Không tăng học phí rộng mở cánh cửa cho trò nghèo

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Năm học 2022 - 2023, không ít cơ sở giáo dục đại học quyết định không tăng học phí. 

Nhiều cơ sở giáo dục đại học quyết định không tăng học phí trong năm học 2022 - 2023. Ảnh minh họa: TG
Nhiều cơ sở giáo dục đại học quyết định không tăng học phí trong năm học 2022 - 2023. Ảnh minh họa: TG

Cùng với đó, nhiều địa phương có chính sách miễn, giảm học phí cho học sinh, nhằm chia sẻ khó khăn với phụ huynh.

Đồng hành cùng người học

Trường ĐH Kinh tế Quốc dân là một trong những cơ sở đào tạo thực hiện cơ chế tự chủ hoàn toàn. Vì thế, học phí là nguồn thu chính của trường này. Tuy nhiên, GS.TS Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng nhà trường cho hay: Trường vẫn giữ ổn định mức học phí trong 4 năm liên tiếp. “Chúng tôi mong muốn chia sẻ với phụ huynh và sinh viên trước những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra” - GS.TS Phạm Hồng Chương bày tỏ.

“Giữ được mức học phí ổn định trong 4 năm qua, một phần nhà trường tăng cường áp dụng công nghệ thông tin, tiết kiệm nhiều chi phí vận hành, chi phí học tập cho người học. Với những sinh viên khó khăn, nếu nhận được thông báo, nhà trường sẽ quan tâm và tạo điều kiện để các em yên tâm học tập” - GS.TS Phạm Hồng Chương chia sẻ.

Theo đề án tuyển sinh năm 2022, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân dự kiến mức thu 16 - 22 triệu đồng học phí/năm/sinh viên chính quy. Với chương trình đặc thù, học phí từ 45 - 65 triệu đồng. Mức học phí này được nhà trường áp dụng từ năm 2019 và thấp hơn chi phí đào tạo thực tế.

Ngày 20/9, PGS.TS Nguyễn Xuân Phương – Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh đã ký thông báo về việc không tăng học phí năm học 2022 - 2023. Trước đó, nhà trường quyết định áp dụng mức học phí mới kể từ năm học 2022 - 2023.

Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Phương, qua tìm hiểu cho thấy, sau hai năm đại dịch Covid-19, thu nhập bình quân của gia đình sinh viên sụt giảm. Ngoài ra, thực hiện khuyến nghị của Bộ GD&ĐT về việc các trường đại học công lập không tăng học phí, Trường ĐH Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh quyết định tạm dừng để đồng hành, chia sẻ với phụ huynh và sinh viên.

Theo đó, năm học 2022 – 2023, nhà trường giữ nguyên mức học phí như năm học trước. Cụ thể đối với chương trình đào tạo đại trà trình độ đại học là 354.000 đồng/tín chỉ và chương trình chất lượng cao trình độ đại học là 770.000 đồng/tín chỉ. Đối với sinh viên đã đóng học phí theo mức học phí mới, nhà trường trừ phần chênh lệch vào học phí ở học kỳ tiếp theo.

Thay vì áp dụng khung học phí mới năm học 2022 - 2023 theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ, Trường ĐH Nha Trang sẽ điều chỉnh lại khung học phí theo hướng giữ ổn định như năm học 2021 - 2022. Quan điểm của nhà trường là chia sẻ với người học trong bối cảnh khó khăn chung do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Năm học 2022 - 2023, nhiều tỉnh, thành phố quyết định miễn học phí cho học sinh. Nhiều địa phương miễn 100% học phí cho học sinh các cấp từ mầm non đến THPT như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng. Tại Kỳ họp thứ 8 (ngày 15/7), Hội đồng nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thông qua Nghị quyết về hỗ trợ học phí năm học 2022 - 2023.

Theo đó, trẻ 5 tuổi được miễn học phí từ năm học 2022 - 2023 đến hết năm 2023 - 2024; học sinh THCS được miễn học phí từ năm học 2022 - 2023 đến hết năm 2024 - 2025. Dự kiến, tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu sẽ chi 140 tỷ đồng và cho cả giai đoạn là hơn 568 tỷ đồng, để thực hiện việc này.

UBND tỉnh và HĐND tỉnh Bắc Kạn đồng ý phương án giữ ổn định mức học phí trong năm học 2022 - 2023 theo đề xuất của Sở GD&ĐT, đồng thời miễn 100% học phí cho khoảng 21.000 học sinh bậc THCS. Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cũng đồng ý tạm thời chưa thu học phí đối với cơ sở giáo dục công lập gồm: Mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên cho đến khi có chỉ đạo mới.

Sinh viên Trường ĐH Kinh tế Quốc dân. Ảnh: NTCC

Sinh viên Trường ĐH Kinh tế Quốc dân. Ảnh: NTCC

Thể hiện trách nhiệm xã hội

Theo bà Nguyễn Thị Yến Nhi – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre, hiện đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, đặc biệt do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Do đó, việc tạm hoãn tăng học phí là cần thiết, thể hiện chính sách nhân văn và sự quan tâm của địa phương đến đời sống của người dân. Qua đó tạo điều kiện cho học sinh được đến trường, bảo đảm các em tiếp cận công bằng trong giáo dục.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) nhìn nhận, các trường đại học hoãn tăng học phí trong bối cảnh sau đại dịch Covid-19 là thể hiện trách nhiệm xã hội, đồng thời góp phần bình ổn, kiểm soát lạm phát. Đây là lúc mọi người nên chia sẻ với nhau, nhất là trong giai đoạn bị ảnh hưởng Covid-19. Không tăng học phí, các cơ sở đào tạo nên tính đến phương án bù đắp chi phí hợp lý.

Là sinh viên năm thứ 2 của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Nguyễn Ngọc Huyền (thị trấn Sóc Sơn, Hà Nội) không giấu nổi niềm vui khi biết nhà trường không tăng học phí trong năm học này. Ngọc Huyền chia sẻ, gia đình thuần nông nên giảm chi phí được phần nào tốt phần đấy.

Có 3 con học từ cấp tiểu học đến THPT, chị Nguyễn Tú Quỳnh (quận Hồng Bàng, Hải Phòng) rất vui khi thành phố quyết định miễn 100% học phí cho học sinh các cấp học. Theo chị Quỳnh, với nhiều gia đình, mấy trăm nghìn học phí không phải là vấn đề lớn. Nhưng với người ở nông thôn cũng là khoản tiền, nhất là với gia đình khó khăn, có nhiều con đang tuổi ăn học. Vì thế, chính sách miễn học phí sẽ giảm gánh nặng về kinh tế cho không ít gia đình.

“Tôi hoan nghênh chính sách miễn, giảm học phí của TP Hải Phòng nói riêng và các địa phương nói chung. Tuy nhiên, bên cạnh chính sách nhân văn này, cần loại bỏ những khoản thu núp bóng theo hình thức thỏa thuận hoặc tự nguyện. Bởi thực tế cho thấy, học phí không đáng là bao so với nhiều khoản thu khác. Làm được việc này, chính sách miễn học phí càng thêm nhân văn và ý nghĩa” - chị Nguyễn Tú Quỳnh bày tỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trẻ nhập viện do uống vitamin quá liều. Ảnh: Bệnh viện Nhi Trung ương

'Con dao hai lưỡi' mang tên vitamin

GD&TĐ - Theo chuyên gia y tế, chỉ nên sử dụng một lượng vitamin cân đối vừa đủ cũng như phù hợp với tình trạng sức khỏe và nhu cầu của cơ thể.