Mỗi món quà Tết đều tượng trưng cho lời chúc tân xuân may mắn, tài lộc đầy nhà. Vì vậy mà các tặng phẩm thường được chăm chút để có vẻ ngoài đẹp mắt, vừa khiến người nhận cảm thấy vui lòng. Ví dụ như những giỏ quà gồm bánh kẹo, mứt Tết hay những sản phẩm hữu ích được đóng gói sang trọng, giúp thể hiện tâm ý của người trao tặng. Gia chủ khi nhận quà, thường bày biện lên bàn thờ gia tiên hoặc nơi trang trọng trong nhà.
Tặng bánh chưng, bánh tét với hy vọng về một năm mới sung túc cũng là món quà quý trong dịp Tết cổ truyền. Ngoài ra, 2 loại bánh còn được dùng trong mâm cơm cúng gia tiên mang ý nghĩa tri ân, sum họp và thể hiển truyền thống uống nước nhớ nguồn, báo đáp công ơn sinh thành dưỡng dục bao la như trời đất của cha mẹ.
Mâm ngũ quả ở miền Bắc và miền Nam tuy khác nhau nhưng đều ngụ ý mong ước đủ đầy, "cầu sung vừa đủ xài" trong năm mới. Ngày nay, các loại trái cây trong mâm ngũ quả không chỉ đảm bảo giá trị tâm linh mà còn thể hiện sự độc đáo, trang trọng. Vì yêu quý nhau, mọi người thường tặng phật thủ, bưởi hồ lô, bưởi tài lộc, dưa hấu thỏi vàng, dưa hấu khắc chữ...
Các loại quả khắc chữ là món quà Tết độc đáo. |
Ngoài ra, người Việt còn biếu tặng nhau tranh vẽ Tam đa Phúc Lộc Thọ làm món quà treo tường trang nhã, thay cho lời chúc năm mới hạnh phúc vẹn toàn, nhiều tài lộc và mạnh khỏe. Ngoài tranh vẽ, cây trúc phát lộc là một lựa chọn khác. Theo phong thủy, cây trúc (mộc) được cột dải lụa đỏ (hỏa) và trồng trong nước (thủy), đặc biệt là dạng một cây năm nhánh sẽ mang tài lộc tới cho gia chủ.
Những món quà thiết thực, có lợi cho sức khỏe cũng là xu hướng biếu tặng phổ biến trong những năm gần đây. Ở Nam Bộ, người dân còn tặng nhau dầu ăn thay cho lời chúc phát tài ("dầu" nói lái thành "giàu"). Để thêm phần trang trọng, người mua thường lựa chọn những món quà có bao bì đẹp mắt, thiết kế tinh tế, có màu đỏ tượng trưng cho may mắn hoặc màu vàng hàm chứa tài lộc.