Gỡ rào cản cho học sinh khi chuyển trường

GD&TĐ - Hiện nay, nhiều học sinh lớp 10 có nhu cầu chuyển trường đang gặp khó khăn, đặc biệt là các trường hợp từ các tỉnh, thành khác chuyển về Hà Nội.

Giờ học của học sinh Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội).
Giờ học của học sinh Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội).

Năm học 2022 - 2023 - năm đầu tiên thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 10. Điểm mới nhất so với chương trình cũ là việc học sinh được lựa chọn các môn học. Vì năm đầu thực hiện nên học sinh và phụ huynh còn bỡ ngỡ, vội vàng trong việc định hướng cho con em dẫn đến chọn tổ hợp môn chưa phù hợp. Ngoài ra, các nhà trường tổ chức các lớp theo tổ hợp môn không giống nhau nên khi học sinh chuyển trường gặp trở ngại.

Chị Nguyễn Thị Liên, phụ huynh có con học lớp 10 tại quận Long Biên (Hà Nội), cho biết: Mọi năm, sau khi kết thúc học kỳ I, học sinh có nguyện vọng sẽ làm thủ tục để chuyển trường. Tuy nhiên năm nay khác, theo hướng dẫn của hiệu trưởng, gia đình phải chờ kết thúc năm học mới có thể thực hiện việc chuyển trường và phải chọn được trường có tổ hợp môn lựa chọn trùng với trường cũ đang học thì mới được chấp nhận.

Anh Nguyễn Quang Hưng ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) chia sẻ: Cả hai vợ chồng chuyển công tác từ Nghệ An ra Hà Nội nên muốn chuyển con gái học lớp 10 ở quê ra cùng. Song, tổ hợp các môn lựa chọn ở trường cũ con đang học không trùng với trường có nguyện vọng chuyển đến nên hiệu trưởng từ chối tiếp nhận.

Ông Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Trường Marie Curie - cho biết: Hàng năm, trường có nhiều học sinh chuyển đến từ các địa phương. Tuy nhiên năm nay, việc chuyển trường gặp khó khăn hơn vì có tổ hợp các em học ở trường cũ nhưng nhà trường lại không tổ chức trong năm học này…

Trước ý kiến của một số địa phương về việc chuyển trường của học sinh lớp 10 nhưng khó khăn bởi tổ hợp môn học lựa chọn khác nhau, Bộ GD&ĐT lưu ý các địa phương cần hỗ trợ tối đa người học và không đặt ra bất kỳ rào cản nào cho học sinh khi chuyển trường.

Trước đó, Bộ GD&ĐT có Công văn 68/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập cấp THPT. Theo nội dung công văn, hiệu trưởng xem xét, quyết định cho học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập phù hợp với khả năng tổ chức của nhà trường vào cuối năm học.

Để tạo thuận lợi cho phụ huynh và học sinh, mới đây Sở GD&ĐT Hà Nội đã ban hành quyết định về việc phân cấp thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính cho hiệu trưởng các trường THPT. Theo đó, hiệu trưởng được phép quyết định việc chuyển trường đối với học sinh THPT, quyết định việc xin học lại tại trường khác đối với học sinh THPT, thay vì Sở GD&ĐT Hà Nội như quy định trước đây.

Ông Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) - cho rằng, quy định học sinh lớp 10 được tự chọn môn học nhưng vẫn sắp xếp lớp “cứng” như hiện nay gây ra nhiều khó khăn. Để thuận lợi hơn cho học sinh, năm tới, các nhà trường phải làm thật tốt vai trò tư vấn, định hướng để các em cân nhắc, lựa chọn. Thậm chí, sau khi chọn, các em được học thử vài tuần để hình dung, tránh tình trạng bất cập, khó khăn cho cả học sinh lẫn các nhà trường như hiện nay…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.