Gốc rễ của chuyển đổi giáo dục

GD&TĐ - Ngày 5/10 được UNESCO chọn là Ngày Nhà giáo Thế giới và năm 2022, với chủ đề "Giáo viên là gốc rễ của sự chuyển đổi giáo dục".

Cô trò Trường Tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng).
Cô trò Trường Tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng).

Tuy nhiên, để có thể truyền cảm hứng cho trò, thầy cô cũng cần được “tiếp sức” trong hành trình đổi mới, sáng tạo.

“Dọn dẹp” những cái cũ

Hơn hai mươi năm dạy học, cô Hồ Thị Tâm (giáo viên Ngữ văn, Trường Quốc học Huế) thẳng thắn thừa nhận: “Tôi đã lúng túng với thơ Đường biết bao nhiêu thì khi đón nhận phần thơ Haiku, tôi lại càng bối rối. Phương pháp dạy học cũ theo cách giảng văn đôi khi giúp học trò say mê theo lời giảng, nhưng lại trở thành lối dẫn dắt thụ động cảm xúc của người học. Tôi đã từng tự hào vì mình có bài giảng hay. Nhưng đến một ngày tôi chợt nhận ra, “lời giảng hay” chỉ là cách tôi nhìn, cách tôi cảm và tôi yêu thích. Còn học trò thì không”.

Theo cô Tâm, đây là điều tất nhiên vì cảm xúc về cái đẹp phải gắn với cảm xúc về đời sống thật. Giáo viên không thể lấy chuẩn mực cái đẹp của thế kỷ XX áp đặt vào chuẩn mực cái đẹp của con người thế kỷ XXI. Và cô Tâm tìm cách tổ chức giờ dạy theo cách khác, để học trò nói ra được điều đang nghĩ và yêu thích về văn chương, cũng là về đời sống.

“Dù người dạy không nói nhiều và không chỉ định đơn vị kiến thức nào nhưng học trò lại học được nhiều hơn giới hạn hiểu biết của mỗi cá nhân” – cô Tâm nhận xét.

Vẫn là 45 phút nhưng 5 phút đầu, học sinh được yêu cầu ghi ra những gì bản thân biết về văn hóa Nhật Bản. Tiếp đó, các em có thêm 5 phút để ghi ra hiểu biết về thơ Haiku. Học sinh chọn một bài thơ thích nhất và viết ra những cảm nhận của mình trong 10 phút. 25 phút còn lại của giờ học dành cho sự trao đổi, trình bày và thảo luận của cả lớp. Các em đưa ra nhiều vấn đề về văn hóa, văn học và bài học.

Cô Nguyễn Trần Nhật Nguyệt (Trường Tiểu học Thuận Thành, TP Huế, Thừa Thiên - Huế) kể thời gian đầu xây dựng Trường học hạnh phúc gặp rất nhiều khó khăn chỉ vì “rập khuôn như những gì mình đã học, mình thực hành 10 phút nhưng các em lại không đủ 10 phút để thực hiện”. Thêm vào đó là khối lượng lớn công việc từ chương trình dạy học, hồ sơ sổ sách, chuyên môn, dự giờ, tham gia hoạt động ngoài giờ lên lớp.

Cô Nguyệt thừa nhận đã có những lúc nghi ngại, gần như hết năng lượng, không có thời gian để thực hành Trường học hạnh phúc. Rồi cô cùng với đồng nghiệp quyết tâm xây dựng Trường học hạnh phúc gắn với điều kiện thực tế của nhà trường, bắt đầu từ những gì bản thân mỗi người thấy tự tin nhất.

Câu lạc bộ (CLB) “Em hạnh phúc” của Trường Tiểu học Thuận Thành ra đời như một môi trường thực hành cho thầy cô và học sinh nhà trường về mô hình Trường học hạnh phúc. Với CLB, học sinh được giáo dục cảm xúc. Nhưng đồng thời, thầy cô cũng được thực hành về lòng biết ơn, nuôi dưỡng cảm xúc tích cực, lắng nghe sâu, bài tập về sơ cứu cảm xúc. Mỗi giáo viên lại gieo những cảm hứng tích cực tại lớp học của mình. Nhờ đó, học sinh, giáo viên và phụ huynh có thêm năng lượng, niềm tin để cùng đồng hành.

Mục tiêu của Chương trình GDPT 2018 là hình thành phẩm chất, năng lực cho học sinh thông qua những hoạt động giáo dục. Thế nhưng, TS Vũ Đình Chuẩn – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) - nhận xét, nếu học sinh không có hứng thú, không có động cơ học tập thì khó mà hình thành phẩm chất, kỹ năng, cũng không thể vận dụng kiến thức để giải quyết vấn đề thực tế từ đời sống được.

Ông Vũ Đình Chuẩn ví dụ, hầu như tiết dự giờ, thao giảng ở trường học, rất dễ gặp hình ảnh giáo viên “bị kẹp” giữa sách giáo khoa và học sinh. Thầy cô cứ phải cầm sách giáo khoa để đọc một số nội dung như kết luận, kiến thức cần ghi nhớ… Trong khi đó, nhà giáo có thể áp dụng mô hình lớp học đảo ngược. Học sinh sẽ tìm hiểu trước bài học với sự hướng dẫn, giao nhiệm vụ của thầy cô. Giờ lên lớp, chỉ dành để học sinh và giáo viên trao đổi, giải đáp thắc mắc; tăng thời gian thực hành, luyện tập nhiều hơn.

Ảnh minh họa của Thế Đại.

Ảnh minh họa của Thế Đại.

Tiếp sức đổi mới

Một giáo viên đang đảm nhận dạy môn Khoa học Tự nhiên lớp 7 của Trường THCS Lý Thường Kiệt (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) tâm sự rằng, để chuẩn bị cho một bài dạy môn Khoa học Tự nhiên, cô phải đầu tư gấp 3 lần thời gian chuẩn bị kế hoạch bài dạy so với dạy đơn môn như trước đây. “Chừng đó thời gian mới có thể đủ cho việc cập nhật sách mới, hiểu nội dung, bản chất, tìm cách diễn đạt cho học sinh dễ hiểu.

Giáo viên còn phải lựa chọn phương pháp, kỹ thuật dạy học như mảnh ghép, công não, phòng tranh, khăn trải bàn... phù hợp để học sinh có thể lĩnh hội được kiến thức, hình thành kỹ năng ở mức tối ưu nhất. Rồi phải chọn lọc hệ thống câu trắc nghiệm cho việc củng cố, nội dung ghi bảng, trò chơi, mô hình…”. Những chuẩn bị kỹ càng như vậy, chỉ với mục đích duy nhất là giúp giáo viên tự tin khi đứng trước học sinh. Và để học trò nhận được điều tốt nhất có thể tại phòng học này.

“Để nuôi dưỡng và duy trì sự tận tâm, tận tụy, tận lực với nghề thì thầy, cô giáo phải có mức thu nhập đủ để sống; lương giáo viên trẻ phải được nâng lên mới có thể tái tạo được sức lao động”, thầy Nguyễn Thái Phong – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu - thẳng thắn nhìn nhận, đồng thời chia sẻ: Giảm sĩ số học sinh/lớp, cải thiện cơ sở vật chất, trường lớp; có chính sách, cơ chế đặc thù đối với giáo viên công tác ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo… là những mong mỏi chính đáng của đội ngũ nhà giáo.

Được chọn nơi công tác dựa trên kết quả của kỳ thi tuyển viên chức giáo dục năm 2020 của tỉnh Quảng Nam, cô Võ Thị Thùy Liên (GV Trường THPT Nông Sơn) tâm sự: “Được chọn trường công tác theo nguyện vọng trên cơ sở điểm xét tuyển từ cao đến thấp là công bằng, khách quan và công khai đối với mọi người. Mình được lựa chọn trường nên tâm lý rất thoải mái khi tiếp nhận nhiệm sở, không bị áp đặt”. Thầy, cô giáo trẻ đều cảm thấy vui vẻ, thoải mái dù nơi được chọn là trường ở xa nhà, nằm ở địa bàn miền núi cao và không đúng với nguyện vọng của mình vì “điểm xét tuyển của mình thấp hơn bạn bè nên không được quyền lựa chọn trước”. Điều này giúp cho những giáo viên mới vào nghề có được niềm hứng khởi cho cả một hành trình dạy học phía trước.

Trong báo cáo gửi Quốc hội việc thực hiện Nghị quyết số 41 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 2 trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã đề nghị UBND các tỉnh, thành chỉ đạo khẩn trương triển khai tổ chức tuyển dụng 27.850 biên chế giáo viên cấp mầm non và phổ thông để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên của năm học 2022 – 2023. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng Thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 06/2015 theo hướng không quy định “tối đa” định mức giáo viên/lớp, nhóm trẻ để các địa phương có cơ sở tuyển dụng, hợp đồng giáo viên đảm bảo thực hiện Chương trình giáo dục mầm non.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (Hải Châu, Đà Nẵng) trang trí cho hoạt động Chúng em cùng chúc Tết. Ảnh: NTCC

Bài tập Tết truyền cảm hứng

GD&TĐ - Thay vì giao bài tập nặng về kiến thức trong dịp nghỉ Tết, nhiều thầy cô đã định hướng HS trải nghiệm phong tục Tết, biết quan tâm giúp đỡ gia đình.

Ảnh minh họa/ITN.

Tránh học tập thụ động với ChatGPT

GD&TĐ - Việc học sinh sử dụng ChatGPT để làm bài một cách thiếu động não, tư duy, bị trí tuệ nhân tạo dẫn dắt, bị mất đi sự tự chủ là đáng lo ngại.