Gỡ khó trong tự chủ đại học

GD&TĐ - Thực tiễn triển khai cơ chế tự chủ đại học đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2019/NĐ-CP.

Sinh viên Trường ĐH Y Dược (ĐH Quốc gia Hà Nội) nghiên cứu khoa học.
Sinh viên Trường ĐH Y Dược (ĐH Quốc gia Hà Nội) nghiên cứu khoa học.

Cần thiết sửa đổi, bổ sung

Mới đây, Bộ GD&ĐT xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 99 (Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ). Tán thành việc này, TS Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam - gợi ý, để thực sự trao quyền tự chủ cho các trường đại học, cần tháo gỡ đồng thời các rào cản pháp lý. Hội đồng trường chỉ thực sự là “cơ quan thực quyền cao nhất của trường đại học” (theo Nghị quyết 19/NQ-TW) nếu cơ cấu thành phần phản ánh đúng vai trò chủ sở hữu của trường.

Ngoài ra, hệ thống văn bản pháp quy của Nhà nước phải thể hiện rõ vai trò, mối quan hệ giữa các bên liên quan trong cơ sở giáo dục đại học công lập như: Cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan chủ quản, hội đồng trường, Đảng ủy, Ban giám hiệu…

Theo TS Lê Viết Khuyến, hiện chưa có sự thống nhất một số nội dung liên quan giữa Luật số 34 với một số văn bản luật khác: Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công… Vô hình trung dẫn đến những khó khăn, vướng mắc cho các trường đại học trong quá trình thực hiện đẩy mạnh tự chủ theo luật nhưng vẫn phải tuân thủ các luật liên quan.

Từ thực tiễn triển khai, PGS.TS Bùi Thế Đồi, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lâm nghiệp Việt Nam, nhìn nhận, tự chủ là vấn đề tương đối khó và cần có lộ trình đối với mỗi cơ sở giáo dục đại học. Mỗi trường sẽ có những giải pháp, hướng đi riêng nên không dễ để tìm ra công thức chung trong vấn đề này. “Đây là vấn đề chính sách tầm vĩ mô. Chúng tôi mong muốn, sửa đổi một số quy định cho đồng bộ, tránh khó khăn trong quá trình vận hành” - PGS.TS Bùi Thế Đồi trao đổi.

Sinh viên ĐB Bách khoa Hà Nội trong giờ thực hành. Ảnh: NTCC

Sinh viên ĐB Bách khoa Hà Nội trong giờ thực hành. Ảnh: NTCC

Vướng đâu gỡ đó

Theo bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, khi xây dựng luật, không thể ngay một lúc giải quyết tất cả những vướng mắc. Cho nên, chức năng nhiệm vụ của Quốc hội là tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật. Chính phủ và Quốc hội đang đặt ra vấn đề rà soát Luật Giáo dục Đại học, nghiên cứu những vướng mắc để phát hiện ra những nội dung, quy định và nếu cần sẽ sửa ở điều kiện thích hợp. Tuy nhiên, sẽ phải cân nhắc xem xét vướng mắc nào do quy định của Luật; từ quy định của luật khác, từ việc triển khai, tổ chức thực hiện Luật. “Vướng chỗ nào, sẽ sửa chỗ đó”, bà Hoa nói.

Tại Tọa đàm “Giáo dục đại học: Thách thức và Cơ hội”, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn khẳng định, Bộ sẽ rà soát các văn bản pháp luật liên quan đến giáo dục đại học; trong đó có Luật số 34, các luật, nghị định có liên quan đến triển khai tự chủ đại học. Văn bản nào nằm trong chương trình kế hoạch sửa đổi thì chúng tôi quan tâm đề xuất sửa kịp thời. Tuy nhiên, cũng có những vướng mắc do triển khai thực hiện. Hiện, Bộ GD&ĐT đang sửa Nghị định 99. Các thông tư khác, nếu có bất cứ khó khăn gì thuộc thẩm quyền của Bộ, thì sẽ sửa đổi, bổ sung ngay. Qua đó, nhằm kiến tạo thúc đẩy các trường phát triển.

Theo Thứ trưởng, thực tế nhiều vấn đề do khâu triển khai thực hiện, không hẳn nằm ở văn bản pháp luật. Chẳng hạn như mối quan hệ Đảng ủy, Hội đồng trường, Ban giám hiệu thuộc về nhận thức trong triển khai, không phải trường nào cũng sẵn sàng. Bộ GD&ĐT cũng hướng dẫn để các cơ sở dần hoàn thiện cơ chế này. Tuy nhiên, làm sao để phân rõ quan hệ vai trò chức năng của các bên, phân cấp để thực hiện tốt với những gì đang có. Đồng thời, rà soát để đưa vào lộ trình kế hoạch, đề nghị sửa những văn bản luật, nghị định liên quan, từng bước một.

Dự thảo Tờ trình của Bộ GD&ĐT trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99 nêu rõ, quan điểm xây dựng Nghị định nhằm thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật, trong đó chú trọng quan điểm phân cấp, phân quyền, gắn việc thực hiện trách nhiệm giải trình.

Ngoài ra, rà soát bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, đồng bộ, thống nhất và khả thi của hệ thống pháp luật; kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc của bộ, ngành, địa phương và các cơ sở giáo dục đại học trong tổ chức thực hiện. Việc xây dựng Nghị định cũng được kế thừa các quy định hiện hành, bảo đảm sự đồng bộ với các quy định có liên quan.

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung gồm 4 điều: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99; Thay thế một số cụm từ của Nghị định 99; Trách nhiệm thi hành; Hiệu lực thi hành. Một số nội dung chính được sửa đổi, bổ sung gồm: Xác định “Cấp có thẩm quyền bổ nhiệm, công nhận” đối với hiệu trưởng các cơ sở giáo dục đại học công lập; bảo đảm phù hợp quy định của Đảng (Quy định số 80-QĐ/TW ngày 18/8/2022 của Bộ Chính trị) quy định của pháp luật về viên chức (Nghị định số 115/2020/NĐ-CP) về “Thành phần tập thể lãnh đạo”.

Quy định số lượng người đại diện cơ quan quản lý trực tiếp cử không quá 50% tổng số thành viên ngoài trường đại học; Làm rõ trường hợp thực hiện bãi nhiệm, miễn nhiệm bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật; Sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể thủ tục thay thế thành viên hội đồng trường; Bổ sung các quy định cụ thể về thủ tục thành lập, công nhận hội đồng đại học, chủ tịch hội đồng đại học, giám đốc đại học của trường đại học được Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển thành đại học.

Việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 99 được Bộ GD&ĐT nhấn mạnh, nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng trong việc thực hiện phân cấp quản lý, tăng cường tự chủ đối với đào tạo đại học. Đồng thời, giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn thực hiện; bảo đảm đồng bộ giữa quy định của pháp luật và đẩy mạnh thực hiện phân cấp, phân quyền, gắn việc thực hiện trách nhiệm giải trình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiện trường vụ tổ hợp Litening rơi tại East Yorkshire, miền đông nước Anh.

Tiêm kích Typhoon bị 'mù' sau sự cố

GD&TĐ - Theo The Aviationist, chiến đấu cơ Typhoon của Không quân Anh đã gặp sự cố bất ngờ trong diễn tập khi để rơi tổ hợp chỉ thị mục tiêu Litening.

Học sinh Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (Hải Châu, Đà Nẵng) trang trí cho hoạt động Chúng em cùng chúc Tết. Ảnh: NTCC

Bài tập Tết truyền cảm hứng

GD&TĐ - Thay vì giao bài tập nặng về kiến thức trong dịp nghỉ Tết, nhiều thầy cô đã định hướng HS trải nghiệm phong tục Tết, biết quan tâm giúp đỡ gia đình.