Góc nhìn khác về sách giáo khoa

GD&TĐ - Sách giáo khoa được sử dụng như học liệu quan trọng khi học phổ thông. 

Học sinh Hà Nội tham quan triển lãm sách giáo khoa Việt Nam và các nước năm 2022. Ảnh: ITN
Học sinh Hà Nội tham quan triển lãm sách giáo khoa Việt Nam và các nước năm 2022. Ảnh: ITN

Sau năm 1975, nước ta có 2 bộ sách giáo khoa. Ở miền Bắc là sách của Trường Sư phạm Hà Nội I và miền Nam là của Trường Sư phạm TPHCM. Sau 1995 còn 1 bộ và sách giáo khoa thí điểm phân ban. Đến năm 2006, chỉ còn bộ sách giáo khoa hiện hành và 3 bộ mới theo Chương trình GDPT 2018.

Học liệu đặc biệt

Học sinh học theo sách giáo khoa, giáo viên dạy theo sách giáo khoa. Sách giáo khoa lâu nay chi phối quá trình dạy và học ở phổ thông như pháp lệnh. Người thầy nhiều khi phát hiện sách viết sai mà vẫn phải dạy cho đến khi được đính chính! Ví như, môn Ngữ văn 10, ảnh Nguyễn Trãi trước kia không đúng. Một bài có 2 tên: Bảo kính cảnh giới số 43/Cảnh ngày hè; hay chữ (tịn mùi hương/tiễn mùi hương) và sách giáo viên hướng dẫn (tịn) là hết mùi hương, sau 2006 lại viết (tiễn) là ngát mùi hương…

Người dạy, người thanh, kiểm tra thường căn cứ vào sách giáo khoa, hướng dẫn học bài/ bài tập trong đó để đánh giá hiệu quả giờ học của thầy và trò. Người dự giờ, đối chiếu sách giáo khoa với bài giảng, viết hoặc nói chưa đúng một từ, ký hiệu là sai kiến thức cơ bản, là không đạt. Chương trình môn học và chuẩn kiến thức kỹ năng không được coi trọng bằng thực hiện bài học trong sách.

Sách giáo khoa độc bản đã tác động, chi phối và ảnh hưởng đến tư duy và hành động của hàng triệu người và nhiều thế hệ người dạy, người học. Nhất nhất theo sách, viện dẫn theo sách, bàn luận hay đánh giá dựa theo sách nhưng có sách giáo khoa nào không phải đính chính, dù sớm hay muộn, dù ít hay nhiều thông tin.

Đã có thời, cứ học thuộc sách giáo khoa là điểm cao. Nội dung thi chỉ trong phạm vi sách giáo khoa, cho đến khi có Bộ đề thi Đại học (giai đoạn 1988 - 1997) đã tạo phong trào học thêm để đi thi, nếu chỉ học sách giáo khoa không thể làm được. Xưa nay, sách giáo khoa và sách giáo viên như cẩm nang quý cho nhiều thế hệ thầy trò. Chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện, một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa đã từng bước xóa bỏ tư duy cũ, coi sách giáo khoa là chuẩn duy nhất để định hướng việc dạy và học trong nhà trường phổ thông. Nhiều bộ sách sẽ làm cho sách giáo khoa thành nguồn học liệu đặc biệt và đa dạng.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Thay đổi cách tiếp cận

Thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục theo Nghị quyết 29/NQ-TW của Đảng, hiện có 3 bộ sách giáo khoa chính thức được sử dụng là Cánh diều, Chân trời sáng tạo và Kết nối tri thức với cuộc sống.

Vừa qua, dư luận và các nhà quản lý giáo dục, chuyên gia còn nhiều ý kiến trái chiều khi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GD&ĐT biên soạn 1 bộ sách của Nhà nước. Theo tôi, không nên làm thêm bộ sách này. Điều đó sẽ gây xáo trộn cho nhà trường và xã hội, tốn kém. Ở khía cạnh xã hội hóa, khi sách của Bộ GD&ĐT phát hành, các bộ sách đang sử dụng khác sẽ dần bị bỏ rơi, và chủ trương một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa, xã hội hóa giáo dục sẽ về đâu?

Trong giai đoạn giao thời, thực hiện cùng lúc 2 chương trình giáo dục còn những lúng túng và khó khăn, câu chuyện nhiều bộ sách và viết thêm bộ sách giáo khoa của Nhà nước đã dấy lên những lo ngại và thu hút dư luận về đổi mới giáo dục. Một trong những nguyên nhân do truyền thông về đổi mới giáo dục chưa hiệu quả. “Bộ chưa làm cho xã hội hiểu ngành Giáo dục” - như Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thẳng thắn nhìn nhận.

Nhiều vấn đề chưa giúp người dân và cả thầy cô hiểu được đầy đủ và chính xác dẫn đến ý kiến phản biện trái chiều và hoài nghi. Tại sao chủ trương một chương trình, một bộ sách giáo khoa không còn phù hợp với nền tảng giáo dục phát triển năng lực toàn diện người học?

Vì sao, 3 năm thực hiện Chương trình 2018 mà Bộ GD&ĐT chưa công bố về phương thức tốt nghiệp và thi chuyển cấp? Những bất cập về đội ngũ, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học và dạy tích hợp theo chương trình mới, dù được dự báo nhưng chậm khắc phục? Phải chăng những thách thức đó đã làm đội ngũ quản lý và nhà giáo lo lắng, dư luận nhân dân bất an?

Bộ GD&ĐT khẳng định Chương trình GDPT 2018 thống nhất toàn quốc và sách giáo khoa là học liệu. Vì thế, người làm giáo dục, học sinh và nhân dân phải từ bỏ tư duy “thi gì học nấy, sách viết thế nào, dạy thế ấy”. Theo chương trình mới, sách giáo khoa chỉ là học liệu đặc biệt, nội dung cốt lõi là chương trình. Năng lực toàn diện của người học không phụ thuộc vào một vài cuốn sách giáo khoa mà được tích lũy qua nhiều kênh giáo dục, từ sách giáo khoa, sách tham khảo đến hoạt động trải nghiệm và môn học lựa chọn theo năng lực và sở trường.

Triết lý giáo dục của Chương trình GDPT 2018 thể hiện trong Nội dung giáo dục, Phương pháp giảng dạy và Phương pháp kiểm tra, đánh giá. Các bộ sách giáo khoa và kiểm tra, đánh giá đang thực hiện (Thông tư số 22/2020/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT, hiệu lực từ 21/9/2020) và Phương án tổ chức 2 kỳ thi tuyển sinh (dự kiến công bố trong quý IV/2023) sẽ làm thay đổi cách tiếp cận, sử dụng sách giáo khoa của thầy và trò.

Sử dụng linh hoạt

Trong nguồn học liệu mở và thuận tiện hiện nay, dù chọn học bộ sách nào, thầy cô và học sinh cũng cần quan tâm đến bộ sách giáo khoa khác. Sách giáo khoa đã được thẩm định nên chất lượng chuẩn hơn sách tham khảo. Một chủ đề, nội dung nhưng mỗi bộ sách có cách kiến giải và trình bày riêng, tạo nên sự phong phú và phù hợp đối tượng (các nền giáo dục tiên tiến luôn khuyến khích nhà trường và phụ huynh chọn sách riêng). Bởi, học bộ sách nào không quan trọng bằng sự nỗ lực và sáng tạo của người học.

Nhiều bộ sách giáo khoa phương pháp dạy và học theo hướng mở, thầy cô được quyền chủ động về kiến thức và kỹ năng, phương pháp dạy để phát huy sự năng động và sáng tạo của người học. Dạy bao nhiêu phần kiến thức bài học trong sách giáo khoa và đặt ra yêu cầu gì cho học sinh, tùy thuộc vào thầy cô trong hoàn cảnh, đối tượng cụ thể. Sách giáo viên sẽ định hướng và bổ sung tri thức, kỹ năng để thầy cô hiểu sâu sắc vấn đề, từ đó tinh lược khi soạn bài ngắn gọn để hướng dẫn học sinh.

Thầy, cô giáo cần hướng dẫn học trò cách tiếp cận sách giáo khoa, sách bài tập, sách học tốt… như một học liệu tham khảo, đối chiếu. Đề thi đang thực hiện của các môn đều theo hướng mở, đòi hỏi học sinh phải hiểu bài, hiểu đúng và hiểu sâu. Kiểm tra, đánh giá năng lực toàn diện người học, cho nên sách giáo khoa, sách tham khảo không đại diện cho nội dung thi nào như cách giới hạn trong sách giáo khoa của đề thi trước đây.

Sách giáo khoa khó tránh được sai sót nên theo thời gian sẽ được chỉnh lý hoàn thiện. Chủ trương một chương trình nhiều bộ sách cùng với đổi mới kiểm tra, đánh giá năng lực toàn diện người học sẽ buộc thầy và trò phải thay đổi từ tư duy, phương pháp dạy và học đến cách tiếp cận và sử dụng hiệu quả sách giáo khoa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ