Gói an sinh 26.000 tỷ: Cầu toàn, sợ sai sót thành… mất tác dụng?

GD&TĐ - Sau khi gói an sinh 26.000 tỷ được thông qua, nhiều tỉnh, thành vẫn đang rà soát, xem xét kế hoạch và hướng dẫn. Việc thực thi vẫn chưa triệt để và tới tay các đối tượng được hỗ trợ.

Nhiều đối tượng vẫn đang chờ từng ngày để được nhận hỗ trợ từ gói 26 nghìn tỷ đồng. Ảnh minh họa
Nhiều đối tượng vẫn đang chờ từng ngày để được nhận hỗ trợ từ gói 26 nghìn tỷ đồng. Ảnh minh họa

Lao động nghèo Thủ đô mong chờ hỗ trợ từng ngày

Nhiều đối tượng đủ điều kiện được hỗ trợ từ gói an sinh 26 nghìn tỷ cho biết, họ vẫn đang chờ từng ngày để được “gọi tên”.

Anh Hoàng Minh, lái xe taxi cho biết: “Trước đây, khách nhiều thì mỗi ngày có thể thu được 700 nghìn đến 1 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Do dịch bệnh, khách đi ít, thu nhập của tôi giảm 90%. Có ngày, tiền để ra chỉ tương đương một cái bánh mì. Thậm chí, tình hình giãn cách xã hội khiến nhiều ngày không có khách”.

“Tôi làm bốc vác ở chợ Đồng Xuân được 18 năm, ngày nhiều thì được 300 đến 400 nghìn đồng. Nhưng chợ đóng cửa thì phải nghỉ dài, nên rất khó khăn, chạy cơm từng bữa. Vì vậy, anh em lao động chúng tôi vẫn ngóng từng ngày được nhận hỗ trợ để trang trải chi phí sinh hoạt. Nhưng tôi vẫn lo thủ tục khắt khe, chứng minh lằng nhằng. Bởi lao động tự do như tôi không có hộ khẩu hay hợp đồng gì” - anh Mai Anh Tuấn nói.

Vợ chồng anh Đào Nhật Trường, tiểu thương tại quận Hoàn Kiếm chia sẻ, người dân tự xoay xở chứ chưa từng được hỗ trợ gần 2 năm ảnh hưởng bởi dịch. Vì vậy, trên tivi hàng ngày nói đến gói hỗ trợ khiến nhiều người trông mong mà chưa thấy.

“Quầy hàng vẫn phải đóng tiền đầy đủ, ban quản lý không bớt một đồng nào. Tất cả các hộ đóng 5 năm/lần với mức 100 - 150 triệu đồng theo 2 đợt, đóng 50% trước. Hàng thì ế mà thuế thì vẫn thu. Mỗi tháng tính ra khoảng 5 triệu/tháng, cứ mở cửa phải trả tiền. Nếu dịch kéo dài thì rất khó khăn”, anh Trường nói.

Theo anh Trường, mong muốn là các hộ kinh doanh như của anh sớm được hỗ trợ để giảm bớt gánh nặng kinh tế, dù không đáng là bao so với thiệt hại do dịch Covid-19. Nhưng đối với nhiều gia đình, số tiền đó cũng có thể lo ăn uống, sinh hoạt tạm thời cho các con.

Còn rất nhiều người lao động tự do như anh Minh, anh Tuấn đang ngày đêm lao động để nuôi sống gia đình, còn dư chút ít để dành khi ốm đau.

Nhưng dịch bệnh tới, việc làm ít đi, bữa cơm của các anh phải lo từng ngày. Mong ước lớn nhất của họ là sớm được hỗ trợ khẩn cấp theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23.

Chiều 20/7, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho biết, đơn vị đã trình UBND thành phố dự thảo kế hoạch hỗ trợ 12 nhóm đối tượng theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23. Tuy nhiên, Hà Nội có đặc thù dân cư đông nên các quận, huyện, thị xã phải xác định, rà soát tiêu chí từng nhóm đối tượng, đảm bảo đúng nguyên tắc.

Không bỏ sót đối tượng

Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, đến nay nhiều tỉnh, thành vẫn chưa ban hành quyết định hỗ trợ các đối tượng. Việc lập danh sách gặp khó khăn do nhiều người đi làm trong doanh nghiệp nhưng không có hợp đồng, không đủ điều kiện xét hỗ trợ. Nhiều địa phương lúng túng trong triển khai, nhất là cán bộ cấp xã, huyện. Một số nơi thận trọng, cầu toàn, sợ sai sót. Việc lập danh sách mất nhiều thời gian, thủ tục phê duyệt còn chậm.

Hiện, TPHCM là địa phương đi đầu cả nước trong công tác hỗ trợ lao động tự do. Chủ yếu đối tượng là xe ôm truyền thống, bán vé số dạo, buôn bán hàng rong, thu gom rác, phế liệu, vận chuyển hàng hóa…

Ngày 21/7, ông Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, hiện tỉnh đã giao Sở LĐ-TB&XH xây dựng kế hoạch chi tiết. Theo ông Long, việc thực hiện Nghị quyết 68 và Quyết định 23 trên tinh thần bảo đảm không trục lợi và không bỏ sót đối tượng được hỗ trợ.

Ông Đoàn Hồng Vũ - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nghệ An cũng cho hay, đơn vị vừa xây dựng dự thảo kế hoạch thực hiện Nghị quyết 68 và Quyết định 23, trình UBND tỉnh ban hành.

Theo ông Vũ, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên việc triển khai sẽ có khó khăn về nguồn kinh phí. Do vậy, quá trình xây dựng kế hoạch cần sát thực tế, phù hợp với nguồn ngân sách tỉnh. Đồng thời đơn giản hóa thủ tục để thuận lợi hậu kiểm, bảo đảm chính sách đến với người lao động, không để bị trục lợi chính sách.

“Đối với 11 nhóm đối tượng đã được quy định rõ trong Nghị quyết 68 thì không khó khăn trong thực thi. Bởi nhóm đối tượng này, ngân sách Trung ương đảm bảo 60%, ngân sách tỉnh 40%. Riêng nhóm 12 thuộc thẩm quyền và quy định của địa phương. Trong bối cảnh ngân sách khó khăn nên quá trình triển khai phải hết sức thận trọng, đồng thời để làm sao chính sách đến được với người lao động”, ông Vũ nói.

Đến nay, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Nghệ An và các phòng giao dịch cấp huyện ở tỉnh này đã liên hệ trực tiếp tới hơn 1 nghìn doanh nghiệp trong tỉnh để thông tin về nội dung gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68. Qua khảo sát có 18 doanh nghiệp đăng ký vay vốn với số tiền gần 6 tỷ đồng.

Hiện, chi nhánh đang tích cực hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp, người sử dụng lao động hoàn thiện hồ sơ để sớm giải ngân vốn vay. Quy trình bảo đảm thủ tục đơn giản, kịp thời, đúng đối tượng.

Ông Trần Văn Dũng - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hưng Yên cho hay, tỉnh đã có quyết định triển khai kế hoạch hỗ trợ 11 đối tượng theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23 từ 9/7. Ngân hàng Chính sách Xã hội Hưng Yên đang hỗ trợ 10 doanh nghiệp hoàn thành hồ sơ với trên 2,7 tỷ đồng.

“Đối tượng lao động tự do sẽ có quyết định riêng trong tháng 7 này. Dự kiến khoảng 1,5 triệu đồng/người. Ngoài ra, tỉnh đã hỗ trợ khẩn cấp cho trên 6 nghìn hộ nghèo với mức 20 kg gạo/hộ trị giá gần 2 tỷ đồng để giúp nhân dân tạm vượt qua khó khăn” - ông Dũng nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Chưa rõ điểm đến của hệ thống Patriot được chất lên xe

Tranh cãi việc bắt sống hệ thống Patriot?

GD&TĐ - Một chiếc xe tải vận chuyển một thứ được cho là hệ thống tên lửa phòng không Patriot của Mỹ, tuy nhiên, đích đến của nó vẫn đang là một dấu chấm hỏi.