Cũng bởi, dù thuộc dòng kỹ năng sống nhưng cuốn sách nghiêng nhiều về sự đồng cảm, đồng hành với những cái khó từ rào cản tâm lý không dễ gọi tên…
Thực ra, cuốn sách này có cái tên rất đặc biệt khi nhan đề “Làm cha mẹ hoàn hảo” có từ “hoàn hảo” thêm gạch đè, nên có thể đọc: “Làm cha mẹ (không) hoàn hảo”.
Đây là sự cố tình của tác giả Phương Hoài Nga khi chị viết cuốn sách từ trải nghiệm làm mẹ của bản thân (10 năm) cùng hơn 15 năm là chuyên gia tâm lý học trẻ em và vị thành niên.
Chính công việc đặc biệt với những tháng ngày: “Được thấy những đứt gãy giữa cha mẹ và con cái, được chứng kiến sự khổ sở, bế tắc, niềm vui, tự hào của cha mẹ; được cùng cha mẹ thoát khỏi trạng thái mắc kẹt, một cách thận trọng trở nên làm chủ hành trình trở thành cha mẹ của chính mình, với tôi, chính là được chỉ dạy.
Đúng thế. Cha mẹ và chính các bạn nhỏ đã chỉ dạy tôi, hơn là tôi đã dạy họ”, đã thôi thúc tác giả cầm bút.
Từ tâm thế khiêm tốn ấy, trước tiên cuốn sách là dòng chảy cảm xúc của một người mẹ đến những trò chuyện, tư vấn một chuyên gia tâm lý có góc nhìn chia sẻ, thấu hiểu về sự chưa... hoàn hảo ở mỗi bậc cha mẹ, được thể hiện ở các rào cản trong tâm lý.
Cuốn sách “Làm cha mẹ (không) hoàn hảo” giúp người lớn gỡ những... rối bời khi làm cha mẹ. Ảnh: Hoàng Anh. |
“Nếu được, hãy cho phép cuốn sách làm người đồng hành khiêm tốn trên hành trình thực sự trở thành cha mẹ của bạn. Tôi không có mong đợi nào hơn ngoài việc cha mẹ có thể trở nên tự tin, hy vọng và tìm ra bản sắc riêng trong lĩnh vực vừa khó nhằn, vừa ý nghĩa này. Với tôi, đó là món quà bền vững nhất mà cùng nhau – chúng ta có thể trao tặng cho các con của mình” - Chuyên gia tâm lý học Phương Hoài Nga.
Từ đó, tác giả mong muốn thực hiện sứ mệnh “mở ra một quãng ngơi để cha mẹ về lại với chính mình” và “Tôi hình dung những cung bậc cảm xúc bạn có thể sẽ có khi thực tâm lắng lại. Tôi không muốn bạn chỉ đọc, tôi mong bạn nghe mình”.
5 rào cản tâm lý tương ứng với 5 chương ở phần I: “Là chính mình khi làm cha mẹ” được tác giả Hoài Nga đưa ra cứ như thể nói hộ nỗi lòng của các bậc phụ huynh.
Nỗi lòng ấy được bắt đầu từ sự dằn vặt bản thân, cảm thấy có lỗi với con “Tất cả là lỗi của cha mẹ” đến những ám ảnh, ẩn ức tuổi ấu thơ “Ngày xưa... nên...” để nối tiếp đó là những trạng thái tâm lý dần bị đứt gãy: “Tôi không còn yêu con”, “Tôi đơn độc” và dường như chỉ muốn buông xuôi: “Tôi... chịu” (không làm được).
Gọi ra những rào cản như thế, tác giả kể chuyện (tình huống) sau đó dẫn đến “Lối nghĩ xưa và nay” cùng “Các nghiên cứu nói gì” để cuối cùng khép lại bằng “Suy ngẫm” và lời kết nhẹ nhàng mà thấm thía.
Ở việc lựa chọn dẫn chứng, nhiều khi tác giả kể chính câu chuyện của cá nhân chạm đến cảm xúc độc giả. Trong đó, câu chuyện của chị và con trai tên Sam từ lần cậu bé bị ngã khi trải nghiệm đạp xe vượt dốc (“Tất cả là lỗi của cha mẹ”) đến những biểu hiện bất thường của Sam khi đến trường hay chuyện Hoài Nga có một ký ức tuổi thơ đầy ẩn ức hiện về trong liên tưởng khi cô bắt đầu nuôi dạy Sam cũng đầy tinh nghịch, khác biệt (“Ngày xưa... nên...”)... được kể nhiều hơn cả.
Sau mỗi câu chuyện, luôn là những điều tác giả rút ra không chỉ cho riêng mình mà còn là nguồn tham khảo hữu ích với mọi người một cách chân thực, cảm động và luôn hướng về phía trước: ““Cho dù thế nào, Sam vẫn là Sam, tôi vẫn là tôi, và chúng tôi sẽ ở đây, có nhau”.
Điều đó càng khiến tôi thêm chắc chắn: Không ai nên là phiên bản của ai cả - dù chỉ trong ý nghĩ. Bằng cách đó, tôi gỡ được gánh nặng mang tên nỗi lo lắng và sợ hãi đang được gắn vào thực tại. Tôi hướng đến giải pháp, những gì mình có thể làm với quá khứ của mình, và những gì mình có thể làm với hiện tại” (Tr.69).
Có thể thấy, bố cục đó vừa tạo ra sự tò mò, vừa khiến độc giả cảm giác được mách bảo hướng đi.
Ở đó, sau những câu chuyện mang màu sắc thực tế sẽ là “liều lượng” lý thuyết và nghiên cứu theo chiều hướng chuyên sâu vừa vặn, tất nhiên cũng sẽ gây nên “những cơn đau đầu và khó chịu” khi dẫn cả “Mô hình sinh thái học của sự phát triển con người” của Bronfenbrenner, U., & Morris, P.A; “The Whole-brain child” của Daniel J. Siegel và Tina Payne Bryson; “Tính khí của trẻ” của Mary Sheedy Kurcinka…
Nhưng quả là chúng rất “đáng giá. Bởi con đường tưởng rậm rạp đầy gai ấy lại mang những tri thức về phát triển trẻ em, tâm lý, giáo dục và làm cha mẹ…”, như tác giả Phương Hoài Nga nhắn nhủ.
Dù chỉ dày hơn 250 trang nhưng cuốn sách “Làm cha mẹ (không) hoàn hảo” đã dành đến 160 trang cho phần I còn lại gần 100 trang là phần II “Tôn trọng và nghiêm khắc, sao cho vừa” và phần III “Nuôi dạy con đi đâu, về đâu?”.
Ở hai phần sau được viết ngắn gọn nhưng lại mang câu trả lời về việc cần làm cha mẹ như thế nào được tác giả tìm ra, chia sẻ đến mỗi người. Theo Phương Hoài Nga: “Làm cha mẹ là một quá trình nhằm HƯỚNG TỚI con trẻ, không phải là NHÀO NẶN con trẻ”.
Đặc biệt, cuốn sách được khép lại với ngoại truyện là bức thư của mẹ tác giả gửi đến, không chỉ kể lại những chứng kiến của bà về cách con gái đón nhận, nuôi dạy Sam - đứa cháu trai có những biểu hiện tâm lý bất thường, giống như con trai bà trước kia, mà còn có lời trân trọng “Con đã là thầy của mẹ”.