Ý nghĩa hệ thống biểu tượng trong thơ chữ Hán của Đào Tấn

Ý nghĩa hệ thống biểu tượng trong thơ chữ Hán của Đào Tấn

Nhìn từ việc sử dụng các biểu tượng trong thơ, có thể khẳng định thơ chữ Hán Đào Tấn có sự giao thoa giữa thi pháp văn học trung đại với thi pháp văn học hiện đại. Qua đó, góp phần minh chứng cho những chuyển biến cũng như đặc điểm giao thời của văn học viết Việt Nam cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX.

Biểu tượng cây quân tử

Cũng như thơ ca trung đại, thơ chữ Hán của Đào Tấn thường dùng biểu tượng trúc, mai, tùng, lan, sen tượng trưng cho phẩm chất trong sạch, bền bỉ, thanh cao của người quân tử, riêng biểu tượng cúc – ngoài tượng trưng cho những phẩm chất trên còn tượng trưng cho thú vui ẩn dật của nho sĩ thất thế, thất thời. Tựu trung là khẳng định khí tiết của người quân tử trong cũng như ngoài môi trường quan lại.

Cái hay của việc sử dụng những biểu tượng quen thuộc này trong thơ chữ Hán Đào Tấn là ở sự vận dụng sáng tạo, thổi hồn vào từng biểu tượng cho chúng hiện lên cụ thể, sinh động hơn. Mai, tùng phải là mai, tùng dày dạn gió sương: Hàn mai, hàn tùng. Chúng cũng có hành động, tâm trạng, số phận như con người: Vạn tùng sơn lộ nhiễu ba tinh (Muôn ngọn tùng bên đường núi vây quanh cờ hoa – Tống đồng thành Tôn Thất Ngũ Phong cải Thanh niết), Cô tùng nhất kính thương lương thậm (Một lối tùng chơ vơ xiết bao hoang vắng – Trùng phỏng Long Cương), Bán sơn tùng trúc hám thu phong (Nửa núi trúc tùng oán hận gió thu – Đề Linh Phong tự). Cũng là hình tượng khóm trúc bền bỉ, thanh cao nhưng khóm trúc trong vườn thơ cụ Đào còn là không gian khuê tình cho tình yêu nam nữ trú ngụ: Hảo bạn tương huề trúc hạ qua (Đôi bạn dắt tay nhau luồn qua khóm trúc – Khuê kiều). Đặc biệt là biểu tượng hoa mai gắn bó như người bạn tri kỷ với tác giả. Có thể nói, chưa thấy ở tác giả nào, hoa mai lại xuất hiện nhiều và đẹp như trong thơ Đào Tấn. Có lúc tác giả và biểu tượng hoa mai như nhập làm một: Ưng hữu mai hoa tác mộng hồn (Hẳn có hoa mai hóa làm hồn mộng – Đề mai sơn thọ viên).

Biểu tượng chim nhạn, chim hồng

Trong thơ chữ Hán Đào Tấn, biểu tượng chim nhạn, chim hồng tuy xuất hiện không nhiều nhưng chúng lại mang những ý nghĩa tượng trưng rõ nét, có khả năng biểu trưng hóa cao về hình tượng con người tác giả. Ở thơ ca cổ điển phương Đông nói chung, thơ ca trung đại Việt Nam nói riêng, nhạn, hồng được xem là loài chim báo tin, thường tượng trưng cho tin tức. Và ở thơ chữ Hán Đào Tấn, ý nghĩa tượng trưng của biểu tượng nhạn, hồng trước hết cũng không nằm ngoài nội dung ấy: Nhược vô hồng nhạn phi/ Sinh ly tức tử biệt (Nếu không có chim hồng chim nhạn/ Sinh ly cũng có nghĩa là tử biệt – Tuyệt cú nhị thủ).

Chim nhạn, chim hồng là loài chim bay nhanh, lại thường hay di cư. Đặc điểm này tương đồng với cuộc đời làm quan nay đây mai đó của tác giả. Và đó cũng là ý nghĩa tượng trưng được Đào Tấn khắc sâu trong sáng tác của mình. Có thể nói, hơn ai hết, Đào Tấn là người thấm thía nhất cảnh bị chuyển đi làm quan khắp nơi: Hựu kiểm cầm thư hướng Bắc hành/ Phi hồng tông tích tiếu ngô sanh (Lại thu xếp sách đàn đi ra phía Bắc/ Cười cho cuộc đời ta như tung tích chim hồng – Phụng chỉ cải Nghệ An giản lưu đồng thành).

 Ông còn đồng cảm với số phận của những bạn đồng liêu, thương cho bạn cũng là thương cho chính mình: Quan tích như phi hồng/ Khứ lai hà định tông (Dấu chân của đời quan như chim hồng bay/ Đến rồi lại đi, nào có ở yên một chỗ – Tống Hồ An Tăng cải phiên Phú Yên), Tam chuyển nhưng nhiên bị phủ hành/ Phi hồng tông tích khả liên sanh (Ba lần chuyển đổi vẫn cứ vác búa mà đi/ Thương cho cuộc đời con chim hồng bay đó đây – Tống đồng thành Cao quân Ngọc Lễ cải niết Hà Tĩnh nhị tuyệt).

Bên cạnh đó, trên bước đường hoạn lộ, Đào Tấn thường mang trong mình cảm thức cô đơn. Và cảm thức ấy một lần nữa đã được chuyên chở bởi biểu tượng nhạn, hồng. Đó không phải là cánh đại bàng tung hoành trên trời xanh, thể hiện chí trai, hay hoài bão lớn lao mà là cánh chim cô lẻ, mỏi mệt: Sinh bình đa viễn du (…)/ Cô hồng tiểu tiểu bạch vân biên (Đời ta thường hay đi xa/ Như cánh chim hồng lẻ loi lạc loài trong mây trắng – Hoan thành dữ gia cửu đệ Khiêm Khiêm tử thoại cựu). Cách miêu tả, so sánh như vậy thực sự đã mang sức gợi, sự liên tưởng sâu sắc trong lòng độc giả.

Không dừng lại ở đấy, Đào Tấn còn dùng biểu tượng chim nhạn, chim hồng để triết lý. Ví như ở thi phẩm Hoan thành dữ gia cửu đệ Khiêm Khiêm tử thoại cựu, trong nội dung chiêm nghiệm, triết lý, tác giả đã dùng biểu tượng chim hồng để tượng trưng cho một vị trí, một hoàn cảnh riêng của mỗi người. Mỗi người cũng như mỗi loài chim có hoàn cảnh khác nhau, đặc điểm khác nhau nên tự có chí hướng riêng, đường đi riêng, bởi vậy phải biết thức thời và tùy thời: Tu tri tùy ngộ thị ngô nhai/ Hồng hộc tiêu liêu chí diệc các (Phải biết tùy thời mà làm ấy là bờ bến của ta/ Con chiền chiện con hộc con hồng chí đều khác).

Biểu tượng con đường

Con đường là một trong những biểu tượng đặc sắc trong thơ chữ Hán Đào Tấn. Con đường là nơi diễn ra những cuộc ra đi, chia ly, phản ánh văn hoá đi lại của từng vùng miền. Và khi đã trở thành biểu tượng nghệ thuật, ý nghĩa của nó lại vượt ra ngoài so với nghĩa gốc. Với thơ chữ Hán Đào Tấn, con đường tượng trưng cho cách ứng xử của nhà nho – đường công danh, đường làm quan. Với tư tưởng nhập thế, nho sĩ thường hăm hở vào đời bằng con đường công danh, làm quan. Song trong hoàn cảnh lịch sử, cá nhân, số phận và tâm trạng của mỗi người trên con đường ấy lại khác nhau.

Trên thực tế, đường làm quan của cụ Đào rất hanh thông, thuận lợi, từng dự vào hàng nhất phẩm trong triều đình nhà Nguyễn. Nhưng một nghịch lí là: Lẽ ra ông phải vui và ca ngợi đường công danh của mình thì trong thơ lại hoàn toàn ngược lại. Đường ông đi nhạt nhòa trong ánh trăng hoàng hôn (Dạ quá Hoà Quang tự ngẫu chiếm), là những con đường núi (Tống Đồng thành Tôn Thất ngũ Phong cải Thanh niết), vòng vo, lắt léo như đường tròn (Đồng Nguyễn Tiểu Cao nhàn du), với đầy bụi gai, cỏ rậm (Du Thiên Tượng phế tự ký thực). 

Con đường ấy không cố định (Tặng Hoàng Kế Viêm Tướng Quân), cách trở với quê nhà (Kinh sư đắc gia thư), mà đặc biệt là đầy bụi bặm (Mạn đề, Tống đồng thành Cao quân Ngọc Lễ cải niết Hà Tĩnh nhị tuyệt, Hoan thành dữ gia cửu đệ Khiêm Khiêm tử thoại cựu, Mai Tăng tiểu chiếu...). Từng ấy đủ biết đường làm quan của cụ Đào là hoạn lộ, đầy rẫy những khó khăn, vất vả và mất mát, đau thương. Bởi vậy, có lúc, ông cảm thấy mỏi mệt trước con đường công danh: Phù thế công danh ngô lão hỹ/ Cúc tùng tam kính túc du quan (Công danh ở đời này ta đã già rồi/ Ba luống cúc tùng đủ để yên vui – Thạch, Tuyên nhị tử nhập Quốc học lâm hành thư thử miễn chi), và chán nản, muốn phủ định nó: Ngã yểm phong trần trì nhất xa (Ta chán cảnh một cỗ xe quan lao vào gió bụi – Hoan thành dữ gia cửu đệ Khiêm Khiêm tử thoại cựu).

Biểu tượng mái tóc bạc

Mái tóc là chiếc đồng hồ đo thời gian của một đời người. Vì thế, đối diện với mái đầu đã bạc, nho sĩ thường thể hiện nỗi buồn của những con người mang khát vọng vô cùng nhưng bất lực trước tuổi già, trước sự hữu hạn của kiếp người. Trong thơ chữ Hán Đào Tấn, biểu tượng mái tóc trắng được phóng đại, tượng trưng cho nỗi buồn trước cảnh hoang phế, và nỗi cô đơn không còn gặp lại người xưa: Phiêu nhiên bạch phát tam thiên trượng/ Ái nhĩ Hồng sơn cửu thập phong/ Hoàng độc thi nhân kim bất tại/ Dữ quân thùy phục đính tao phùng (Mái tóc trắng chơi vơi ba nghìn trượng/ Chín mươi ngọn núi Hồng yêu biết mấy/ Nhà thơ cưỡi bò vàng nay không còn nữa/ Hỏi ai là kẻ trở lại để cùng người hẹn cuộc tao phùng – Vãng đăng Hồng sơn phỏng Thiên Tượng phế tự xuất sơn hữu tác). 

Cái chí lớn vẫy vùng, cái tài quắc thước của Đào công đã bị thế lực vô hình là thời gian phủ định. Vì thế mái đầu bạc trong thi phẩm chữ Hán của tác giả còn là biểu tượng của nỗi đau tột cùng: Khả liên tứ hải nhất nam nhi/ Kim dĩ bàn nhiên phụ quắc thước (Khá thương thân trai bốn biển vẫy vùng/ Nay tóc bạc phơ phụ với cái tài quắc thước – Hoan thành dữ gia cửu đề Khiêm Khiêm tử thoại cựu).

Mái tóc bạc ấy có thể là kết quả của một đời khốn khó: Lân quân nhất thế cùng/ Thanh biên đồ bạch phát (Thương bạn một đời nghèo khó/ Quyển sách xanh luống làm mái đầu bạc trắng – Khốc tây tân Đinh Tử Trạch), có thể vì cả đời cứ mãi miết lo lắng những chuyện không đâu: Ưu thiên mấn dĩ ban (Lo chuyện không đâu tóc cứ bạc dần – Cửu nhật). Như vậy, với biểu tượng mái tóc bạc trong thơ chữ Hán, tác giả đã phản chiếu rõ nét con người xã hội, con người vật lộn với những khó khăn, trăn trở bởi khát vọng, lý tưởng chưa thành.

Cái mới và sáng tạo của Đào Tấn khi sử dụng biểu tượng mái đầu bạc là đặt biểu tượng này trong quan hệ tình yêu, tình cảm lứa đôi, vợ chồng để tượng trưng cho những tình cảm, cảm xúc cá nhân. Qua một chuyện tình bất tử, biểu tượng mái đầu bạc lúc này trở thành cái mốc để tác giả bộc lộ khát vọng nhân văn vượt ra ngoài quy luật thời gian: Ký ngữ song tinh mạc bạch đầu (Xin nhắn với hai vì sao Ngưu Lang, Chức Nữ chớ bạc đầu – Thất tịch), hay ngược dòng thời gian tìm về với tình yêu tuổi thanh xuân của chính mình: Nẫm tứ niên tiền thử dạ du (…)/ Lưỡng cá thanh xuân các bạch đầu (Hai mươi bốn năm trước cũng đêm nay chúng ta cùng dạo chơi (...)/ Hai kẻ thanh xuân giờ đây đầu đều đã bạc – Hoa triêu dạ dữ nội hữu Diêu Tiên khanh du Diệc Cổ tự). 

Không biết có phải ý thơ này đã gợi hứng cho cụ Phan Khôi viết nên tác phẩm Tình già, được xem là “phát súng lệnh” của phong trào Thơ mới hay không: Hai mươi bốn năm xưa, một đêm vừa gió lại vừa mưa… Có khi, biểu tượng này lại được tác giả sử dụng như một minh chứng cho tình yêu, tình cảm vợ chồng thắm thiết, bền chặt: Diệc xưng lương hữu diệc xưng khanh/ Bạch phát thanh sơn cánh hữu tình (Vừa gọi là bạn hiền vừa gọi là nàng/ Đầu bạc non xanh càng thêm tình tứ – Thọ Diêu Tiên ngũ thập sơ độ).

Như vậy, Đào Tấn đã biết sử dụng một hình ảnh vốn đã quen thuộc, thường gắn với con người cộng đồng, con người đạo đức trong thơ ca cổ trung đại để phản ánh một khía cạnh khác của con người Đào Tấn – con người cá nhân, luôn luôn muốn tình yêu, tình cảm vợ chồng xanh mãi, thắm mãi. Con người dù biết không thoát khỏi thời gian nhưng vẫn có những mơ ước vượt thời gian để sống ý nghĩa hơn, để càng biết quý trọng cái đẹp ở đời. Đây thực sự là một đóng góp mới của Đào Tấn trong nghệ thuật sử sụng biểu tượng ở sáng tác thơ chữ Hán.

Biểu tượng rượu

Có thể nói, làm nên cái phong phú và độc đáo trong hệ thống biểu tượng thơ chữ Hán Đào Tấn phải nói đến biểu tượng rượu (chén rượu). Là một cô tùng chơ vơ giữa trần đời, Đào công đã tìm đến rượu để có thêm dũng khí đối mặt với sự thực ở đời. Trước hết, nó được dùng như biểu tượng của chia ly, dù là tiễn mình hay tiễn bạn: Bôi tửu tống quân hoàn tự chước (Chén rượu tiễn ngài rồi ta lại tự rót tiễn ta – Tống đồng thành Cao quân Ngọc Lễ cải niết Hà Tĩnh, nhị tuyệt).

Chia ly bao giờ cũng mang dư vị sầu đắng, vì thế biểu tượng rượu trong thơ chữ Hán Đào Tấn còn tượng trưng cho nỗi buồn. Một nỗi buồn cô đơn man mác, một cảm giác tuế toái rất khó giải thích mà chỉ người trong cuộc mới cảm nhận hết được. Uống rượu mà nhà thơ như uống nỗi sầu để cho nó tiêu tan: Ly đình khẳng khái tiêu ưu tửu (Nơi tiễn biệt khẳng khái uống chén rượu tiêu sầu – Đắc quy, thư thử liêu đương biệt giản). Chén rượu ấy có lẽ phần nào giúp tác giả quên đi nỗi đau của một con người mang nặng tâm sự yêu nước nhưng bất lực, bế tắc.

Trong con người Đào Tấn có con người tài tử, con người đời thường ham vui, ưa ca hát, thích ngao du đề vịnh, mà những lúc như thế thì không thể thiếu rượu. Rượu lúc này lại là biểu tượng của niềm vui, sự đoàn tụ: Cố viên kim tịch hựu đoàn viên/ Phách quả phù lâm cung tửu diên (Khu vườn cũ đêm nay lại sum vầy/ Bổ trái cây làm tiệc rượu nơi rừng nhà – Thất tịch tiểu đề). Và khi một thiền nhân như ông tìm đến rượu thì rượu lại là biểu tượng của một cái tôi phóng khoáng đến phá cách, phá chấp: Tuý đồi lạc hạ liên hoa mạo/ Bối hậu quần cơ tiếu dục điên (Say chệnh choạng làm rơi mũ cánh sen/ Các cô gái nấp sau lưng cười rũ rượi – Tặng Mai Tăng).

Biểu tượng nụ cười

Cũng là một trong những phương cách sống mang đậm chất phương Đông nhưng Đào Tấn không chỉ biết dùng chén rượu để đối mặt với đời mà còn biết dùng triệt để sức mạnh của nụ cười. Biểu tượng nụ cười vì thế xuất hiện khá nhiều trong thi phẩm chữ Hán của ông. Và có thể nói, qua sáng tác thơ chữ Hán, Đào công muốn mọi người hiểu rằng biết cười mới là biết sống.

Nụ cười trong thơ tác giả hiện lên với dáng vẻ, đối tượng khác nhau: Có nhất tiếu không (cười như không), có vi tiếu (cười mỉm), rồi lại có tiếu dục điên (cười như điên); có cười người và cười cả chính mình. Vì thế, sức mạnh và ý nghĩa của nó cũng khác nhau, cười cho vui: Tiếu chỉ quần sơn phiếm lục giao (Cười chỉ tay về dãy núi kia là nơi từng đến uống rượu – Cửu nhật ngẫu đắc), cười cho quên đi cuộc đời làm quan vất vả: Phi hồng tông tích tiếu ngô sanh (Cười cho cuộc đời ta như tung tích chim hồng – Phụng chỉ cải Nghệ An giản lưu đồng thành), cười để khẳng định giấc mộng của mình: Tiếu ngã giang hồ mộng vị tinh (Cười cho ta vẫn chưa tỉnh mộng giang hồ – Tiểu hạ đình ngẫu thư), cười để phủ định khó khăn: Thương hải phù vân nhất tiếu không (Chuyện biển xanh, mây nổi chỉ một tiếng cười không – Dạ du Di Lặc điện ngẫu hứng), cười là biểu tượng cho cảm nghiệm sâu sắc của một con người từng trải, đã “tri thiên mệnh”: Thạch đầu cao cứ tiếu vô ngôn (Đứng trên mỏm đá cao cười mà không nói – Đề mai sơn thọ viên). 

Sắc thái, thái độ trữ tình toát lên từ biểu tượng nụ cười trong thơ chữ Hán Đào Tấn cũng rất phong phú, có cái cười đả phá: Ưng tiếu quan trường hữu đố ngư (Bật cười thấy có con mọt ở chốn quan trường – Trừ tịch quan thư ngẫu đắc), cái cười tiếc nuối: Vi tiếu lậu thiền ky (cơ) (Mỉm cười là đã để lọt mất cơ thiền – Mai tăng tiểu chiếu), và có cả cái cười chua chát cho chính mình: Tiếu tùng nhi bối vấn sinh niên (Cười mình phải theo hỏi con cháu về năm sinh của mình – Canh tý trừ tịch).

Quả thực, biểu tượng nụ cười là một sáng tạo nghệ thuật mang đậm dấu ấn cá nhân của Đào Tấn. Chỉ một cái cười mà mở ra cả thế giới nội tâm con người tác giả. Nhà thơ dùng nụ cười để giao tiếp với thế giới, xã hội và với chính mình – một con người cởi mở, chan hòa mà không kém phần thâm trầm, sâu sắc. Một “si tiên” biết cười để sống!

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (Đồng chủ biên, 2011), Từ điển thuật ngữ Văn học, NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.

2. Kỷ yếu hội nghị (1978), Đào Tấn, nhà thơ, nghệ sĩ tuồng xuất sắc, Ty Văn hóa và Thông tin Nghĩa Bình.

3. Vũ Ngọc Liễn (Biên khảo, 2003), Đào Tấn thơ và từ, NXB Sân khấu, Hà Nội.

4. Nhiều tác giả (2008), Đào Tấn trăm năm nhìn lại, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ