Đó là lời mở đầu trong phát biểu rất đáng chú ý của ông Tada – Chủ tịch Hội liên hiệp các nghiệp đoàn ngành dịch vụ lưu trú Ryokan và khách sạn toàn Nhật Bản – tại Hội thảo giao lưu nguồn nhân lực Việt Nam – Nhật Bản do Trường ĐH Hà Nội phối hợp với Hội liên hiệp các nghiệp đoàn ngành dịch vụ lưu trú Ryokan và khách sạn toàn Nhật Bản tổ chức chiều nay (18/10), tại Hà Nội.
Phát biểu trước đại diện nhiều trường có đào tạo về ngoại ngữ, ông Tada nói rõ: Chúng tôi không có nguyện vọng bồi dưỡng những người biên, phiên dịch viên mà muốn bồi dưỡng đội ngũ nhân lực phụng sự cho ngành dịch vụ lưu trú Việt Nam và Nhật Bản.
Thị trường của những người biên phiên dịch viên rất đặc thù và lại vô cùng nhỏ bé. Điều quan trọng là các bạn vận dụng tiếng Nhật để làm sao rèn thêm nhiều kỹ năng phong phú, đa dạng của các lĩnh vực, ngành nghề khác.
Ví dụ, nếu như các bạn là người phụ trách sảnh, các bạn sẽ học được kỹ năng dịch vụ, phục vụ; nếu phụ trách khối văn phòng hỗ trợ, bạn sẽ nâng cao được kỹ năng quản lý…
“Tôi không có ý định chỉ để cho các bạn sinh viên ưu tú làm mỗi công việc văn phòng, làm giường. Tuy nhiên, nếu các bạn phấn đấu trở thành người quản lý trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú này thì trước tiên bạn phải là người phục vụ ở mọi bộ phận trước đã.
Bởi vì việc thành thạo nhiều công việc chính là con đường ngắn nhất để đào tạo bồi dưỡng và phát huy năng lực” – ông Tada nói.
Bà Nguyễn Thị Cúc Phương – Phó hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội |
Chia sẻ hôm nay đến đây cùng rất nhiều đồng nghiệp là những doanh nhân ưu tú, câu chuyện ông Tada khiến nhiều người bất ngờ: “Tuy nhiên, cho đến bây giờ, những người bạn của tôi vẫn hàng ngày dọn vệ sinh bồn tắm, vệ sinh hành lang, sảnh khách sạn và vệ sinh toilet.
Họ làm những việc đó không phải bởi khách sạn của chúng tôi thiếu người mà họ làm để không lãng quên tâm hồn của con người lao động”.
Kêu gọi các bạn trẻ quan tâm đến lĩnh vực dịch vụ lưu trú, ông Tada khẳng định, ý nghĩa khi làm việc trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú của Nhật Bản là sẽ trở thành một chuyên gia về lĩnh vực dịch vụ đẳng cấp quốc tế và sau khi học hỏi được kiến thức quản trị, tương lai khi về nước, các bạn trẻ sẽ có thể trở thành người kinh doanh khách sạn tại nước mình.
“Có thể các bạn nghĩ tôi đang nói phóng đại, nhưng chúng tôi cho rằng, để các bạn vượt nghìn dặm biển đến đất nước Nhật Bản xa xôi để làm việc thì các bạn cần có ước mơ, và quan trọng hơn hết là các bạn phải có chí lớn để hiện thực hóa được ước mơ của mình” - Chủ tịch Hội liên hiệp các nghiệp đoàn ngành dịch vụ lưu trú Ryokan và khách sạn toàn Nhật Bản chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Cúc Phương – Phó hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội – cũng cho biết, Nhật Bản đang thiếu hụt trầm trọng nhân lực phục vụ cho Olympic 2020, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch, khách sạn – một trong những định hướng phát triển quan trọng trong chính sách Abenomic của Chính phủ Nhật.
“Chúng tôi tin rằng, sự kết hợp với hiệp hội lưu trú, khách sạn toàn Nhật Bản sẽ giúp Việt Nam khai thác tốt nhất cơ hội này” – bà Nguyễn Thị Cúc Phương khẳng định.
Hội thảo giao lưu nguồn nhân lực Việt Nam – Nhật Bản nằm trong khuôn khổ chương trình kỷ niệm 45 năm Trường ĐH Hà Nội bắt đầu giảng dạy tiếng Nhật và 25 năm thành lập khoa Tiếng Nhật.
Dịp này, Hội liên hiệp các nghiệp đoàn ngành dịch vụ lưu trú Ryokan và khách sạn toàn Nhật Bản cũng ký kết hợp tác với 9 trường ĐH, CĐ của Việt Nam, trong đó có Trường ĐH Hà Nội.
Mục đích ký kết nhằm đào tạo cũng như tổ chức giao lưu nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam trong bối cảnh Nhật Bản đang thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực ngành du lịch. Đồng thời, việc ký kết góp phần tạo nên một hệ thống xã hội phát triển bền vững có cơ chế giao lưu nguồn nhân lực lành mạnh.