Học sinh lớp 10 TPHCM được giải quyết chuyển trường trong trường hợp nào?

GD&TĐ - Học sinh chuyển nơi cư trú theo cha mẹ hoặc có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhà trường sẽ xem xét chuyển trường theo nguyện vọng.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM (giữa) thông tin tại hội nghị sơ kết.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM (giữa) thông tin tại hội nghị sơ kết.

Không quá cứng nhắc

Tại hội nghị sơ kết học kỳ 1 năm học 2022 - 2023 bậc giáo dục trung học, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, việc chuyển trường ở học kỳ 1 đối với lớp 10 năm học 2022-2023 rất hạn chế, không thực hiện việc chuyển trường đối với học kỳ này. Tuy nhiên cũng phải xem xét nguyện vọng của phụ huynh, chẳng hạn như điều kiện thay đổi nơi ở, nơi làm việc... để học sinh được đảm bảo quyền lợi.

Theo Thông tư 51 của Bộ GD&ĐT, việc học sinh chuyển trường có 2 lý do, thứ nhất cha mẹ thay đổi nơi ở, nơi công tác thì con em buộc phải chuyển trường. Thứ hai là hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Việc chuyển trường sẽ gây xáo trộn, tuy nhiên các trường cần phải nghiên cứu, chia sẻ với phụ huynh. Tất nhiên không giải quyết cho các trường hợp xin chuyển trường mà lí do không thoả đáng.- Ông Nguyễn Văn Hiếu trao đổi.

“Đơn vị tiếp nhận học sinh chuyển trường phải liên hệ với trường có học sinh chuyển đi xem việc học tập, tinh thần, thái độ và việc cho chuyển trường có phù hợp không, từ đó thống nhất, ký duyệt. Tránh trường hợp chưa xem xét thống nhất giữa hai bên mà đã đồng ý tiếp nhận học sinh sẽ gây áp lực cho các trường nơi mà học sinh đang học”, ông Hiếu cho hay.

Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cũng cho biết, theo văn bản của Bộ GD&ĐT về việc chuyển đổi môn học, yêu cầu môn lựa chọn phải được học từ lớp 10 đến lớp 12 để đảm bảo về mặt kiến thức và yêu cầu của chương trình GDPT 2018. Tuy nhiên vì một điều kiện nào đó mà học sinh cần phải thay đổi môn học thì thực hiện vào cuối năm để thời gian hè học sinh ôn tập các nội dung và nhà trường tiếp nhận kiểm tra khi cho các em chuyển đổi.

Xây dựng học bạ số

Cũng tại hội nghị sơ kết, ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TPHCM thông tin về nhiều đổi mới trong hoạt động chuyển đổi số ngành giáo dục sẽ thực hiện trong năm 2023.

Ông Hồ Tấn Minh chia sẻ tại hội nghị.

Ông Hồ Tấn Minh chia sẻ tại hội nghị.

Theo đó, trong năm 2023, một trong những mục tiêu lớn toàn ngành tập trung thực hiện là hoàn thiện dữ liệu chung, trong đó có dữ liệu về học sinh các cấp, chất lượng giáo dục; dữ liệu về đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; dữ liệu về cơ sở vật chất trường học; dữ liệu về các kỳ thi, tuyển sinh đầu cấp; dữ liệu về sức khỏe y tế và phát triển kỹ năng của học sinh; dữ liệu về thi đua, khen thưởng, kỷ luật, hồ sơ văn bản và cải cách hành chính.

Hiện nay, trách nhiệm hoàn thiện dữ liệu được giao về cho các trường học, cụ thể là hiệu trưởng các đơn vị.

Theo thống kê của Sở GD&ĐT TPHCM, toàn thành phố hiện có 497/508 đơn vị đã sử dụng cổng thông tin điện tử. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng các đơn vị thiếu công khai thông tin đến người dân, thông tin tiếp công dân, chưa có cơ chế quản lý trang mạng xã hội phù hợp.

Giữa tháng 2/2023, sở GD&ĐT TPHCM sẽ có các đoàn kiểm tra, rà soát công tác chuyển đổi số ở các đơn vị trường học. Song song đó, trong năm nay, Sở sẽ ban hành bộ giải pháp thực hiện, đồng thời tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn về chuyển đổi số cho toàn ngành cũng như các văn bản hướng dẫn thống nhất về chỉ tiêu, khung năng lực số đối với giáo viên và cán bộ quản lý, xây dựng hệ thống phân tuyến, phân luồng học sinh và tuyển sinh đầu cấp trực tuyến.

Trong năm học 2023-2024, ngành Giáo dục TPHCM xây dựng học bạ số để tạo thuận tiện cho học sinh khi sử dụng, có giá trị pháp lý dùng chung ở tất cả đơn vị trường học.

Ngoài ra, đề án thư viện số dùng chung cho toàn ngành được triển khai cùng hệ thống văn phòng điện tử (không sử dụng hồ sơ giấy) cho tất cả phòng GD&ĐT và đơn vị trường học. Bước đầu, ngành giáo dục triển khai chữ ký số cho tất cả lãnh đạo đơn vị trường học, tiến đến triển khai chữ ký số cho giáo viên.

Cũng theo ông Hồ Tấn Minh, môn Giáo dục địa phương là một trong những môn học mới của Chương trình GDPT 2018, ngành giáo dục TPHCM sẽ thực hiện số hoá tài liệu Giáo dục địa phương ở khối 1, 2, 3, 6, 7 và 10. Các khối lớp còn lại tiếp tục thực hiện cuốn chiếu sau đó.

Nói về công tác chuyển đổi số trong trường học, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM yêu cầu: “Mỗi đơn vị trường học cần có một giáo viên hoặc nhân viên phụ trách chuyển đổi số để tăng cường hiệu quả và chất lượng hoạt động của lĩnh vực này. Trước đây trong bối cảnh dịch bệnh, chúng ta dạy học trực tuyến trong tình thế bị động nhưng hiện nay là chủ động, dạy trực tuyến trong môi trường trực tiếp nhằm phát huy tối đa năng lực tự học của học sinh”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ