Không gian đời thường trong thơ chữ Hán của Đào Tấn

Cùng với văn học viết cuối thế kỷ XIX sáng tác thơ chữ Hán của Đào Tấn đã từng bước thoát khỏi ảnh hưởng của văn học cổ Trung Quốc cũng như thi pháp trung đại, tiến gần với những đặc điểm thuộc phạm trù văn học hiện đại.

Đặc sắc nhất ở không gian đời thường trong thơ chữ Hán Đào Tấn là chúng được đánh dấu, nổi bật qua những ngày lễ, Tết trong năm.
Đặc sắc nhất ở không gian đời thường trong thơ chữ Hán Đào Tấn là chúng được đánh dấu, nổi bật qua những ngày lễ, Tết trong năm.

Sáng tác thơ chữ Hán Đào Tấn phần lớn thuộc giai đoạn cuối thế kỷ XIX – một giai đoạn lịch sử có nhiều biến đổi về chính trị, văn hóa, xã hội. Kết hợp với sự phức tạp trong đời tư tác giả đã tạo nên tính đa dạng, phong phú về hình thức cũng như những cảm nhận riêng biệt, đặc sắc đối với không gian nghệ thuật trong sáng tác thơ chữ Hán của ông.

Nhà thơ nhìn không gian bằng cái nhìn nghiêng về quan điểm nhân sinh, bút pháp tiếp cận gần hơn với hiện thực, dần thoát ly những hình ảnh vay mượn, ước lệ sáo mòn. Điều đó cho thấy, cùng với văn học viết cuối thế kỷ XIX, sáng tác thơ chữ Hán Đào Tấn đã từng bước thoát khỏi ảnh hưởng của văn học cổ Trung Quốc cũng như thi pháp trung đại, tiến gần với những đặc điểm thuộc phạm trù văn học hiện đại. Điều này có thể được minh định qua kiểu không gian đời thường trong thơ chữ Hán của tác giả.

Tượng danh nhân Đào Tấn.
Tượng danh nhân Đào Tấn.

Không gian thảo thất (nhà cỏ)

Không gian đời thường trong thơ chữ Hán Đào Tấn là không gian gắn với những sinh hoạt đời thường, hàng ngày của tác giả cũng như của người dân lao động. Ở thơ chữ Hán Đào Tấn, hình thức không gian này có sự dịch chuyển biên độ từ không gian nhỏ hẹp trong nhà đến không gian rộng mở:

Ngoài hiên, sân, vườn, ngõ, ngôi đình nhỏ tránh nắng, cánh đồng. Và tuyệt nhiên không có không gian ao làng, lưng giậu hay ngõ trúc quanh co như trong thơ Nguyễn Khuyến. Đây cũng chính là không gian đặc thù của mỗi vùng miền.

Ở không gian đời thường nhỏ hẹp, Đào Tấn dành tình cảm yêu mến nhất đối với ngôi nhà ông ở. Trong thơ chữ Hán, ông thường gọi ngôi nhà của mình với cái tên rất bình dị, đời thường: Thảo thất (nhà cỏ). Qua không gian này, những sinh hoạt đời tư, thói quen cá nhân của tác giả đã từng bước hiện lên. Có thể nói, ngôi nhà là nơi Đào Tấn cảm nhận được đầy đủ nhất sự ấm áp của tình cảm gia đình. Trong căn nhà cỏ ấy, nhà thơ đã có một tình cảm vợ chồng thắm thiết, bền chặt.

Điều đó được thể hiện qua nhiều thi phẩm như: Bệnh tích Diêu Tiên ái khanh thi dược hữu hiệu hý thư thị chi, Thọ Diêu Tiên phu nhân ngũ thập sơ độ, Thính Diêu Tiên khanh độc tao… Ông cảm nhận được niềm vui nơi nhà huyên mẹ mừng con sắp trở về (Đắc quy thư thử liêu đương biệt giản). Và tác giả còn ao ước dựng một ngôi nhà cao dưới chân núi Linh Phong để anh em sum họp (Hoan thành dữ gia cửu đệ Khiêm Khiêm tử thoại cựu).

Điểm nhấn của không gian trong nhà là căn phòng. Cũng là căn phòng nhưng nhà thơ không biểu lộ cảm giác ngột ngạt, chật hẹp, lạnh lẽo như trong thơ chữ Hán Nguyễn Du mà luôn cảm thấy thoải mái, ấm áp. Bởi đây là không gian riêng của một vị đại quan, nơi ông nghỉ ngơi, đốt hương đọc sách và nhất là trầm tư suy ngẫm về những gì đã kinh qua: Cố miến cầm thư bế tiểu trai (Ngắm lại sách đàn đóng cửa phòng văn - Hoan thành cửu nhật ký hoài kinh trung chư hữu), Phần hương độc tọa phúc quân thi (Đốt hương ngồi một mình đọc đi đọc lại thơ ông - Trùng phỏng Long Cương).

Có thể nói, những áp lực chính trị, sự cơ cực của cuộc đời làm quan nay đây mai đó đã khiến tác giả yêu ngôi nhà, căn phòng của mình hơn là chốn quan trường. Tồn tại trong không gian này, Đào Tấn thường có những chiêm nghiệm, triết lý sâu sắc. Ông triết lý về chữ nhàn: Nhất nhật thanh nhàn nhất nhật tiên (Một ngày nhàn là một ngày tiên - Lục thập sinh nhật Mai viên tiểu chước), triết lý về văn chương và cũng là về cuộc đời: Văn chương bổn vô bằng/ Đắc thất đương tự tri (Văn chương xưa nay vô bờ bến/ Thành bại nên tự biết - Ký nhi), hay triết lý về thái độ sống, như trong các thi phẩm: Thứ vận tống Cúc Viên Trương Đông Các công trí sự, Phỏng nữ tế Vân Sơn cư thất thư dữ chi... 

Không gian ruộng vườn

Khi hướng ra không gian quanh nhà (ngoài hiên, sân, vườn, ngõ…), phù hợp với tính chất rộng mở, giao hòa cùng không gian tự nhiên, tác giả lại thường thể hiện sự giao lưu, sum vầy, những gì vui tươi, rộn rã hơn là hướng nội. Nơi ấy, một ông quan mũ cao áo dài đạo mạo đã trở về với một lương dân giản dị, đời thường.

Ngôi vườn là chốn ông sum vầy cùng gia đình: Cố viên kim tịch hựu đoàn viên (Thất tịch tiểu đề). Hiên nhà phía Đông là chỗ ông trò chuyện cùng bọn con trẻ: Đông hiên tiểu tọa đối nhi tào (Cửu nhật ngẫu đắc). Đó là những phút giây ông cảm thấy thanh thản, yên bình nhất, dù ít ỏi nhưng lại có ý nghĩa rất lớn, nhằm đối trọng với những áp lực của cuộc đời làm quan để có thể cân bằng trạng thái tâm lý.

Riêng không gian ruộng, vườn trong thơ chữ Hán Đào Tấn còn được tác giả sử dụng như một ẩn dụ, thể hiện khát vọng về hưu, tư tưởng nhàn tản, với nhiều thi phẩm như: Tuế mộ ngẫu chiếm thư ký Hà Đình hưu ông, Thạch Tuyên nhị tử nhập Quốc học lâm hành thư thử miễn chi (kỳ nhị), Đinh Mùi nguyên đán tức sự thí bút.

Khi tìm hiểu thế giới nghệ thuật thơ Nôm truyền tụng của Hồ Xuân Hương, nhà nghiên cứu Trương Xuân Tiếu đã nhận thấy kiểu không gian sinh hoạt, đời thường “được nhà thơ thể hiện qua rất nhiều bài thơ vịnh vật và vịnh việc”. Trên phương diện không gian đời thường gắn với hoạt động lao động của người dân, đặc điểm này lại ít thấy trong thế giới nghệ thuật thơ chữ Hán Đào Tấn. Những hoạt động lao động, sản xuất của người dân trong thơ chữ Hán Đào Tấn dường như vắng bóng. Duy chỉ có một thi phẩm miêu tả hoạt động đạp guồng nước của cô thôn nữ trong tiết trời tháng Sáu khô hạn: Ngũ nguyệt, lục nguyệt bất vũ thiên/ Đạp xa nhi nữ ca thả miên (Tháng Năm, tháng Sáu trời chẳng mưa/ Cô gái đạp guồng xe nước vừa hát vừa ngủ gật - Thủy xa). Có thể nói, không phải Đào công bàng quan trước cuộc sống lao động của người dân mà dường như sự vắng bóng những khung cảnh lao động phần nào phản ánh bức tranh ảm đạm của cuộc sống người dân trong tình cảnh chiến tranh, loạn lạc. Bởi vậy, không gian đời thường trong thơ chữ Hán Đào Tấn thiếu đi sinh khí sôi nổi từ hoạt động lao động của con người.

Giản dị, đời thường bên bằng hữu, thân hữu

Gắn với những gì diễn ra trong quan hệ bằng hữu, gia đình là điểm nổi bật trong không gian đời thường ở sáng tác thơ chữ Hán của cụ Đào. 15/141 bài thơ chữ Hán là số lượng sáng tác, tác giả dùng để bộc lộ tình cảm, tâm trạng trong lúc dạo chơi cùng bạn; đi thăm, tiễn, viếng bạn hay ngay cả lúc một mình nhớ bạn.

Nhà thơ còn có nhiều thi phẩm chữ Hán sáng tác trong dịp sinh nhật (bản thân và vợ), lúc dạo chơi cùng vợ, điếu vợ, mong nhớ mẹ, vợ, con; những ngày con trai đi thi, con gái lấy chồng, con sinh cháu, đến nhà con chơi... Chỉ bấy nhiêu thôi đủ cho ta thấy một Đào Tấn đằm thắm trong các mối quan hệ thân hữu, luôn biết vui với những niềm vui giản dị, bền chặt trong cuộc sống đời thường.

Có thể nói, đặc sắc nhất ở không gian đời thường trong thơ chữ Hán Đào Tấn là chúng được đánh dấu, nổi bật qua những ngày lễ, tết trong năm. Từ ngày lập xuân, hoa triêu, cho đến thất tịch, rằm tháng Bảy, trùng cửu, đặc biệt là Ba mươi Tết, Tết Nguyên đán… đã thường xuyên lặp lại và có mặt trong 22/141 bài thơ chữ Hán của tác giả. Nơi ấy luôn gắn với những sinh hoạt văn hóa cổ truyền. Điều đáng nói là tác giả không tồn tại với tư cách người ngoài cuộc để quan sát mà luôn hòa mình vào không gian sinh hoạt văn hóa trong các ngày lễ đó.

Đêm hoa triêu (đêm kỷ niệm sinh nhật các loài hoa) là đêm Đào Tấn cùng vợ ôn lại chuyện phong lưu dưới khóm hoa hải đường: Hải đường hoa hạ thuyết phong lưu (Dưới khóm hoa hải đường cùng nói chuyện phong lưu - Hoa triêu dạ dữ nội hữu Diêu Tiên khanh du Diệc Cổ tự). Ngày thất tịch (ngày 7/7, ngày Ngưu Lang và Chức Nữ gặp nhau) là ngày tác giả xem mình như chàng Ngâu già mong gặp lại quê nhà:

Tùng cúc biệt lai tam thập tải/ Giai kỳ ngã diệc lão khiên Ngưu (Ba mươi năm xa cội tùng khóm cúc/ Nên ta cũng là chàng Ngâu già mong ngày gặp lại - Thất tịch). Còn ngày trùng cửu (ngày 9/9, ngày các thi nhân đăng cao ẩm tửu, ngâm vịnh), nhà thơ không quên mình đã từng lên dãy núi kia để uống rượu với bạn bè: Tiếu chỉ quần sơn phiếm lục giao (Cười chỉ dãy núi kia là nơi từng đến uống rượu - Cửu nhật ngẫu đắc).

Những nét đẹp văn hóa truyền thống như khai bút đầu xuân, chúc nhau ngày Tết cho đến dựng cây nêu ở sân nhà… đều được tác giả đề cập tới trong sáng tác thơ chữ Hán: Quý Mão nguyên nhật chu trung khai bút, Tân Sửu trừ tịch… Chủ đề này phần nào ta thấy trong sáng tác của vị quan đồng triều với Đào Tấn là Nguyễn Khuyến. Và về sau, nó vẫn còn được biểu hiện ở sáng tác của nhiều tác giả trong phong trào Thơ mới như Vũ Đình Liên, Anh Thơ, Đoàn Văn Cừ, Nguyễn Bính… Gắn với những sinh hoạt văn hóa truyền thống, bởi vậy không gian đời thường trong thơ chữ Hán Đào Tấn đã mang màu sắc phương Đông và phong vị dân tộc khá rõ.

*  *  *

Tựu trung, không gian đời thường trong thơ chữ Hán Đào Tấn đã được tác giả biểu hiện khá cụ thể. Chính tâm hồn, hứng thú của nhà thơ hướng về những sinh hoạt giản dị, đời thường bên bằng hữu, thân hữu đã làm nên một Đào Tấn mộc mạc mà thanh tao, cởi mở mà sâu sắc. Một lần nữa, vẻ đẹp truyền thống của con người phương Đông nói chung, của Nho sĩ nói riêng có thể được nhận diện qua con người tác giả trong hình thức không gian này.

__________________________________________

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Kỷ yếu hội nghị (1978), Đào Tấn, nhà thơ, nghệ sĩ tuồng xuất sắc, Ty Văn hóa và Thông tin Nghĩa Bình.
2. Vũ Ngọc Liễn (Biên khảo, 2003), Đào Tấn thơ và từ, NXB Sân khấu, Hà Nội.
3. Vũ Ngọc Liễn (Biên khảo, 2006), Đào Tấn qua thư tịch, NXB Sân khấu, Hà Nội.
4. Nguyễn Phong Nam (Chủ biên, 1997), Những vấn đề lịch sử và văn chương triều Nguyễn, NXB Giáo dục, Hà Nội.
5. Nhiều tác giả (2008), Đào Tấn trăm năm nhìn lại, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội.
6. Trần Đình Sử (2005), Thi pháp văn học trung đại Việt Nam, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
7. Trương Xuân Tiếu (2002), Tìm hiểu thế giới nghệ thuật thơ Nôm truyền tụng của Hồ Xuân Hương (Luận án Tiến sĩ Ngữ văn), Viện Văn học, Hà Nội.
8. Lê Trí Viễn (1996), Đặc trưng văn học trung đại Việt Nam, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.
9. Yoshiharu Tsuboi (2011), Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa (Nguyễn Đình Đầu dịch), NXB Tri thức, Hà Nội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ