'Bộ lọc' của xét tuyển

GD&TĐ - Từ năm 2014, một số trường đại học, cao đẳng áp dụng phương thức xét tuyển bằng kết quả học tập ở THPT. Cho đến nay, số trường sử dụng phương án này tăng lên rất nhiều và trở thành một trong những phương án tuyển sinh chủ đạo.

Ảnh minh họa Internet
Ảnh minh họa Internet

Không khó hiểu khi phương thức xét tuyển qua học bạ được cả nhà trường và người học ưa chuộng. Nếu so với điểm số từ một kỳ thi duy nhất thì kết quả đánh giá trong quá trình học tập 3 năm ở THPT rõ ràng có những lợi thế. Với thí sinh, xét tuyển bằng học bạ có sức hấp dẫn lớn bởi nó không chỉ tăng thêm cơ hội trúng tuyển đại học, mà còn hạn chế được rủi ro có thể xảy đến trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT (ốm đau hoặc vì lý do nào đó không thể hiện hết được khả năng của mình trong 1 bài thi…). Kết quả trúng tuyển được công bố sớm (thời điểm này đã có hàng chục trường có kết quả tuyển sinh bằng học bạ) cũng là một lợi thế, làm tăng sức hấp dẫn của phương thức này.

Tuy nhiên, hạn chế của xét tuyển bằng học bạ là cách kiểm tra, đánh giá của mỗi giáo viên, nhà trường, từng vùng miền không đồng nhất, nên khó có thể nhận xét học sinh tương đương về điểm số cũng sẽ tương đồng về trình độ, sức học…; do đó ảnh hưởng đến việc bảo đảm công bằng.

Bên cạnh đó, việc ngày càng nhiều trường đại học sử dụng phương thức xét tuyển bằng học bạ, kể cả những trường lớn, cũng đem đến những lo ngại về việc xuất hiện tình trạng “chạy điểm”, “làm đẹp học bạ”. Đôi khi thầy cô “tặc lưỡi” vì tình thương đối với học trò; nhưng cũng có khi là bởi sức ép từ phía phụ huynh. Một số trường đại học năm nay lấy điểm chuẩn từ học bạ cao chót vót làm một lần nữa mối lo ngại này được dấy lên.

Trước thực tế này, các nhà trường, địa phương đã chủ động có động thái, giải pháp để ngăn chặn nguy cơ tiêu cực. Ngay từ tháng 3, Sở GD&ĐT Hòa Bình có văn bản gửi các nhà trường cảnh báo và đưa giải pháp nhằm tránh “bệnh thành tích” trong chất lượng giáo dục đại trà, không tương xứng với kết quả thi tuyển sinh, thi tốt nghiệp THPT. Các nhà trường được yêu cầu quản lý chặt chẽ hồ sơ theo dõi đánh giá kết quả học tập của học sinh, học bạ, không để xảy ra hiện tượng “xin điểm”, “chạy điểm”, “sửa chữa học bạ”...

Nhiều địa phương sử dụng cách ra đề kiểm tra chung và tổ chức kiểm tra với những quy định nghiêm ngặt. Có trường ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện khóa cột điểm ngay khi hết thời gian nhập điểm, ngăn chặn việc tùy ý sửa điểm; công khai minh bạch điểm số sau mỗi lần kiểm tra. Chấp nhận kết quả thực để từng bước phấn đấu đi lên bền vững là quyết tâm đúng đắn được không ít trường quyết tâm thực hiện…

Còn với các trường đại học, uy tín của hình thức xét tuyển bằng học bạ sẽ được kiểm nghiệm qua cả bộ lọc trước mắt và lâu dài. Trước mắt thông qua kết quả đối sánh giữa điểm thi tốt nghiệp THPT với kết quả học bạ mà Bộ GD&ĐT công khai sau khi điểm thi được công bố.

Lâu dài chính là qua quá trình đào tạo tại trường đại học - đây là kênh chính xác nhất giúp các trường đánh giá mức độ uy tín của phương thức xét tuyển bằng học bạ so với phương thức khác. Phương thức này còn tiếp tục được các trường áp dụng hay không, số lượng chỉ tiêu nhiều hay ít, phụ thuộc vào sự chính xác, khách quan trong đánh giá quá trình học tập của học sinh ở THPT.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ