Gợi ý giải đề thi CĐ môn Ngữ Văn (khối C, D)

Gợi ý giải đề thi CĐ môn Ngữ Văn (khối C, D)

(GD&TĐ)-Báo Giáo dục & Thời đại Online giới thiệu hướng dẫn giải đề thi CĐ môn Ngữ văn (khối C, D) do các thầy cô trung tâm hocmai.vn thực hiện. Đáp án này chỉ có tính chất tham khảo. Đáp án chính thức sẽ được Bộ GD&ĐT công bố sau mỗi đợt thi.

Gợi ý giải đề thi CĐ môn Ngữ Văn (khối C, D) ảnh 1

Xem đề thi CĐ môn Ngữ văn

PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ CÁC THÍ SINH (5,0 điểm)

Câu I (2,0 điểm)


- Trong phần đầu vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt, Trương Ba bị chết đột ngột do sự nhầm lẫn, tắc trách của Nam Tào (người cai quản chuyện sinh tử của con người dưới trần gian)

- Đến cuối vở kịch, Hồn Trương Ba nhận ra không thể tồn tại trong thân xác của một người khác nên đã quyết định nhận lấy cái chết, trả lại xác cho anh hàng thịt, chấm dứt vĩnh viễn sự tồn tại của "cái vật quái gở mang tên "Hồn Trương Ba, da hàng thịt".

- Ý nghĩa câu nói: "Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn."

Con người là một thực thể toàn vẹn, thống nhất không thể tách rời giữa linh hồn và thể xác, giữa "bên trong" và "bên ngoài". Mỗi cá nhân chỉ có thể sống hạnh phúc khi có sự hài hòa giữa các phương diện đó, được sống trọn vẹn những giá trị mình vốn có. Con người yêu sống và khao khát được sống nhưng không thể tồn tại bằng mọi giá khi mà sự tồn tại ấy là giả dối, dung tục, khập khiễng và chỉ mang lại nỗi đau cho những người thân yêu của mình.

Câu II. (3,0 điểm)


a. Giải thích ý kiến

- Khi con người chạy theo lối sống ích kỉ thì tất cả những tình cảm, hành động, những giá trị tốt đẹp hướng đến cộng đồng đều bị quên lãng, trở nên lạc lõng, ít ỏi và không được coi trọng.

- Thực chất, ý kiến này cảnh báo sự nguy hại của lối sống ích kỉ đối với con người và xã hội.

b. Bình luận ý kiến

- "Thói ích kỉ" là một tính cách tiêu cực của con người khi mỗi cá nhân chỉ biết đề cao, coi trọng và theo đuổi những lợi ích cho bản thân mình mà không xem trọng những lợi ích với cộng đồng. Thói ích kỉ có tác hại to lớn cho cá nhân và cộng đồng.

- Khi "thói ích kỉ trở thành lối sống" tức là tác hại của nó không chỉ bó hẹp trong phạm vi cá nhân, gia đình mà đã trở thành một lối sống phổ biến của nhiều người thì tác hại của nó còn lớn hơn gấp bội.

- "Tinh thần hi sinh vì cộng đồng, tình thương yêu đồng loại, sự sẻ chia với mọi người" đều là những tình cảm, phẩm chất, hành động cao đẹp góp phần làm cho xã hội nhân ái hơn, con người có điều kiện phát triển tốt nhất trí tuệ, tài năng và nhân cách. Nhưng khi thói ích kỉ "lên ngôi", trở thành lối sống của một bộ phận không nhỏ lớp người trong xã hội thì những hành động, phẩm chất, tình cảm cao đẹp ấy không những không được khuyến khích, tôn vinh mà còn có nguy cơ bị quên lãng, dần vắng bóng và trở nên lạc lõng trong một xã hội mà tất cả chỉ đề cao lợi ích của cá nhân mình.

c. Bài học nhận thức và hành động

- Rèn luyện tu dưỡng đạo đức, xây dựng lối sống lành mạnh, hệ giá trị đúng đắn, hướng đến những tình cảm cao đẹp vì cộng đồng.

- Không học đòi lối sống ích kỉ, không vì những hành động ích kỉ của người khác hay vì cảm thấy "lạc lõng" mà bỏ qua những hành động tốt đẹp giúp đỡ mọi người.

PHẦN RIÊNG (5,0 điểm)

Câu IIIa. Theo chương trình Chuẩn

1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm, hình tượng

- Nguyễn Trung Thành sinh năm 1932, là một trong những gương mặt tiêu biểu cho nền văn học Việt Nam hiện đại, nhà văn của núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ, của những con cháu Đam San, Xinh Nhã mạnh mẽ, dũng cảm, anh hùng.

- Rừng xà nu được viết năm 1965, in trong tập Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc, là tác phẩm xuất sắc của Nguyễn Trung Thành, rất tiêu biểu cho văn học Việt Nam thời chống Mỹ.

- Bên cạnh các nhân vật anh hùng, tập thể nhân dân anh hùng, nhà văn còn sáng tạo một hình tượng độc đáo, sống động vừa mang tính hiện thực về bức tranh thiên nhiên núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ vừa mang tính biểu tượng cho những phẩm chất cao đẹp của người Tây Nguyên anh dũng: hình tượng rừng xà nu. Đoạn văn phân tích nằm ở phần đầu tác phẩm.

2. Phân tích hình tượng rừng xà nu

* Nhận xét chung: Hình tượng cây xà nu trong toàn bộ tác phẩm: không chỉ xuất hiện trong nhan đề, mở đầu và kết thúc tác phẩm, trong toàn bộ truyện ngắn của mình, nhà văn đã gần 20 lần nhắc đến xà nu với nhiều biểu hiện khác nhau: rừng xà nu, cây xà nu, nhựa, lửa xà nu, mủ xà nu, khói xà nu .... Như vậy đủ thấy, hình tượng cây xà nu, rừng xà nu được tác giả dụng công xây dựng có vai trò quan trọng đối với toàn bộ tác phẩm, vừa làm nền cho diễn biến câu chuyện, tạo sự lôi cuốn hấp dẫn người độc đồng thời chuyển tải những tư tưởng nghệ thuật sâu sắc của nhà văn.

a. Về nội dung: Rừng xà nu là biểu tượng cho dân làng Xô Man, cho đồng bào Tây Nguyên.

- Rừng xà nu là vừa là chứng nhân vừa là nạn nhân của tội ác hủy diệt của kẻ thù.

+ Chứn nhân và nạn nhân hứng chịu những đau thương, tàn phá trước sức mạnh hủy diệt của kẻ thù: "cả rừng xà nu ... không cây nào không bị thương"; "có cây bị chặt đứt ngang nửa thân mình"; "có những cây bị đại bác chặt đứt làm đôi" ...Đó cũng chính là hình ảnh sinh động cho những đau thương, mất mát mà đồng bào Tây Nguyên phải chịu đựng trước sự tàn bạo của quân thù.

+ Nỗi đau biến thành sự căm hờn dồn nén: "Ở chỗ vết thương, nhựa ứa ra ... rồi dần dần bầm lại, đen và đặc quện thành từng cục máu lớn".

- Rừng xà nu là biểu tượng cho phẩm chất, khát vọng của người Tây Nguyên.

+ Sức sống mãnh liệt mà "ít có loài cây nào sinh sôi khỏe như vậy" và cũng "có ít loại cây ham ánh sáng mặt trời đến thế". Đó cũng là hình ảnh của nhân dân Tây Nguyên mạnh mẽ, giàu sức sống không một thế lực nào có thể hủy diệt được.

+ Sự phản kháng kiên cường, vững chãi, "ưỡn tấm ngược lớn của mình ra che chở cho làng". Những cây con mới mọc thì "ngọn xanh rờn, hình nhọn như mũi tên" còn những cây đã trưởng thành "cành lá sum suê, ... như một thân thể cường tráng". Đó là biểu tượng cho tinh thần quật khởi, cho sự anh dũng, kiên cường của đồng bào Tây Nguyên.

+ Sự đông đảo, điệp trùng của những cánh rừng xà nu: một cây vừa ngã xuống đã có nhiều cây khác mọc lên, nhìn ra xa "đến hết tầm mắt cũng không thấy gì khác ngoài những đồi xà nu nối tiếp tới chân trời". Đó là hình ảnh của bao thế hệ người Tây Nguyên nối tiếp nhau giữ vững truyền thống anh hùng của cha anh trong cuộc đấu tranh thời đại mới.

==> Đánh giá: Hình tượng rừng xà nu là biểu tượng sinh động cho nỗi đau cùng sự kiên cường, mạnh mẽ, vẻ đẹp và sức sống của thiên nhiên, con người Tây Nguyên đông đảo, anh hùng, giàu truyền thống yêu nước.

b. Nghệ thuật:

- Nhà văn sử dụng rất thành công nghệ thuật so sánh, nhân hóa, ẩn dụ để mỗi hình ảnh, chi tiết, đặc điểm của rừng xà nu đều gợi nhắc về một phẩm chất, đặc điểm của người Tây Nguyên.

- Câu văn giàu hình ảnh, cảm xúc, thấm đẫm chất thơ.

Đánh giá chung: Hình tượng rừng xà nu là một sáng tạo nghệ thuật đặc sắc của nhà văn, góp phần thể hiện chủ đề tư tưởng và tạo nên chất sử thi hùng tráng cho tác phẩm.

Câu III.b. Theo chương trình Nâng cao

1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm

- Hàn Mặc Tử (1912 – 1940) là một trong những hồn thơ phong phú và mãnh liệt nhất của thơ ca lãng mạn. Thơ của ông có những vần đầy huyết lệ nhưng cũng có những vần trong trẻo, tinh khiết như nước suối ban mai giữa rừng, nhất là những vần thơ viết về thiên nhiên và tình yêu.

- Đây thôn Vĩ Dạ được rút trong tập Thơ điên – 1939 là bài thơ tiêu biểu cho phong cách thơ Hàn Mặc Tử vừa là tác phẩm thể hiện sâu sắc và xúc động tình yêu thiết tha của nhà thơ với quê hương đất nước, với con người và cuộc đời.

2. Phân tích bài thơ

* Nhận xét chung: Trong khuôn khổ không dài (3 khổ thơ, mỗi khổ 4 câu), bài thơ đã tích tụ trong nó rất nhiều tầng ý nghĩa mà mỗi khi soi chiếu vào chúng ta lại phát hiện ra những vẻ đẹp riêng. Nổi bật trong đó là tấm lòng thiết tha của nhà thơ với thiên nhiên, đất nước và tình yêu da diết, cháy bỏng với con người, cuộc đời.

a. Đây thôn Vĩ Dạ là một bức tranh đẹp về một miền quê đất nước. Miền quê ấy chính là xứ Huế mộng mơ.

- Xứ Huế đẹp đẽ, thơ mộng hiện lên qua bức tranh khu vườn thôn Vĩ. Đó là một bức tranh vô cùng đẹp đẽ, trong sáng, ngập trong ánh nắng tinh khiết buổi sớm mai với hàng cau vút cao trước ngõ, với màu xanh mượt mà quý phái của cây lá trong vườn.

- Xứ Huế hiện lên qua hình ảnh về con người đôn đậu, hiền hòa, gần gũi với thiên nhiên mà vô cùng tế nhị, kín đáo và sâu sắc.

- Vẻ đẹp của Huế còn được tái hiện qua một hình ảnh thật đặc trưng: sông Hương. Dòng sông trong đêm lung linh, huyền ảo soi bóng ánh trăng, trở thành dòng "sông trăng" và những con đò nhỏ chở khách hay cũng đang chở trăng đi trong cuộc hành trình về miền mơ ước của nhà thơ.

b. Đây thôn Vĩ Dạ còn là bài thơ thể hiện tình yêu tha thiết đến tuyệt vọng của nhà thơ hướng về con người, cuộc đời.

- Hoàn cảnh riêng của Hàn Mặc Tử: thi nhân sáng tác bài thơ này khi đang phải vật lộn với những đau đớn về thể xác do bệnh tật dày vò và đang bị cách li khỏi cộng đồng - đây mới chính là nỗi đau tinh thần dai dẳng, đau đớn nhất mà nhà thơ phải gánh chịu. Cô đơn, tuyệt vọng, đối diện với nỗi đau đớn thể xác và ám ảnh thường trực về cái chết đang cận kể, nhà thơ vẫn khao khát cháy bỏng muốn được trở lại với cuộc đời.

- Bài thơ có sự xuất hiện của nhân vật trữ tình "em". Đó có thể là một người con gái cụ thể, là Hoàng Cúc (người bạn gái của Hàn Mặc Tử) nhưng cũng có thể đó chỉ là một "nhân ảnh" thi sĩ sáng tạo ra như một gọi mời, một điểm tựa để nhà thơ hướng về, để chia sẻ và hi vọng. Bài thơ mang cảm hứng chung về tình người, tình đời. Tình yêu ấy được biểu hiện qua nhiều cung bậc cảm xúc:

+ Mơ ước về thế giới "ngoài kia" nơi cuộc sống đẹp đẽ, ấm áp, ngập tràn ánh nắng và mướt xanh sự sống (khổ thơ thứ nhất).

+ Ý thức rõ về thực tại, một thực tại nghiệt ngã nơi mà tất cả mọi thứ đều như đang chia lìa, li tán, đều thấm đẫm một nỗi "buồn thiu" man mác đồng thời ý thức về khoảng thời gian ngắn ngủi của kiếp sống mình. Bao trùm lên đó là một nỗi buồn và một niềm băn khoăn, thổn thức. (Khổ thơ thứ hai)

+ Dự cảm về tương lai, khi tất cả đều dần chìm vào màn sương mờ ảo, quên lãng. Câu hỏi chất chứa bao băn khoăn, day dứt hướng đến nhiều đối tượng: hỏi mình, hỏi người, hỏi cuộc đời. Câu hỏi được cất lên từ trái tim nghệ sĩ nhạy cảm luôn khao khát sống, yêu thiết tha cuộc đời và con người.

c. Đặc sắc nghệ thuật

- Bút pháp lãng mạn có yếu tố tượng trưng thể hiện qua mạch vận động ngầm của cảm xúc nhân vật trữ tình qua mỗi khổ thơ, làm nên cấu trúc độc đáo của toàn bài.

- Giọng thơ tha thiết, xúc động đầy băn khoăn, trăn trở với 3 câu hỏi tu từ nằm ở mỗi khổ thơ.

- Hình ảnh thơ trong sáng, đẹp đẽ mà ẩn chứa nhiều tầng nghĩa với bao suy tư, day dứt, ám ảnh.        

  Giáo viên : Tổ Ngữ văn Hocmai.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.