Nỗi lo thiết bị
Thầy Bùi Quang Tấp – Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Nậm Chảy (huyện Mường Khương – Lào Cai) cho biết: Năm học 2021 - 2022 nhà trường dự định đón 90 HS lớp 6/2 lớp. Vì số HS không đông nên việc bố trí phòng học không đáng lo ngại. Cơ sở vật chất của trường đã sẵn sàng đáp ứng yêu cầu 45 HS/lớp. Cùng đó đội ngũ GV trực tiếp triển khai CT và SGK mới cũng được nhà trường chuẩn bị kĩ càng, tham gia đầy đủ chương trình tập huấn…
Điều thầy Bùi Quang Tấp lo lắng lúc này là trang thiết bị, đồ dùng dạy học trong tình trạng thiếu và yếu. “Bộ đồ dùng dạy học mà nhà trường đang khai thác, sử dụng theo CT và SGK hiện hành cách đây nhiều năm. Khi áp dụng vào CT và SGK mới có thể không phù hợp và bảo đảm được yêu cầu. Số lượng trang thiết bị đồ dùng dạy học cũng còn thiếu. Hiện toàn trường có 8 bộ máy tính, máy chiếu để GV sử dụng giảng dạy cho hơn 10 lớp học của 4 khối lớp với khoảng 500 HS. GV muốn sử dụng thiết bị dạy phải “xếp sổ” luân phiên quay vòng. Chưa có lớp học nào lắp hệ thống máy tính, máy chiếu giảng dạy cố định. Máy móc chịu tần suất sử dụng lớn, thường xuyên tháo gỡ lắp đặt sẽ nhanh hỏng; thời gian ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) của GV ngay trên lớp giảm, HS được thụ hưởng những bài giảng ít phong phú...” – thầy Bùi Quang Tấp chia sẻ.
Cô Trần Thị Hợi – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khánh Nhạc B, xã Khánh Nhạc (huyện Yên Khánh - Ninh Bình) cũng khẳng định: Cũng như nhiều trường tiểu học toàn quốc, triển khai CT, SGK mới ở lớp 2, nhà trường đã chuẩn bị 18 phòng học cho HS 5 khối, ngoài ra có đầy đủ phòng chức năng dạy Tiếng Anh, Tin học, Mỹ thuật, Khoa học công nghệ.
Khó khăn và vướng mắc hơn cả của Trường Tiểu học Khánh Nhạc B khi triển khai CT, SGK mới ở 2 khối 1 và 2 được cô Hợi nhận định đó là thiếu đồ dùng, trang thiết bị dạy học. 18 lớp học toàn trường nhưng có 9 bộ máy tính máy chiếu. Trong số đó 4 bộ máy tính máy chiếu được lắp cố định tại 4 phòng học chức năng nên chỉ còn 5 bộ luân phiên để triển khai dạy học hàng ngày. Đáng nói, nhiều năm nay số HS tại Trường Tiểu học Khánh Nhạc B năm sau luôn tăng hơn năm trước. Như vậy, số máy tính máy chiếu bình quân phục vụ đầu người/lớp càng ít hơn.
Cô Tô Thị Bích Liên – Hiệu trưởng Trường THCS Đông Sơn (huyện Chương Mỹ – Hà Nội) bày tỏ: Nhà trường có sẵn 17 phòng học, 4 phòng chức năng để thực hiện CT và SGK lớp 6. Thiếu đồ dùng dạy học vẫn là trăn trở của nhà trường bởi “Kho học liệu của CT và SGK mới đòi hỏi nhiều và hiện đại hơn SGK cũ; Thiết bị đồ dùng dạy học 2 CT cũng không thể đồng bộ thành 1. Trong khi đó sự đầu tư từ địa phương cho các trường có hạn. GV dạy theo CT và SGK mới dù nhiệt huyết đến mấy nhưng trong tay không đủ trang thiết bị đồ dùng dạy học cũng khó để sáng tạo bài giảng, hiệu quả giáo dục không thể đạt như mong muốn”.
Gỡ khó từ đâu?
Thầy Bùi Quang Tấp chia sẻ: 100% HS dân tộc được trợ cấp hoàn toàn kinh phí ăn học. Do đó, để xã hội hóa giáo dục (XHHGD) tạo ra nguồn ngân sách, hỗ trợ nhà trường đầu tư tiết dạy học gần như không thể. Mặt khác, trang thiết bị, đồ dùng dạy học hiện nay ở các trường đến từ nguồn ngân sách địa phương. Nguồn ngân sách này có hạn và gần như không đủ phục vụ yêu cầu. Để tăng cường đồ dùng dạy học, GV và nhà trường ngoài phát huy tinh thần tự tạo còn trông đợi nhiều vào sự đầu tư hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân quan tâm đến giáo dục.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khánh Nhạc B đưa ra nguyên nhân khiến việc xã hội hóa GD gặp hạn chế do Phòng GD&ĐT Yên Khánh không cho phép huy động quá 150.000 đồng/HS/năm. Nếu trường vi phạm sẽ bị xử lý. Còn ngân sách của huyện cho trang thiết bị đồ dùng học tập lại chưa “thấm” so với yêu cầu thực tế. Chính vì vậy, khi CT và SGK mới đi trước, trang thiết bị đi sau sẽ khiến đội ngũ GV khó có thể đổi mới phương pháp dạy học thông qua ứng dụng CNTT.
“Đầu tư cho CT và SGK mới cần đồng bộ từ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đến việc tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao trình độ năng lực GV. Một trong những yếu tố trên bị hạn chế, việc đổi mới không thể đạt hiệu quả mong muốn. Chỉ khi nào có sự đầu tư đồng bộ khi ấy đội ngũ GV mới yên tâm cống hiến và sáng tạo…” – cô Trần Thị Hợi khẳng định.