Gỡ nút thắt, thúc đẩy tự chủ đại học

GD&TĐ - Chiều 19/10, tại Đà Nẵng, Bộ GD&ĐT đã tổ chức Hội thảo khoa học xin ý kiến dự thảo Đề án đẩy mạnh tự chủ đại học giai đoạn 2024-2030.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn chủ trì Hội thảo khoa học góp ý dự thảo Đề án Đẩy mạnh tự chủ đại học giai đoạn 2024-2030.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn chủ trì Hội thảo khoa học góp ý dự thảo Đề án Đẩy mạnh tự chủ đại học giai đoạn 2024-2030.

Tự chủ đại học gắn liền với trách nhiệm giải trình

Thông tin về đề án, bà Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (GDĐH) nhấn mạnh, GDĐH đóng vai trò then chốt trong thực hiện đột phá chiến lược về nguồn nhân lực trình độ cao, chất lượng cao gắn với khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong đầu tư, kiến tạo phát triển và quản lý GDĐH.

Tự chủ đại học là thuộc tính của hệ thống GDĐH, là nền tảng và động lực then chốt để các cơ sở GDĐH tối ưu hóa hoạt động, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, gia tăng sức cạnh tranh, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo, nghiên cứu.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tại Hội thảo.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tại Hội thảo.

Quan điểm của đề án là đầu tư cho GDĐH và đầu tư vào các cơ sở GDĐH là đầu tư cho phát triển bền vững đất nước, mang lại hiệu quả cao, lợi ích lớn và lâu dài cho người học, gia đình và toàn xã hội. Tăng nguồn lực đầu tư cho GDĐH là tất yếu để nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo và nghiên cứu; là trách nhiệm của Nhà nước và toàn xã hội.

Cơ sở GDĐH thực hiện quyền tự chủ phải gắn với thực hiện trách nhiệm giải trình, lấy lợi ích của người học và xã hội làm mục tiêu cốt lõi. Tự chủ đại học làm thay đổi phương thức quản lý nhà nước và quản trị cơ sở GDĐH nhưng không làm giảm vai trò, trách nhiệm của Nhà nước đối với GDĐH và của các cơ sở GDĐH đối với xã hội.

Mục tiêu của đề án tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn, khai thông các nguồn lực, đẩy mạnh triển khai tự chủ đại học đi vào chiều sâu và thực chất, thực sự trở thành nền tảng và động lực then chốt cho phát triển hệ thống GDĐH đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực trình độ cao và KHCN cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước…

Nhiệm vụ của đề án là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, vai trò giám sát của cơ quan QLNN và XH đối với cơ sở GDĐH; Đổi mới chính sách, cơ chế tài chính Đại học…

Trong đó, đổi mới chính sách, cơ chế tài chính ĐH sẽ gồm 6 nhiệm vụ: Cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) cho GDĐH đảm bảo chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu thị trường và tiếp cận công bằng; Tăng cường hiệu quả sử dụng NSNN đầu tư cho GDĐH, Đổi mới chính sách hỗ trợ tài chính cho SV; Huy động nguồn lực tài chính từ doanh nghiệp, khu vực tư nhân phát triển GDĐH; Hoàn chỉnh chính sách học phí và giá dịch vụ giáo dục đào tạo; Đổi mới quản trị tài chính của các cơ sở GDĐH;

Nâng cao năng lực cơ sở GDĐH sẽ đa dạng hóa nguồn thu cho CSGDĐH từ hoạt động dịch vụ, NCKH, chuyển giao CN...) để tăng nguồn tài chính cho hoạt động của CSGDĐH..

3 trụ cột trong tự chủ đại học

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức – Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Công nghệ (ĐHQG Hà Nội) cho rằng, trong tự chủ đại học, các trường phải được tự chủ học phí thông qua việc xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật về mức thu, tự chủ đào tạo trên cơ sở cam kết chuẩn đầu ra và tự chủ về công tác nhân sự.

Hội thảo thu hút sự tham gia của đại diện Hội đồng trường, Ban giám đốc, Ban giám hiệu,các Đại học, trường đại học công lập và ngoài công lập.

Hội thảo thu hút sự tham gia của đại diện Hội đồng trường, Ban giám đốc, Ban giám hiệu,các Đại học, trường đại học công lập và ngoài công lập.

Theo nhận xét của PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc ĐH Đà Nẵng, việc thực hiện tự chủ đại học thời gian vừa qua còn một số vướng mắc. Hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, chưa nhất quán để trao quyền tự chủ nhiều hơn cho các cơ sở giáo dục đại học. Những trường đại học thực hiện tự chủ trên nhiều lĩnh vực nhưng có những quy định phải thực hiện như các trường chưa tự chủ. Chẳng hạn như chính sách học phí chưa theo kịp, các trường tự chủ không được tăng học phí. Chính sách thuế của các trường tự chủ chưa rõ ràng. Những vướng mắc này rất dễ dẫn đến tâm lý ngại tự chủ ở các trường chưa triển khai thực hiện.

Một số đại biểu đề xuất cần có sự điều chỉnh trong chính sách thuế đối với các trường thực hiện tự chủ chi thường xuyên. Theo đó, trong giai đoạn 2019-2022, những trường nào để lại một phần tài chính nhằm dự phòng rủi ro thì phần đấy lại bị thu thuế. Có sự chênh lệch thu - chi là do các trường đại học tiết kiệm, lương của giảng viên cũng đang thấp, nếu tăng lương thì không còn khoản chênh lệch nữa.

Góp ý về Đề án, GS.TS Nguyễn Quý Thanh - Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, cái gốc của tự chủ phải nói đến vấn đề phân quyền. Theo đó, nếu phân quyền mà không xác định quyền ở đâu thì sẽ quay lại câu chuyện tranh chấp quyền lực trong nội bộ, dẫn đến xung đột trong tổ chức.

PGS.TS Nguyễn Quý Thanh cho rằng, đầu tiên nguyên tắc của phân quyền là quyền lực của cơ quan quản lý nhà nước ở các ngành khác nhau phải được chuyển vào các tổ chức đệm và Hội đồng trường chính là tổ chức đệm đó.

“Hiện nay tổ chức Hội đồng trường không được ủy thác các quyền lực của cơ quan quản lý nhà nước liên quan. Mà chỉ sử dụng một số quyền lực của Đảng ủy, một số quyền lực của Ban giám hiệu, từ đó ra quyết định về những vấn đề của nhà trường sẽ dẫn đến một số tranh chấp nhất định”, GS TS Quý Thanh phân tích.

Ngoài ra, theo PGS.TS Nguyễn Quý Thanh, nếu trường Đại học 2 cấp (tức có Hội đồng Đại học và Hội đồng trường) mà không rõ phân định mối quan hệ giữa Hội đồng Đại học và Hội đồng trường thì chắc chắn sẽ xu hướng li tâm xảy ra. Các Đại học nên chỉ có một cấp Hội đồng mà thôi. Nếu có 2 cấp thì xem Hội đồng Đại học là hội đồng bao quát. Lúc đó mới có sự kết nối, thông suốt.

Đồng quan điểm, đại diện Trường ĐH Hà Nội cho rằng cần có quan điểm hết sức rõ ràng về vị trí, nhiệm vụ của Hội đồng trường. Theo đó, Hội đồng trường là cơ quan quản trị chứ đừng nên tham gia vào công tác quản lý. Ví dụ như bổ nhiệm một trưởng khoa thì nên giao quyền cho Hiệu trưởng.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn khẳng định, tự chủ đại học là xu thế tất yếu của Đại học. Lần này Bộ GD&ĐT được Chính phủ giao soạn thảo đề án về tự chủ Đại học năm 2024-2030, đề án sẽ phân tích rõ về những năm qua đã triển khai, kết quả đạt được, đi sâu vào điểm nghẽn, những gì đang cản trở sự phát triển của giáo dục Việt Nam. Những đề xuất, kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết thì Bộ GD&ĐT sẽ sớm xử lý, những gì không thuộc thẩm quyền thì Bộ sẽ kiến nghị đề xuất.

Giám đốc ĐH Đà Nẵng băn khoăn về việc sắp tới, Nhà nước cấp ngân sách cho các trường đại học theo đặt hàng, giao nhiệm vụ. “Cách làm thì rất hay nhưng các bước tiếp theo khi triển khai thì cần phải nghĩ đến những tình huống nảy sinh trong thực tế. Như Nghị định 116 hiện đang có nhiều vướng mắc mặc dù mục tiêu rất hay. Có thể Nhà nước cần khoán ngân sách cho các trường để các trường có thêm động lực” – PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ đề xuất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.