Gỡ bỏ rối ren

GD&TĐ - Việc có quá nhiều phương thức xét tuyển khiến thí sinh gặp rối ren, thậm chí nhầm lẫn trong quá trình đăng ký xét tuyển.

Ảnh minh họa Internet.
Ảnh minh họa Internet.

Năm 2023, Bộ GD&ĐT dự kiến điều chỉnh theo hướng: Thí sinh không cần đăng ký phương thức xét tuyển.

Ở mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành Giáo dục mầm non năm trước, có đến 20 phương thức xét tuyển. Tuy nhiên, theo ghi nhận, gần một nửa số phương thức xét tuyển trên có số thí sinh nhập học rất ít so với chỉ tiêu (dưới 1%); thậm chí có phương thức có kết quả thí sinh nhập học là “zero”.

Việc có quá nhiều phương thức tuyển sinh khiến phụ huynh, học sinh rối bời. Nhiều người ví như “ma trận” khiến thí sinh đăng ký nhầm. Cũng là dễ hiểu và có thể thông cảm cho thí sinh, bởi nhiều phương thức xét tuyển có tên gần giống nhau, nội hàm na ná.

Mùa tuyển sinh năm trước, cũng có thí sinh nhầm từ xét kết hợp điểm thi tốt nghiệp THPT với chứng chỉ IELTS thành kết hợp kết quả học tập THPT (học bạ) với chứng chỉ IELTS. Chúng ta đã từng chứng kiến có thí sinh gửi thư đến Bộ GD&ĐT để “cầu cứu” mong được giúp đỡ. Nguyên nhân cũng bởi thí sính “chót” đăng ký nhầm phương thức tuyển sinh.

Thực tế trên không chỉ gây khó khăn cho thí sinh, mà còn gây rắc rối cho toàn hệ thống. Vẫn biết, theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật này, các cơ sở đào tạo được tự chủ hoàn toàn việc xét tuyển; trong đó có việc lựa chọn phương thức tuyển sinh. Tuy nhiên, việc đưa ra quá nhiều phương thức là không cần thiết. Vì vậy, việc cân nhắc số lượng phương thức tuyển sinh là điều cần thiết.

Theo đó, các cơ sở giáo dục đại học cần phân tích, thống kê kết quả các phương thức xét tuyển; đánh giá kết quả học tập của sinh viên theo phương thức xét tuyển. Đặc biệt, loại bỏ các phương thức xét tuyển không hiệu quả; có phương án xét tuyển để đảm bảo công bằng giữa các phương thức xét tuyển.

Bên cạnh sự chủ động của các trường, tuyển sinh năm 2023, Bộ GD&ĐT cũng dự kiến phương án: Thí sinh đăng ký xét tuyển trên hệ thống theo mã xét tuyển/ngành đào tạo. Tức là, thí sinh không cần đăng ký phương thức xét tuyển. Qua đó, không chỉ tránh sự nhầm lẫn của thí sinh khi thực hiện đăng ký xét tuyển trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT, mà vẫn bảo đảm cho các em có thể trúng tuyển ngành học ưu tiên của mình.

Tại Hội nghị tuyển sinh năm 2023 do Bộ GD&ĐT tổ chức, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, Bộ sẽ tiếp tục nâng cấp hệ thống áp dụng công nghệ thông tin nhằm hạn chế các nhầm lẫn của thí sinh. Đồng thời, tăng cường một số giải pháp nhằm hỗ trợ tốt hơn cho công tác tuyển sinh và các thí sinh trong quá trình đăng ký xét tuyển. Toàn bộ quy trình tuyển sinh, từ xác định chỉ tiêu cho đến đăng ký nhập học sẽ được liên kết, tích hợp với Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành HEMIS.

Chúng ta đã có sự đột phá về chuyển đổi số trong công tác tuyển sinh. Điều này minh chứng qua việc lần đầu tiên thí sinh cả nước đăng ký xét tuyển bằng hình thức trực tuyến và tiến hành lọc ảo chung tất cả các phương thức xét tuyển. Năm nay, chủ trương này tiếp tục được kế thừa và phát huy. Bộ GD&ĐT khuyến khích các trường đơn giản hóa việc đăng ký xét tuyển và dự kiến thí sinh chỉ đăng ký xét tuyển theo mã xét tuyển/ngành, giảm tối đa nhầm lẫn và từng bước gỡ rối ren.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều tỉnh thành phía Bắc thiệt hại nặng nề sau bão Yagi. Ảnh: INT

Những siêu bão năm Giáp Thìn

GD&TĐ - Nhìn vào lịch sử những cơn bão lớn gây hậu quả nghiêm trọng, thật là trùng hợp khi chúng đang lặp lại theo chu kỳ 60 năm.

10 ngày phản công Kursk

10 ngày phản công Kursk

GD&TĐ - Sau gần 10 ngày phản công ở Kursk, quân Nga đã giành lại nhiều làng mạc và thị trấn, bản đồ khu vực kiểm soát của Ukraine đã bị thu hẹp đáng kể.