Gỡ khó cho thiết bị

GD&TĐ - Đổi mới nội dung và phương pháp dạy học tất yếu kéo theo yêu cầu về cơ sở vật chất nói chung và thiết bị dạy học nói riêng.

Cán bộ quản lý, giáo viên các trường tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang tham khảo các bộ SGK của các NXB trước khi tiến hành chọn sách. Ảnh: Khánh Chi
Cán bộ quản lý, giáo viên các trường tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang tham khảo các bộ SGK của các NXB trước khi tiến hành chọn sách. Ảnh: Khánh Chi

Để chuẩn bị cho dạy học lớp 2, lớp 6 theo Chương trình mới, các địa phương đang tích cực rà soát, chuẩn bị thiết bị dạy học. 

Chủ động rà soát

Tại TPHCM, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các trường THCS trên địa bàn thành phố xây dựng dự toán, chuẩn bị trang thiết bị, đồ dùng phục vụ cho việc giảng dạy ở lớp 6, nhất là hai môn Khoa học và Tin học. Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết:

“Dựa trên số liệu rà soát điều kiện cơ sở vật chất của từng trường, ngành Giáo dục thành phố đã xây dựng kế hoạch và chiến lược bổ sung hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho từng trường ngay trong năm để trình UBND TP phê duyệt ngân sách. Thực tế, trang thiết bị, đồ dùng phục vụ cho việc giảng dạy không phải là vấn đề thành phố lo lắng bởi có nhiều nguồn lực hỗ trợ".

Tại tỉnh Bình Thuận, theo ông Phan Đoàn Thái, Giám đốc Sở GD&ĐT, triển khai Chương trình GDPT mới, điều băn khoăn lớn nhất là trường, lớp còn  thiết bị dạy học, đồ dùng học tập không phải điều quá áp lực. “Khu vực thành phố, vấn đề trên cơ bản  ổn. Riêng khu vực miền núi, vùng cao, vùng xa, sở GD&ĐT đã yêu cầu các trường rà soát trang thiết bị, lập dự toán hạng mục đầu tư chi tiết báo cáo phòng GD&ĐT từ năm 2020. Trên cơ sở đề xuất của phòng GD&ĐT, sở sẽ làm tờ trình trình UBND tỉnh cấp kinh phí đầu tư…”, ông Thái nhấn mạnh.

Trao đổi về vấn đề thiết bị dạy học phục vụ chương trình mới, bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhìn nhận: Khó khăn về trang thiết bị, đồ dùng dạy học chủ yếu đến từ các trường vùng sâu, vùng xa. Riêng vấn đề trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho chương trình mới, UBND tỉnh, huyện lên kế hoạch phủ đều. Công tác rà soát trường, lớp, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cũng được thực hiện từ năm 2020. Các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng chủ động cân đối ngân sách, ưu tiên cấp kinh phí cho các trường, nhất là trường vùng sâu vùng xa… 

Vẫn trông chờ sự sáng tạo của giáo viên

Cô Nguyễn Thị Kim Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Thọ, Quận 11, TPHCM cho biết: Danh mục trang thiết bị, đồ dùng dạy học của lớp 2 không quá lớn. Ngoài SGK, thiết thị dạy học trực quan chủ yếu là tranh ảnh và video nên nhà trường không  gặp khó khan khi trang bị cho học sinh. Nếu thiếu có thể tận dụng sự sáng tạo, làm đồ dùng dạy học mô phỏng của giáo viên trong trường.

“Với 7 lớp khối 2, tổng kinh phí dự kiến mua thiết bị đồ dùng học tập của trường chỉ hơn 60 triệu đồng. Trường được phòng GD&ĐT cho phép tự cân đối khoản này từ nguồn kinh phí sự nghiệp của nhà trường và xã hội hóa. Do trường đã triển khai lớp 1 theo Chương trình GDPT mới nên hạ tầng, cơ sở vất chất (tivi, máy chiếu, Internet không dây) được trang bị khá đầy đủ nên nếu có thiếu gì về phương tiện hỗ trợ, giáo viên sẽ chủ động làm thêm nên không quá lo lắng”, cô Hương chia sẻ.

Bà Phạm Thúy Hà, Phó trưởng phòng GD&ĐT Quận 4, TPHCM cho biết: Triển khai Chương trình GDPT mới ở lớp 2, lớp 6, hạ tầng cơ sở vật chất cần đầu tư mạnh là ở khối 6. Riêng khối 2, trang thiết bị, đồ dùng dạy học khá đơn giản (tranh ảnh, video, học trực quan), giáo viên có thể linh hoạt tự làm và triển khai song hành trong modul dạy học của mình. 

HS Tiểu học tỉnh Bạc Liêu trong giờ thực hành Tin học. Ảnh: Q. Ngữ
HS Tiểu học tỉnh Bạc Liêu trong giờ thực hành Tin học. Ảnh: Q. Ngữ 

Ưu tiên đầu tư nơi khó khăn

Thực tế, việc đầu tư thiết bị dạy học trong trường học cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc, nhất là vùng khó. Thiết bị dạy học được thiết kế phù hợp với Chương trình GDPT mới, đặc biệt cần đến phòng học bộ môn. Tuy nhiên, phòng học bộ môn hiện đạt tỷ lệ rất thấp, nhất là ở bậc tiểu học. Một số địa phương gặp khó khăn trong việc bố trí ngân sách, đặc biệt là vùng khó khăn, miền núi để đầu tư trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập và các hoạt động giáo dục nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.

Theo Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ tỉnh Bạc Liêu, đồ dùng, thiết bị dạy học hầu hết đã cũ, hư hao, không còn phù hợp với chương trình mới (nhất là với lớp 1). Nhu cầu mua sắm bổ sung đủ thiết bị dạy học giai đoạn 2021 - 2025, tổng kinh phí 906,1 tỷ đồng. Việc tổ chức dạy môn Tin học với điểm lẻ của trường có cấp tiểu học rất khó tổ chức hiện hiện (vì không bảo đảm máy móc, thiết bị dạy học cũng như công tác bảo quản).

Tỉnh Sóc Trăng, về thiết bị dạy học, qua kiểm kê, rà soát chỉ sử dụng được 15% số thiết bị cũ. Theo ông Châu Tuấn Hồng, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sóc Trăng, dù được quan tâm đầu tư nhưng một số trường còn khó khăn. Trang thiết bị dạy học chưa đáp ứng đầy đủ theo yêu cầu đổi mới. Phòng học bộ môn, phòng thí nghiệm, thực hành còn hạn chế dẫn đến việc đổi mới phương pháp dạy học gặp nhiều khó khăn, bất cập. Một số trường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học xuống cấp hoặc hư hỏng nhiều…

“Theo Chương trình mới cấp tiểu học, môn Ngoại ngữ, Tin học bắt buộc từ lớp 3. Trong khi hiện nay phần lớn trường tiểu học chưa có phòng chức năng phục vụ dạy học 2 môn này”, ông Hồng cho biết.

Để tháo gỡ khó khăn cho vùng khó, ông Phan Đoàn Thái, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Thuận cho biết giải pháp trước tiên cần đầu tư cho các đơn vị còn thiếu, yếu về trang thiết bị để triển khai Chương trình mới; nơi nào có điều kiện thuận lợi thì đẩy mạnh xã hội hóa...

Ở Đồng bằng sông Cửu Long, để có thiết bị dạy học, các địa phương tranh thủ nguồn lực từ nguồn đầu tư theo kế hoạch đầu tư công của ngành thông qua các chương trình gồm: Kiên cố hóa trường, lớp; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và GDPT giai đoạn 2017 - 2025…

Bà Lâm Thị Sang, Giám đốc Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ tỉnh Bạc Liêu thông tin: Để bảo đảm thiết bị dạy học, đặc biệt là cho khối tiểu học, UBND tỉnh bố trí kinh phí để mua sắm với số tiền hơn 20,5 tỷ đồng. Các trường học còn tận dụng, sửa chữa, bổ sung từ các đồ dùng và thiết bị dạy học hiện có, phát động phong trào sưu tầm, tự làm và bảo quản đồ dùng dạy học trong từng đơn vị trường học.  

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.