Bài 1: Nâng cao chất lượng vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Bài 2: Nguyên nhân chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS còn thấp
Phát triển nguồn nhân lực DTTS khu vực ĐBSCL không phải là việc một sớm một chiều, và trước hết cần tháo gỡ những vướng mắc cản trở việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực muốn thế cần nhiều chính sách thiết thực cho quá trình thực hiện, mà trong đó Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021 – 2030 sẽ là cứu cánh.
Đồng bào Khmer ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. |
Trên cơ sở chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, các tỉnh, thành trong vùng cũng đã đề ra những chính sách đặc thù hỗ trợ cho sự phát triển của vùng DTTS, nỗ lực nâng mức sống của vùng đồng bào DTTS ngang bằng với những vùng khác rút ngắn trên lệch mức sống của các vùng trong địa phương.
Cùng với đó cần thực hiện hiệu quả việc chuyển lao động từ nông nghiệp sang sản xuất tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ bằng cách phát triển kinh tế phi nông nghiệp với sự bổ sung của ngành chăn nuôi và các ngành nghề phi nông nghiệp. Đó là những ngành nghề góp phần giải quyết nguồn lao động nhàn rỗi ở nông thôn, tăng thu nhập cho người lao động. Đồng thời, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn cần thiết thực, hiệu quả, gắn với thực tiễn sản xuất của địa phương để nông dân vừa có thể học nghề, vừa có thể áp dụng ngay vào sản xuất canh tác. Vấn đề việc làm và giải quyết việc làm cho lao động DTTS vùng ĐBSCL luôn là vấn đề cấp thiết của từng địa phương trong vùng. Giải quyết việc làm không phải là dễ dàng, cần nhìn nhận dưới một góc nhìn dài và sâu, có định hướng rõ ràng...
Hiện tại để nâng cao đời sống của bà con vùng DTTS, tỉnh Sóc Trăng đã lên kế hoạch thực hiện Tiểu dự án 3 trong Dự án 5 thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn 1: từ năm 2021 – 2025.
Để thực hiện tiểu dự án 3 Sóc Trăng đầu tư trên 88 tỷ đồng để tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng dạy và học cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập; tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp, học nghề, việc làm; kiểm tra, giám sát đánh giá. Trong đó, mục tiêu năm 2022, Sóc Trăng sẽ thực hiện tuyển sinh, đào tạo cho khoảng 7.921 người là HSSV, người lao động thuộc hộ gia đình đồng bào DTTS, người dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, gồm: đào tạo trình độ cao đẳng là 910 người, trung cấp là 890 người; trình độ sơ cấp 1.100 người; trình độ dưới 3 tháng 5.021 người. Phấn đấu từ năm 2022 đến năm 2025, toàn tỉnh đạt mục tiêu đáp ứng 50% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề theo lộ trình của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và MN giai đoạn 2021 - 2030.
Cần có sự dịch chuyển từ đào tạo các ngành nông nghiệp sang các ngành công nghiệp và dịch vụ để người lao động DTTS nâng cao tay nghề hòa nhập với nền công nghiệp hiện đại hóa. |
Bà Huỳnh Thị Diễm Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết: Sóc Trăng rất quan tâm đến việc đào tạo nguồn nhân lực của địa phương nhất là nguồn nhân lực là con em đồng bào DTTS, vì thế thời gian qua tỉnh đã có nhiều chương trình dự án hỗ trợ cho đồng bào về việc làm, học nghề, khởi nghiệp, phát triển kinh tế gia đình. Kì vọng Chương trình Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và MN sẽ là điểm tựa phát triển vùng đồng bào DTTS.
Dù là tỉnh có tỉ lệ đồng bào DTTS chỉ chiếm 2%, nhưng tỉ lệ lao động DTTS qua đào tạo của tỉnh Vĩnh Long nằm trong nhóm thấp, để đưa ra giải pháp cơ bản, mang tính lâu dài là phải phát triển nguồn nhân lực người dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2025 định hướng đến năm 2030. Vĩnh Long đã có những chính sách mang tính lâu dài để bồi dưỡng nguồn nhân lực: Thông qua chính sách “cử tuyển”, con em là đồng bào DTTS tại các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp trong cả nước, sau khi hoàn thành khóa học, sắp xếp, bố trí việc làm kịp thời, hợp lý đúng chuyên môn đào tạo. Đây chính là những hạt nhân quan trọng trong công tác phát triển nguồn nhân lực DTTS chất lượng cao ở địa phương hiện nay. Có cơ chế đãi ngộ tốt với cán bộ cơ sở vùng sâu vùng xa, nhằm động viên khích lệ hoàn thành nhiệm vụ.
Đồng thời, tỉnh sẽ tăng cường thu hút đội ngũ trí thức trẻ, sinh viên mới tốt nghiệp là người Khmer có đủ năng lực, phẩm chất bố trí vào một số chức danh phù hợp. Chú trọng bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới, coi đây là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu trong thực hiện chiến lược cán bộ của tỉnh trong giai đoạn mới. Việc quy hoạch cán bộ cho nhiệm kỳ 2021 - 2025 cũng như những nhiệm kỳ tiếp theo luôn bảo đảm người dân tộc thiểu số tham gia vào cấp ủy và giữ các chức vụ lãnh đạo quản lý đạt khoảng từ 5% trở lên.
Mỗi tỉnh muốn triển khai thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội cần có các nguồn lực: Tài nguyên thiên nhiên, vốn, khoa học công nghệ, con người; trong đó nguồn lực con người là yếu tố quan trọng nhất. Khi chuyển sang nền kinh tế dựa trên tri thức là chủ yếu, cộng với xu hướng hội nhập và toàn cầu hóa quốc tế thì nguồn nhân lực trình độ cao có vai trò quyết định đến năng lực cạnh tranh giữa các tỉnh trong khu vực.