gặp một món ăn xa lạ, chức năng này đã giúp tôi phiên dịch từng món đồ trước mắt tôi, như thể tôi đang lần đầu đeo lên một chiếc kính có khả năng phiên dịch vậy.
Nhưng đó mới chỉ là những điểm sáng bên ngoài của ứng dụng này.
Trong những năm gần đây, Google Translate đã được thêm vào "chế độ hội thoại", nó cho phép người nói hội thoại trực tiếp vào microphone của điện thoại rồi ngay lập tức phiên dịch sang ngôn ngữ kia, người nghe cũng có thể đáp lại bằng cách tương tự. Dù rằng đôi lúc bản dịch sẽ trở nên hơi rườm rà nhưng vẫn hoàn toàn đủ với nhu cầu nói chuyện với những người không cùng ngôn ngữ với bạn.
Tôi có thói quen trò chuyện với tài xế taxi khi ở nước ngoài. Tôi không chỉ hỏi về những gợi ý, lời khuyên, mà tôi còn muốn tìm hiểu sâu hơn về đất nước của họ. Hầu hết những tài xế mà tôi nói chuyện sẽ đều có những câu chuyện sâu sắc để kể. Trước khi Google Translate xuất hiện, tôi chỉ mong rằng người tài xế sắp phục vụ mình có thể nói được phần nào tiếng Anh, song thực tế thì rất hiếm gặp.
Một vài tài xế cũng đã biết tới Google Translate. Có lần ở Athens, tôi gặp một tài xế tên là Ilias, anh ta luôn có một chiếc iPad để mở đặt trên bảng điều khiển của xe. Do mong muốn được nói chuyện với một người Mỹ, anh ta bắt đầu dùng Google Translate để nói chuyện ngay khi tôi bước vào xe. Không lâu sau đó, câu chuyện của chúng tôi đã dần chuyển sang Cuộc khủng hoảng Tài chính ở Hy Lạp và những cách thức giải quyết. Tôi đã học được rất nhiều từ anh ấy, và đó cũng là động lực cho một bài viết khác của tôi.
Có lẽ một trong những điểm tuyệt vời nhất của ứng dụng này đó chính là khả năng hoạt động không ngừng nghỉ ngay cả khi không có kết nối internet. Chỉ cần bạn tải về gói ngôn ngữ được yêu cầu thì mọi chứng năng của Google Translate đều hoạt động bình thường, kể cả chế độ hội thoại và khả năng phiên dịch thông qua camera. Đây là một điểm ấn tượng bởi vì chi phí roaming dữ liệu sẽ rất đắt đỏ.
Tuy rằng không thể tải về toàn bộ ngôn ngữ trên thế giới nhưng hiện đã có trên 60 ngôn ngữ có sẵn để tải về. Và mới đây Google cũng đang thông báo rằng họ sẽ mở rộng số lượng ngôn ngữ có thể tải về để sử dụng offline, bao gồm tiếng Ả Rập, Thái, Việt, Hindi,…