Nguyên nhân chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS còn thấp

GD&TĐ - Việc kết quả đầu tư đào tạo nguồn nhân lực của vùng DTTS không như mong muốn có nhiều nguyên nhân về cả khách quan và chủ quan.

Bài 1: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách phát triển nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS. Tuy nhiên cho đến nay, chất lượng nguồn nhân lực khu vực này vẫn còn thấp và có khoảng cách khá xa với trình độ chung của cả nước.

Việc kết quả đầu tư đào tạo nguồn nhân lực của vùng DTTS không như mong muốn có nhiều nguyên nhân về cả khách quan và chủ quan mà trong thời gian tới cần được gỡ nút thắt để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực DTTS trong thời kì đổi mới.

Tỷ lệ lao động DTTS qua đào tạo nghề vẫn còn rất thấp.

Tỷ lệ lao động DTTS qua đào tạo nghề vẫn còn rất thấp.

Tính đến hiện tại, tỷ lệ người DTTS của vùng ĐBSCL không có chuyên môn lao động kỹ thuật chiếm khoảng 93% đây được xem là vùng có tỷ lệ lao động qua đào tạo chuyên môn thấp nhất cả nước.

Lý giải việc này có thể kể đến nguyên nhân như: Lao động người DTTS vùng ĐBSCL sinh sống, làm việc rải rác và trải dài trên các địa bàn rộng (13 tỉnh, thành phố). Đặc điểm này làm cho việc tổ chức hợp tác lao động và việc bồi dưỡng đào tạo, cung cấp, tiếp nhận thông tin cho lao động gặp rất nhiều khó khăn. Người lao động tập trung trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, năng suất lao động còn thấp, phương thức sản xuất chưa tiên tiến do đó dẫn đến hiệu quả sản xuất không cao…

Bên cạnh đó, nguyên nhân còn do nhận thức, hiểu biết xã hội, kỹ năng sống của phần lớn lao động DTTS được hình thành chủ yếu qua tích lũy kinh nghiệm từ các hoạt động sản xuất, đời sống và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong phạm vi một dòng họ, một cộng đồng, một dân tộc cụ thể. Việc hội nhập nâng cao nhận thức, hiểu biết về xã hội bên ngoài rất hạn chế, kỹ năng sống chưa được hoàn thiện và phù hợp với sự phát triển chung của xã hội. Đây là một trong những rào cản của lao động dân tộc thiểu số hiện nay.

Cùng với đó, tính năng động, thích ứng trong môi trường làm việc mới chưa cao, tác phong, kỹ năng, kỷ luật lao động hạn chế. Thực trạng ngành, nghề sản xuất của vùng DTTS chủ yếu là nông nghiệp truyền thống với ruộng đất manh mún, tư liệu giản đơn, sản xuất nặng về khai thác tự nhiên, dựa vào kinh nghiệm là chính với mục tiêu làm ra sản phẩm để tự bảo đảm cuộc sống. Các rào cản về kinh tế, văn hóa, xã hội, dân tộc, năng lực, trình độ... đã không tạo ra cơ hội tiếp cận, làm quen và hòa nhập với kinh tế thị trường... Những yếu tố này đã làm hạn chế đến tính chủ động, sáng tạo, tinh thần phối hợp, khả năng thích ứng của lao động dân tộc thiểu số.

Một nguyên nhân không kém phần quan trọng là các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa thật sự mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, khi không đảm bảo đời sống kinh tế cho người lao động mà chỉ có chức năng như một việc làm thêm lúc nông nhàn.

Nhiều lao động DTTS khó tiếp cận các lớp đào tạo nghề phải làm việc theo mùa vụ.
Nhiều lao động DTTS khó tiếp cận các lớp đào tạo nghề phải làm việc theo mùa vụ.

Chị Danh Thị Pha (ngụ xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) chia sẻ: “Tôi học nghề đan lục bình này cũng mấy năm rồi, mỗi ngày trừ hết chi phí mua nguyên vật liệu thì chỉ còn khoảng 60 nghìn đồng số tiền này chỉ đủ cho con đi học hằng ngày hoặc phụ thêm ít thịt cá cho bữa ăn hằng ngày thôi. Những lúc rảnh rỗi tranh thủ làm kiếm thêm ít tiền thì được còn dựa vào nghề này để sống thì không thể”

Sóc Trăng là địa phương có tỷ lệ đồng bào Khmer đông nhất vùng, dù thời gian qua tỉnh đã thực hiện nhiều chính sách, chương trình, dự án để đầu tư và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhưng nhìn nhận từ thực tế hiệu quả của các chương trình dự án chưa cao, tỷ lệ lao động qua đào tạo còn rất thấp so với vùng và cả nước (tỷ lệ DTTS qua đào tạo chuyên môn đạt chưa đến 7%).

Theo ông Lưu Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên – Giáo dục nghề nghiệp huyện Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng), cho biết, trên địa bàn huyện có khoảng 50% đồng bào DTTS sinh sống, hằng năm huyện đều có kế hoạch tổ chức các lớp dạy nghề cho bà con. Tuy nhiên, việc dạy nghề cũng gặp nhiều khó khăn do một số bà con ở vùng sâu vùng xa không có điều kiện tham gia lớp học, một số bà con đã quen với lối canh tác cũ nên không muốn tham gia, số khác do không có đất sản xuất nên đã tìm việc ở các thành phố lớn,…

Bà Huỳnh Thị Diễm Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng nhìn nhận: Việc đào tạo lao động nhất là lao động DTTS thời gian qua gặp nhiều khó khăn do công tác giáo dục nghề nghiệp chưa thật sự gắn kết chặt chẽ với giải quyết việc làm và nhu cầu sử dụng lao động. Nguồn lao động của tỉnh có kỹ năng, trình độ trung cấp, cao đẳng trở lên còn rất thấp, lao động có chuyên môn, kỹ thuật, kỹ năng nghề nghiệp trình độ thấp, không văn bằng, chứng chỉ vẫn còn. Tình trạng dịch chuyển lao động của tỉnh sang các tỉnh, thành phố lớn còn nhiều (lên đến hàng trăm ngàn người),.... Qua đó cho thấy nguồn lao động của tỉnh vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, và yêu cầu của quá trình phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ