Cần có chính sách phù hợp để giáo dục đại học phát huy tốt năng lực tự chủ

GD&TĐ - Tự chủ đại học là tiền đề để chuyển đổi mô hình quản trị, điều hành, tổ chức lại bộ máy.

Cần có chính sách phù hợp để giáo dục đại học phát huy tốt năng lực tự chủ.
Cần có chính sách phù hợp để giáo dục đại học phát huy tốt năng lực tự chủ.

Phát huy tinh thần tự chủ

Theo GS.TS.NGƯT Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Đại học, Đại học Bách khoa Hà Nội Trong giai đoạn 2016-2022, số lượng đơn vị cấp 2 đã giảm từ con số 65 xuống còn 46 đơn vị, con số này sẽ tiếp tục được điều chỉnh giảm trong năm 2023; với quy mô hơn 1700 cán bộ viên chức, tỷ lệ cán bộ giảng dạy trong toàn đại học có trình độ TS hiện chiếm 75,5% (tỷ lệ trung bình của Việt Nam là 31,12%, năm 2021), tỷ lệ cán bộ giảng dạy có học hàm GS, PGS chiếm 24,6% (tỷ lệ trung bình của Việt Nam là 7,1%, năm 2021).

Đại học Bách khoa Hà Nội cũng là trường có hệ thống quản trị và quản lý điều hành đang được vận hành theo hướng tăng cường phân cấp, dân chủ và minh bạch, đánh giá hiệu quả công việc theo vị trí việc làm và theo các chỉ số KPI/OKR. Hệ thống quản trị và đánh giá trên nền tảng số đồng thời cũng là công cụ để tính thu nhập tăng thêm của cán bộ một cách minh bạch và công bằng.

Tại đây, tự chủ đại học là kim chỉ nam cho việc xây dựng những đại học danh tiếng, có hệ thống quản trị tiên tiến, tiềm lực đội ngũ, cơ sở vật chất và tài chính vững mạnh, đủ năng lực cập nhật và sáng tạo công nghệ, có chất lượng đào tạo, chất lượng nghiên cứu và sáng tạo tiệm cận và tiến tới tiếp cận các chuẩn mực và đủ sức cạnh tranh quốc tế, bên cạnh sứ mạng bảo vệ truyền thống văn hóa, bản sắc dân tộc.

Phát huy tinh thần tự chủ Đại học Bách khoa Hà Nội đẩy mạnh sáng tạo trong đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Phát huy tinh thần tự chủ Đại học Bách khoa Hà Nội đẩy mạnh sáng tạo trong đào tạo và nghiên cứu khoa học.

"Tuy nhiên, để tự chủ đại học đạt được mục tiêu trên, đồng thời thực hiện được đúng quan điểm, mục tiêu Nghị quyết 20, Nghị quyết 29 của Trung Ương, cần thiết phải có những quan tâm đặc biệt đối với hệ thống giáo dục nói chung và hệ thống giáo dục đại học, đội ngũ trí thức nói riêng. Đây là kinh nghiệm thực tế từ Hội đồng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội". - GS.TS.NGƯT Lê Anh Tuấn, đặc biệt nhấn mạnh.

Kiến nghị từ thực tế

Chia sẻ về thực tế Tự chủ đại học tại Đại học Bách khoa Hà Nội nói riêng và hệ thống giáo dục đại học (GDĐH) nói chung, PGS.TS. Huỳnh Quyết Thắng, Giám đốc Đại học Bách khoa cho rằng: Cần làm rõ quan điểm về phát triển giáo dục đại học và quan điểm về tự chủ đại học.

Tự chủ đại học cần được hiểu rõ ràng và minh bạch, hiện thực hóa bằng các chủ trương chính sách hết sức khoa học và cụ thể. Trong đó đặc biệt quan trọng là vai trò của Nhà nước trong đầu tư trong phát triển đào tạo và khoa học công nghệ: có trọng điểm, đánh giá hiệu quả đầu tư một cách khoa học, thể hiện tính công bằng với các cơ sở giáo dục đại học.

"Chính phủ thực hiện đặt hàng những chương trình nghiên cứu dài hạn, cơ chế cho vay lại hợp lý của các dự án ODA để các trường có năng lực có thể đầu tư theo chiều sâu các lĩnh vực nghiên cứu dài hạn, đầu tư đặt hàng của nhà nước phát triển một số lĩnh vực nền tảng". - PGS.TS. Huỳnh Quyết Thắng dẫn chứng

Cần có các chính sách thúc đẩy mạnh mẽ và chủ động nguồn tài chính để ươm tạo và hoàn thiện kết quả nghiên cứu, đưa ra thị trường. Hiện nay, nguồn kinh phí nghiên cứu từ nguồn ngân sách Nhà nước theo các chương trình nghiên cứu của Nhà nước của các Bộ/Ngành, do đó các nghiên cứu còn rời rạc và nhỏ lẻ, với tính ứng dụng thấp. Thêm vào đó, cơ chế, chính sách phân bổ và quản lý kinh phí KHCN của Nhà nước hiện nay chưa phát huy hiệu quả.

Sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội luôn đạt thứ hạng cao trong học tập và nghiên cứu khoa học.

Sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội luôn đạt thứ hạng cao trong học tập và nghiên cứu khoa học.

Ngân sách phân bổ khá dàn trải cho nhiều lĩnh vực, cho nhiều bộ ngành và cho nhiều hoạt động, chỉ một phần nhỏ trong khoản kinh phí dành cho hoạt động nghiên cứu được phân bổ về các trường đại học thông qua các bộ chủ quản. Trong khi đó, kinh phí từ đào tạo không đủ và không hợp lý cho lập quỹ phát triển khoa học công nghệ tại các Trường nên việc hoàn thiện ươm tạo công nghệ luôn bị chậm trễ.

Các chính sách để thúc đẩy hợp tác nhà trường-doanh nghiệp để phát huy Quỹ phát triển KHCN từ doanh nghiệp. Doanh nghiệp Nhà nước hàng năm phải trích thu nhập tính thuế cho hoạt động KHCN và chi nguồn vốn này theo nguyên tắc như ngân sách. Hiện nay, các quy định về chi tiêu và quy trình quản lý được xây dựng dựa trên quy định nhiệm vụ KHCN sử dụng ngân sách Nhà nước (NSNN) với quy trình phức tạp, không phù hợp với phương thức hoạt động và nhu cầu nội tại của DN. Thời gian xét duyệt kéo dài làm mất tính thời sự của nghiên cứu, mất tính cạnh tranh với các đối tác nước ngoài trên thị trường.

Chính sách hỗ trợ “Người học” - sinh viên, đặc biệt là các sinh viên “yếu thế”: đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao trước hết phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, tạo ra nguồn nhân lực có khả năng cạnh tranh trong khu vực và toàn cầu. Các cơ chế cho vay tín dụng học bổng cần được vận hành tốt hơn để các em có nguồn tài chính cho học tập.

"Các chính sách lao động, tiền lương, đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo và các văn bản quy phạm pháp luật dành cho nhà giáo, cho cần được xem xét và thay đổi phù hợp. Với các cơ sở GDĐH, rất cần và luôn phải tạo điều kiện tốt nhất cho giảng viên làm việc hiệu quả, năng động hơn, giải phóng được nguồn lực và sức sáng tạo, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, điều đó chỉ có thể làm được bởi các chính sách của Bộ của Chính phủ và sự phấn đấu của chính các nhà giáo. Chúng ta không thể để “nhà giáo” trở thành một ngành yếu thế trong xã hội!" - PGS.TS. Huỳnh Quyết Thắng nhấn mạnh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ