Gỡ khó cho trường tự chủ

GD&TĐ - Không tăng học phí để giảm áp lực là chính sách cần thiết song cũng cần xem xét đến việc giảm áp lực tài chính cho các trường đại học...

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81/2021/NĐ-CP (Nghị định 81) về cơ chế thu, quản lý học phí công lập.

Việc sửa đổi sẽ theo hướng quy định rõ điều khoản về việc chưa triển khai, chưa áp dụng lộ trình cơ chế thu, quản lý học phí quy định tại Nghị định 81 và không tăng học phí năm học 2023 - 2024.

Thực hiện Nghị định 81, thời gian qua nhiều địa phương đã đưa ra mức học phí mới, tăng nhiều lần so với năm học trước. Đặc biệt, ở các trường đại học, nhất là nhóm trường tự chủ tài chính, mức học phí tăng khá cao, có nơi đến 2 - 3 lần. Trong khi đó, đến nay, dù đại dịch Covid-19 đã được kiểm soát nhưng kinh tế - xã hội cả nước vẫn còn nhiều khó khăn.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2023 chỉ tăng 3,72%, khá thấp so với GDP cùng kỳ giai đoạn 2011 - 2023, trong khi lạm phát bình quân 6 tháng đầu năm nay tăng 3,29% so với cùng kỳ năm trước.

Các chính sách thắt chặt tiền tệ, nhất là ở thị trường lớn như Hoa Kỳ và châu Âu khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong ký kết và thực hiện đơn hàng. Xung đột Nga - Ukraine tiếp tục diễn biến phức tạp, trong khi nhiều quốc gia thực thi chính sách tăng cường bảo hộ sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước, đã tiếp tục gây khó cho xuất khẩu nông lâm thủy sản.

Làn sóng cắt giảm lao động của doanh nghiệp lớn, tình trạng ùn ứ hàng nông sản xuất khẩu đã và đang tác động trực tiếp tới từng bữa cơm của nhiều gia đình, gián tiếp làm gian nan thêm đường đến trường của học sinh, sinh viên.

Vì thế, việc Chính phủ chỉ đạo dừng tăng học phí, các Bộ ngành cùng tính toán lại cơ chế thu phù hợp với khả năng đóng góp, chi trả của dân; có chính sách hỗ trợ đối tượng khó khăn, yếu thế tiếp cận giáo dục, là việc làm cấp thiết, nhân văn, nhận được sự hoan nghênh của người dân.

Tuy vậy, đối với cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt nhóm trường tự chủ, không nhận được ngân sách Nhà nước, việc tiếp tục không tăng học phí trong năm học 2023 - 2024 là một bài toán cân não.

Học phí là nguồn thu lớn, quan trọng nhất của các trường. Thực tế sau 2 năm không tăng học phí để chia sẻ khó khăn với người dân sau đại dịch, nhiều trường gặp áp lực vô cùng lớn, khó đảm bảo kinh phí để đầu tư phát triển.

Chuẩn bị năm học 2023 - 2024, đa số trường đều hướng đến mức học phí tăng theo lộ trình Nghị định 81, với một kế hoạch tài chính cụ thể. Vì thế, trước yêu cầu không tăng học phí của Chính phủ, các trường buộc phải điều chỉnh quyết định liên quan đến tài chính theo hướng giảm thu, giảm chi.

Đây là việc làm không mấy dễ dàng, vì nhờ tăng học phí, nhiều trường tăng doanh thu; giảng viên tăng thu nhập; cơ sở vật chất, chất lượng đội ngũ giảng viên, hoạt động nghiên cứu khoa học, thực hành, thực tập cho sinh viên được đầu tư tốt hơn, kéo theo tăng chất lượng đào tạo.

Không tăng học phí để giảm áp lực cho người học là chính sách cần thiết trong bối cảnh kinh tế - xã hội còn khó khăn, song cũng cần xem xét đến việc giảm áp lực tài chính cho các trường đại học, nhất là khối trường tự chủ.

Thực tế cho thấy chỉ có đa dạng hóa nguồn thu mới có thể giảm sự phụ thuộc vào học phí, giảm áp lực cho người học, nhưng việc tăng tỷ trọng nguồn thu từ hoạt động khoa học công nghệ, tài trợ xã hội… của các cơ sở giáo dục đại học hiện vẫn còn gian nan. Nên chăng cùng với yêu cầu các trường tự chủ không tăng học phí, Nhà nước cũng cần có sự hỗ trợ phù hợp?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ