Tửu bất khả ép

GD&TĐ - Không phải đến hôm nay, khi tại Kỳ họp thứ 7, khóa 14 mới đây, Quốc hội thông qua Luật Phòng chống tác hại của bia rượu thì việc ép nhau uống rượu mới được đề cập đến mà tự ngàn xưa, cổ nhân đã nói đến chuyện này. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Có lẽ những ai đã từng tham dự các cuộc rượu đều thuộc câu: “Tửu bất khả ép”, nghĩa là, uống rượu thì không nên ép. “Luật bất thành văn” này đã tồn tại song hành với đời sống con người từ ngàn đời nay rồi. Thế nhưng khi nó đã được “luật hóa” bằng văn bản, được Quốc hội thông qua, được Văn phòng Chủ tịch nước công bố cho toàn dân thì tính chất của nó phải được đặt dưới sự giám sát và soi xét của cộng đồng, rằng luật ấy liệu có khả thi hay không?

Có lẽ tính khả thi của điều luật này làm cho các đại biểu Quốc hội băn khoăn trước khi biểu quyết khiến số phiếu “không đồng ý” và “đồng ý” đều không quá bán, cuối cùng rồi cũng được “thông qua” bằng một cuộc khác như mọi người đã biết.

Thống kê của Ban An toàn giao thông quốc gia cho thấy, mỗi năm nước ta có hàng vạn người chết vì tai nạn giao thông, trong đó nguyên nhân từ việc uống bia rượu chiếm tỉ lệ cao nhất. Thế nên, từ việc chỉ phạt những người có nồng độ cồn trong máu vượt mức cho phép, luật mới đã tiến tới cấm tiệt uống rượu bia khi lái xe (cả ô tô lẫn xe máy), bất luận nồng độ cồn trong máu như thế nào, miễn là có “mùi” thì sẽ bị xử phạt vì vi phạm luật.

Luật trên còn cấm cán bộ, công nhân viên chức Nhà nước, các lực lượng vũ trang không được uống rượu bia trước, trong và nghỉ giữa giờ trong ngày làm việc! Nghĩa là, chỉ được uống rượu bia sau giờ làm việc nhưng phải… đi taxi, grap, xe ôm hoặc nhờ ai đó không uống rượu đưa về! Thoạt xem điều luật nói trên, các “đệ tử lưu linh” tất thảy đều lắc đầu, vì nếu áp dụng triệt để thì có lẽ chỉ còn uống rượu một mình tại nhà mà thôi. Cái câu “trà tam tửu tứ” nay không còn “thiêng” nữa rồi. Nhưng liệu có khả thi khi áp dụng vào thực tế không?

Tất nhiên, khi áp dụng phạt những ai uống rượu bia khi lái xe theo luật mới ban hành này, chắc chắn cơ quan chức năng sẽ gặp không ít khó khăn vì không biết lấy “quân” ở đâu để phạt cho xuể. Đi dọc vỉa hè và các quán nhậu từ thành phố đến nông thôn hiện nay đủ biết mức độ dân ta ăn nhậu thế nào. Mỗi năm nước ta tiêu thụ trên 4 tỉ lít bia, xếp thứ 9 thế giới đủ thấy sự “khủng khiếp” của nó. Điều đó có nghĩa, đi đâu cũng gặp ăn nhậu, ngày nào cũng thấy người say xỉn.

Nay thì luật mới không cấm uống bia rượu, chỉ cấm khi lái xe mà uống rượu bia. Cấm như thế là gần như “chặt tận gốc” rồi vì các tay “bợm nhậu” có thể bỏ ra triệu bạc để uống bia nhưng thật khó khăn bỏ ra trăm bạc để đi taxi! Cấm như thế thì ngay cả các đám cưới cũng gần như không đãi bia rượu được nữa rồi. Dẫn ra tất cả những điều trên đây để thấy mức độ khả thi của việc cấm ấy sẽ gặp muôn vàn những khó khăn khi áp dụng vào đời sống thực tế.

Nói như thế không có nghĩa là không thực hiện được. Đây là một luật được đa số người dân đồng tình, kể cả những người hay uống rượu bia. Vậy là từ ngày 1/1/2020 tới, không chỉ “tửu bất khả ép” mà còn “đã uống rượu bia thì không lái xe” nữa. Đây là luật chứ không còn là câu khẩu hiệu tuyên truyền chung chung nữa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.