Tham vấn quốc gia hướng tới Hội nghị thượng đỉnh Chuyển đổi giáo dục

GD&TĐ - Ngày 20/7, Bộ GD&ĐT phối hợp với Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UN Vietnam) tổ chức Hội thảo Tham vấn quốc gia hướng tới Hội nghị thượng đỉnh Chuyển đổi giáo dục. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc chủ trì hội thảo.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc phát biệu tại hội thảo.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc phát biệu tại hội thảo.

Lấy người học làm trung tâm

Bà Lê Anh Lan, chuyên gia giáo dục Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNICEF Việt Nam), cho biết: Sau 2 năm dịch Covid-19, theo số liệu mới nhất của UNICEF, hơn 1,6 tỷ trẻ em và thanh thiếu niên bị ảnh hưởng bởi việc đóng cửa trường học. Đại dịch Covid-19 là một lời cảnh tỉnh về việc phải suy nghĩ lại và tái đình hình để chuyển đổi giáo dục.

“Hội nghị thượng đỉnh Chuyển đổi giáo dục do Tổng thư ký Liên Hợp Quốc chủ trì nhằm tăng cường và thúc đẩy việc thực hiện các hiệp định đa phương hiện có, đặc biệt là Chương trình nghị sự 2030. Thúc đẩy hành động ở cấp quốc gia và toàn cầu, đồng thời hỗ trợ thiết lập các lĩnh vực trọng tâm với các nguồn lực từ Ban chỉ đạo cấp cao Mục tiêu phát triển bền vững số 4 (SDG4)”, bà Lê Anh Lan chia sẻ.

Hướng tới Hội nghị thượng đỉnh Chuyển đổi giáo dục, hội thảo tham vấn quốc gia được tổ chức nhằm phát triển tầm nhìn chung về tương lai của giáo dục và tìm ra các giải pháp, hành động khả thi cũng như khuyến khích sự đoàn kết, chung tay từ tất cả các cơ quan, ban ngành trong xã hội để thực hiện các cam kết, các mục tiêu vì sự phát triển bền vững, đặc biệt là đối với mục tiêu SDG4 về giáo dục có chất lượng.

Đóng góp ý kiến tại hội thảo, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nhấn mạnh giáo dục cần hướng đến lấy người học làm trung tâm. Đồng thời, gia đình, nhà trường, xã hội cùng các cấp, các ngành liên quan cần tăng cường phối hợp và hợp tác trong việc chăm sóc trẻ em, góp phần nâng cao chất lượng chuyển đổi giáo dục.

Còn bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam, cho rằng, hướng đến chuyển đổi giáo dục, các trường học Việt Nam cần đầu tư xây dựng trường học an toàn, trong đó bao gồm vấn đề nước sạch, vệ sinh môi trường trong trường học. Đồng thời, xây dựng cho trẻ những kỹ năng trong thời đại 4.0 để các em phát triển phù hợp, có đủ kỹ năng, tự tin, chủ động tiếp cận kiến thức.

“Giáo dục phổ thông, không chỉ trau dồi kỹ năng học thuật, mà còn phải giúp trẻ em xây dựng các kỹ năng mềm như giao tiếp, giải quyết vấn đề, đặt câu hỏi, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI)... Đây là những yếu tố quan trọng giúp các em phát triển trong bối cảnh cạnh tranh việc làm như hiện nay” – bà Rana Flowers chia sẻ.

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Tại hội thảo, các ý kiến trao đổi, thảo luận tập trung vào 4 chủ đề gồm: Đảm bảo việc phục hồi hoàn toàn sau sự gián đoạn giáo dục do đại dịch Covid-19; Xác định các chuyển đổi và đòn bẩy chiến lược chính để tái thiết lập nền giáo dục cho thế kỷ 21 và đẩy nhanh tiến độ hướng tới các mục tiêu giáo dục chung; Đảm bảo nguồn tài chính công cho giáo dục được tăng trưởng và bền vững hơn; Khơi dậy tham vọng về chỉ tiêu và các tiêu chuẩn của giáo dục quốc gia hướng tới SGD4.

Ba trụ cột chuyển đổi giáo dục Việt Nam

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết hơn hai năm qua, với sự chỉ đạo đúng đắn của chính phủ, cùng với sự cố gắng, nỗ lực, kiên trì và bền bỉ của của cả hệ thống giáo dục, mặc dù gặp rất nhiều thách thức do đại dịch COVID 19 gây ra, Bộ GD&ĐT đã thực hiện nhiều chính sách giúp cho việc dạy và học trên toàn đất nước không bị gián đoạn, cũng như chất lượng giáo dục luôn được đảm bảo.

Khi ứng phó với đại dịch, chúng ta cũng nhận thức rõ hơn về hệ thống giáo dục Việt Nam và đặt ra những câu hỏi mang tính chiến lược về tương lai của giáo dục nước nhà; những yêu cầu thực tiễn về chuyển đổi hệ thống giáo dục quốc gia, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững trong một thế giới nhiều biến động.

Theo Thứ trưởng, Việt Nam đang trong giai đoạn đầu thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045. Trong bối cảnh đó, cần tập trung vào định hướng chuyển đổi giáo dục Việt Nam thông qua ba trụ cột.

Đầu tiên là chuyển đổi hệ thống quản trị của lĩnh vực giáo dục và phát triển đội ngũ lãnh đạo có năng lực phù hợp với thời đại. Hệ thống quản trị và trình độ đội ngũ lãnh đạo của ngành giáo dục phải được cấu trúc, theo kịp các yêu cầu về đáp ứng chất lượng. Để làm được điều này, cần thiết phải xây dựng các mô hình đào tạo những nhà lãnh đạo giáo dục xuất sắc, có tầm nhìn để điều hành tốt các cơ sở giáo dục trường đại học, cũng như nhà trường phổ thông các cấp.

Quang cảnh hội thảo.

Quang cảnh hội thảo.

Thứ hai, giáo dục Việt Nam cần tạo ra môi trường để nuôi dưỡng, phát triển ước mơ, hoài bão cho những người trẻ, chuyển đổi từ môi trường trường học “tĩnh” sang trường học “động”. Ở đó thiết lập các chương trình học tập linh hoạt, nguồn học liệu mở, dựa trên nền tảng của công nghệ số, bảo đảm tiếp cận giáo dục công bằng, hiệu quả cho tất cả người học.

Cuối cùng, công nghệ số sẽ là nền tảng cho các quá trình chuyển đổi. Thông qua việc chuyển đổi môi trường học tập ứng dụng công nghệ, việc học sẽ trở thành trung tâm nơi công nghệ số sẽ kiến tạo các nền tảng tương tác, cũng như cá nhân hóa việc học. Công nghệ số cũng giúp tạo dựng mô hình tiếp cận mới cho những người học trưởng thành có nhu cầu rất đa dạng.

“Để tiến hành thành công công cuộc chuyển đổi giáo dục chắc chắn sẽ cần sự hợp tác, cam kết đồng hành của các bộ, ban ngành, của hợp tác công tư giữa các bên liên quan, nhà trường, doanh nghiệp, cộng đồng, xã hội để tạo dựng các mô hình phối hợp hướng đến sự chuyển đổi giáo dục phục vụ cho sự phát triển của đất nước”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc bày tỏ.

Ghi nhận đóng góp của các đại biểu đến từ các địa phương, cơ sở giáo dục và các cá nhân, tổ chức liên quan, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cũng cho biết Bộ GD&ĐT sẽ tiếp thu các ý kiến, tiếp tục rà soát, nghiên cứu để chuẩn bị tốt nhất cho Hội nghị thượng đỉnh Chuyển đổi giáo dục trong thời gian tới.

Kết quả của hội thảo sẽ cung cấp thông tin cho các chính sách và hành động của Việt Nam trong việc chuyển đổi hệ thống giáo dục quốc gia và là cơ sở để Việt Nam tham gia vào các sự kiện cấp cao khác, đặc biệt là Hội nghị thượng đỉnh về Chuyển đổi giáo dục toàn cầu được tổ chức vào tháng 9/2022.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ