Gói hỗ trợ lãi suất 2% đi về đâu?

GD&TĐ - Tại Tờ trình số 179/TTr-CP, Chính phủ đề xuất phương án trình Quốc hội cho phép tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2%.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Chính phủ vừa có Tờ trình số 179/TTr-CP gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình thực hiện các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội.

Báo cáo cho biết, kết quả triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% cho các khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh “rất thấp”. Đến cuối tháng 3/2023 mới chỉ giải ngân 327 tỷ đồng, tương đương 0,82% nguồn lực bố trí để thực hiện chính sách (40.000 tỷ đồng). Dự kiến đến hết năm 2023 chỉ giải ngân được khoảng 2.570 tỷ đồng, còn khoảng 37.430 tỷ đồng không sử dụng hết.

Trước đó, trong thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội tháng 2; thực hiện Chương trình phục hồi và các chương trình mục tiêu quốc gia, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước đánh giá kỹ khả năng giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% để nghiên cứu, đề xuất phương án điều chuyển nhiệm vụ chi hỗ trợ lãi suất sang hình thức, chính sách khác. Trong đó, phương án được xem xét là chuyển sang cho vay nhà ở xã hội, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả.

Tuy nhiên, tại Tờ trình số 179/TTr-CP, Chính phủ đề xuất phương án trình Quốc hội cho phép tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2%. Đối với số vốn không giải ngân hết của chính sách sau khi kết thúc thời gian giải ngân kế hoạch năm 2022 và 2023, Chính phủ đề xuất Quốc hội hủy dự toán, kế hoạch vốn, không huy động nguồn lực (dự kiến 37.430 tỷ đồng), đồng thời không làm tăng bội chi tương ứng với số vốn này.

Như vậy có thể hiểu, nguồn lực còn lại của gói hỗ trợ lãi suất 2% dù rất lớn nhưng sẽ không được điều chuyển cho các chính sách khác thuộc Chương trình phục hồi. Đây là lựa chọn hợp lý khi thời gian còn lại của Chương trình chỉ còn 7 tháng, không đủ để đánh giá hiệu quả, tác động của phương án mới.

Song, đặt trong bối cảnh doanh nghiệp đang rất khó khăn trong việc tiếp cận vốn, lãi suất ngân hàng và chi phí đầu vào vẫn ở mức cao thì kết quả giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% rất thấp như vậy là điều vô cùng đáng tiếc!

Còn nhớ, gói hỗ trợ này đã được cộng đồng doanh nghiệp đón nhận đầy hào hứng và hy vọng. Vậy nhưng rất “éo le” khi kết quả giải ngân thấp ngoài sức tưởng tượng, bởi vòng luẩn quẩn người cần thì không có, người có thì không cần! Báo cáo của Chính phủ cho biết có khoảng 67% khách hàng thuộc ngành, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất và đủ điều kiện thụ hưởng nhưng không có nhu cầu được hỗ trợ. Khoảng 87% khách hàng thuộc ngành, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất nhưng không đáp ứng điều kiện được hỗ trợ.

Nền kinh tế từ nay tới cuối năm được nhận định là rất khó khăn. Các doanh nghiệp sẽ tiếp tục đối diện nhiều thách thức cả từ bên ngoài và bên trong, phần lớn nằm ngoài tầm xử lý và không thể hóa giải trong một sớm một chiều.

Chính vì thế, Chính phủ cần tập trung chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2% với quyết tâm cao nhất.

Những vướng mắc có thể xử lý được thì cần giải quyết ngay (ví dụ giải tỏa tâm lý e ngại công tác thanh tra, kiểm tra; làm rõ tiêu chí “có khả năng phục hồi”) để giải ngân cao nhất. Điều này không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh mà còn trợ giúp cho tăng trưởng của cả nền kinh tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ