Mua sắm thiết bị dạy học lớp 2, lớp 6: Kế thừa, tránh lãng phí

GD&TĐ - Với danh mục thiết bị dạy học lớp 2, lớp 6, các địa phương cần lưu ý trong rà soát, mua sắm; cần hiểu đúng để mua sắm đạt từ mức tối thiểu, nhưng không lãng phí.

Cô trò lớp 2 Trường Tiểu học Bình Minh, Hà Nội.
Cô trò lớp 2 Trường Tiểu học Bình Minh, Hà Nội.

Ông Phạm Hùng Anh, Cục trưởng Cục Cơ sở Vật chất (CSVC - Bộ GD&ĐT) chia sẻ như trên.

Ghi nhận đóng góp

Nêu ý kiến về Dự thảo danh mục thiết bị dạy học (TBDH) tối thiểu lớp 2, đại diện Sở GD&ĐT Lào Cai cho rằng, một số danh mục như môn Tự nhiên và Xã hội, Đạo đức, Hoạt động trải nghiệm… đề nghị có cơ chế để địa phương xây dựng danh mục thiết bị điện tử.

Tương tự, nêu ý kiến về Dự thảo danh mục TBDH tối thiểu lớp 6, Sở GD&ĐT Long An góp ý, nên sử dụng các thiết bị dạy học điện tử thay thế tranh, ảnh, bản đồ giấy (nhanh cũ, hư hỏng, cồng kềnh, gây lãng phí). Bên cạnh đó, tăng thêm các video/clip, phần mềm mô phỏng cho HS quan sát. HS rất thích thú với dạng thiết bị này. Nên có một web riêng về TBDH trực tuyến, giúp GV chủ động sử dụng, chọn lọc, phục vụ cho soạn bài giảng điện tử.

Với môn Lịch sử lớp 6, đại diện Sở GD&ĐT Hà Nam bày tỏ: Bộ cần xây dựng một kho tư liệu dưới hình thức video, hình ảnh minh họa cho các môn học bằng một trang web chuyên dụng trên trang Trường học kết nối, để GV chủ động và thuận tiện tra cứu, sử dụng. Còn với môn Địa lý, địa phương này cho rằng cần bảo đảm đủ số lượng để phục vụ GV, HS trong dạy và học, hiệu quả sử dụng cao. Các TBDH tối thiểu phù hợp với mỗi nội dung, chủ đề dạy học; đáp ứng được mục đích, yêu cầu của Chương trình GD phổ thông mới. Tuy nhiên, cần phải trang bị thêm các phương tiện và kỹ thuật dạy học hiện đại như mô hình nổi, mô hình động…

Ở môn Tin học, đại diện Sở GD&ĐT An Giang đề nghị bổ sung thêm nội dung ghi chú: Quy định rõ cách tính số lượng máy vi tính /trường. Vì hiện nay, hầu hết sở GD&ĐT đều gặp khó khăn trong việc đầu tư số phòng bộ môn tin học cho 1 trường, do không có căn cứ pháp lý để tính số máy tính và số phòng bộ môn Tin học.

Sở GD&ĐT An Giang cũng cho rằng, Thông tư là căn cứ để các Sở GD&ĐT làm văn bản pháp lý xin chủ trương đầu tư, bổ sung trang thiết bị. Do vậy, danh mục thiết bị và tiêu chuẩn kỹ thuật cần có một số quy định chung theo hướng mở, nhằm tạo điều kiện cho địa phương triển khai tùy theo tình hình thực tế. Đối với các bộ môn có sử dụng tranh ảnh, đề nghị bổ sung ghi chú: Ở nơi có điều kiện, tất cả tranh/ảnh dành cho GV, HS có thể thay thế bằng tranh/ảnh điện tử hoặc phần mềm mô phỏng.

Đồng ý kiến với Sở GD&ĐT An Giang, Sở GD&ĐT Hà Nam đề xuất các thiết bị là tranh ảnh nên dùng bản mềm để thuận tiện cho việc sử dụng, bảo quản. Cần bổ sung tủ (giá) đựng thiết bị có kích thước phù hợp cho các môn. Để thuận tiện cho việc sử dụng, bảo quản thiết bị, đề nghị các loại bản đồ, lược đồ có thể để kích thước nhỏ, đóng thành cuốn, cho gọn nhẹ và có thể trình chiếu trên máy chiếu vật thể. 

HS lớp 2 ở Thái Bình. Ảnh: TG
HS lớp 2 ở Thái Bình. Ảnh: TG

Sử dụng theo hướng kế thừa

Để thực hiện Thông tư 05/2019/TT-BGDĐT, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hải Phòng cho biết đã báo cáo UBND và thông báo tới UBND các quận/huyện. Tuy nhiên, năm đầu tiên thực hiện Chương trình GD phổ thông 2018, một số quận/huyện vẫn vướng mắc trong triển khai TBDH cần tháo gỡ.

Với danh mục TBDH tối thiểu cho lớp 2, lớp 6, Sở GD&ĐT Hải Phòng đã tập trung chuyên gia, phối hợp các phòng GD&ĐT nghiên cứu, tính toán, để từ đó có những tư vấn sớm nhất, xây dựng kế hoạch tổng thể trình Thành uỷ, HĐND, UBND thành phố với tinh thần: Trong khi GV đẩy mạnh nâng chuẩn, ngành GD&ĐT tham mưu với Thành uỷ, HĐND, UBND thành phố có cơ chế, chính sách, ngân sách dành cho việc tăng cường TBDH cho lớp 2, lớp 6.

Theo ông Phạm Hùng Anh, thực hiện Chương trình GD phổ thông mới, không có nghĩa là các nhà trường bỏ hết TBDH cũ, hiện có. Chương trình mới thực chất là kế thừa và sử dụng các TBDH có sẵn, bổ sung thêm những TBDH đáp ứng đổi mới.

Ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin - CNTT (Bộ GD&ĐT) cho biết: “Tới đây Cục CNTT, CSVC phối hợp với các vụ, bậc học rà soát trên cơ sở danh mục các TBDH, xác định những thiết bị nào cần số hóa để sử dụng tốt hơn sẽ ưu tiên thực hiện. Khi đã số hóa rồi sẽ có giải pháp để dùng chung, tiết kiệm được nhiều ngân sách, việc sử dụng cũng rất thuận lợi cho giáo viên”.

Cục CSVC lưu ý những nội dung các địa phương cần chú trọng trong thời gian tới. Trong đó, cần xây dựng tiêu chuẩn, định mức thiết bị chuyên dùng theo hướng dẫn tại Thông tư 16/2019/TT-BGDĐT và xây dựng tiêu chuẩn, định mức diện tích chuyên dùng theo hướng dẫn tại Thông tư 13/2020/TT-BGDĐT; Đồng thời, phổ biến các Thông tư/văn bản về CSVC và TBDH đến các cơ sở GD. Các địa phương cũng cần tham mưu với cấp có thẩm quyền mua sắm bổ sung đủ và  bảo đảm tối thiểu bằng với các quy định tại Thông tư quy định danh mục thiết bị tối thiểu của Bộ GD&ĐT để thực hiện Chương trình GD phổ thông mới. Các thiết bị phải được trang bị cho các nhà trường trước khi thực hiện chương trình mới. Rà soát lại các phòng học bộ môn (theo quy định tại Thông tư 14/2020/TT-BGDĐT) của các cấp học (tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học), để có kế hoạch cải tạo, nâng cấp hoặc xây mới theo lộ trình thực hiện Chương trình GD phổ thông mới. Rà soát, bổ sung để có đủ phòng học theo yêu cầu với cấp tiểu học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ