Cha mẹ cần làm gì để 'đánh thức' tố chất thiên tài trong con?

GD&TĐ - Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh, mỗi đứa trẻ đều là thiên tài trong lĩnh vực nào đó.

Nhiều bố mẹ hiện nay cho rằng con chỉ cần học giỏi Văn, Toán, còn các môn phụ là không cần thiết
Nhiều bố mẹ hiện nay cho rằng con chỉ cần học giỏi Văn, Toán, còn các môn phụ là không cần thiết

Nhiệm vụ của cha mẹ là khơi dậy, đồng hành, truyền cảm hứng và giúp con phát huy tố chất thiên tài của con, để con được tỏa sáng, sống cuộc đời của chính con.

8 loại trí thông minh cha mẹ nên biết

Có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tâm lý, hiện là Chủ tịch HĐQT Học viện Minh Trí Thành – đơn vị đi đầu về đào tạo, phát triển tư duy tại Việt Nam, chuyên gia Nguyễn Thị Lanh cho biết, con người có 8 loại trí thông minh: Ngôn ngữ, logic toán học, âm nhạc, giao tiếp, nội tâm, không gian, thiên nhiên, vận động. Mỗi đứa trẻ sinh ra đều có những loại trí thông minh vượt trội hơn các trí thông minh còn lại.

Tuy nhiên, rất nhiều cha mẹ mắc sai lầm trong việc khơi dậy, phát huy trí thông minh của con. Nhiều người có suy nghĩ con phải giỏi Toán, Văn mới là thông minh, trong khi con vẽ giỏi, hát hay hoặc giao tiếp tốt cũng là biểu hiện của sự thông minh.

Thực tế hiện nay nhiều bố mẹ chỉ muốn con tập trung vào các môn chính, con được 10 điểm Văn, Toán thì cha mẹ khen, còn con được 10 điểm Thể dục, Mỹ thuật thì coi là không cần thiết. Từng giảng dạy nhiều khóa học phát triển tư duy cho các em học sinh, cô Lanh thấy có những em không được học hành qua trường lớp nào về hội họa nhưng vẽ rất đẹp. Các em mơ ước làm họa sĩ nhưng bố mẹ lại không khuyến khích tài năng đó, cho rằng việc vẽ vời chỉ phí thời gian, tốn giấy bút, rồi bắt các em phải học những môn chính. Khi các em học Văn, học Toán không tốt thì cha mẹ chê bai sao dốt thế, bài dễ thế mà cũng sai, cũng không làm được.

“Chính những hành động này của cha mẹ gây ra tổn thương không thể bù đắp cho con trẻ. Thay vì khuyến khích điểm mạnh của con, loại hình trí thông minh nổi bật mà con có, giúp con tự tin vào bản thân thì cha mẹ lại chỉ nhìn vào các điểm yếu của con rồi phán xét, chỉ trích. Những lời chê bai con kém thế, dốt thế… đi vào tiềm thức của con, hình thành niềm tin giới hạn bên trong con. Sau này, các con lớn lên về mặt cơ thể nhưng bên trong là một tinh thần đã sớm khuất phục, đầu hàng, nghĩ mình kém cỏi, chẳng có tài năng gì và chán ghét chính mình”, cô Lanh lý giải.

Mỗi đứa trẻ đều là thiên tài trong lĩnh vực nào đó

Theo cô Lanh, mỗi đứa trẻ đều là thiên tài trong một lĩnh vực nào đó

Theo cô Lanh, mỗi đứa trẻ đều là thiên tài trong một lĩnh vực nào đó

Theo cô Lanh, con đến với cha mẹ đều mang theo một món quà, đó chính là tài năng của con, sự độc đáo và duy nhất chỉ con mới có. Con đến với thế giới để tỏa sáng, để được là chính mình. Nếu như cha mẹ nói “Sao con không giống bạn này, bạn kia?”, “Bạn này giỏi cái này, cái kia, tại sao con không thể?”… thì có nghĩa là cha mẹ đang vô tình hủy hoại con mình.

“Các bậc cha mẹ phải hiểu rằng, con là độc đáo và duy nhất. Trên hành tinh này không ai giống ai và không có ai giống con bạn cả. Bởi thế, mọi sự so sánh đều là khập khiễng. Khi bạn vô tình so sánh con mình với đứa trẻ khác, bạn đã khiến con bạn tổn thương”, cô Lanh phân tích.

Bên cạnh đó, hiện nay nhiều bậc cha mẹ có suy nghĩ mình làm ngân hàng, bác sĩ thì cũng muốn con làm ngân hàng, bác sĩ. Họ làm công việc nào thấy kiếm được nhiều tiền, sự nghiệp thuận lợi thì cũng muốn con làm việc đó.

Thế nhưng cha mẹ lại bỏ qua hai điều quan trọng. Thứ nhất là họ làm công việc đó có thật sự cảm thấy hạnh phúc không? Thứ hai là mỗi đứa trẻ đều có tài năng, ước mơ của riêng mình. Cha mẹ mong muốn con đi theo hành trình mình đã đi, làm công việc mình đang làm nhưng liệu con có sở hữu tài năng giống như cha mẹ, hay con lại có tài năng ở lĩnh vực khác?

Do vậy, người cần thay đổi chính là các bậc cha mẹ chứ không phải là các con. Các con không có nhiệm vụ phải đi xây nốt giấc mơ dang dở của cha mẹ, cũng không có trách nhiệm phải đi trên con đường đã được cha mẹ vạch sẵn. Con có cuộc đời của con, tài năng của con và cách sống của con.

Cô Lanh lý giải: “Chúng ta không thể bắt một con cá trèo cây hoặc bắt một con khỉ lội nước. Nếu con là cá, con sẽ giỏi bơi, con là khỉ thì giỏi leo trèo, cha mẹ hãy cứ để con thỏa sức thể hiện trong lĩnh vực mà con có tài năng. Mỗi đứa trẻ đều là thiên tài trong lĩnh vực nào đó. Việc của những người cha người mẹ thông thái là ở bên cạnh con, khơi dậy, đồng hành, phát huy tố chất thiên tài của con. Có như vậy, cha mẹ mới giúp con tự tin trên hành trình phát triển bản thân, sống một cuộc đời ý nghĩa, được thực sự tỏa sáng với tài năng của mình”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ