Gỗ 'biết nói' qua đôi tay của già A Yứk

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -Từ những khúc gỗ vô tri, vô giác, già A Yứk đã biến hóa thành những bức tượng gỗ mộc mạc, gần gũi với đời sống người dân hay mặt nạ sống động, sử dụng trong các dịp lễ hội lớn trong làng.

Ông A Yứk với những bức tượng nhà mồ và mặt nạ gỗ.
Ông A Yứk với những bức tượng nhà mồ và mặt nạ gỗ.

Hơi thở qua từng thớ gỗ

Những ngày còn nhỏ, A Yứk (SN 1965, xã Ia Chim, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) đã theo cha tham gia các lễ hội trong làng nên quen với tiếng cồng, điệu chiêng.

Trong một lần góp mặt ở Pơ Thi - lễ bỏ mã của người Jrai tại Gia Lai, ông tận mắt nhìn thấy những bức tượng nhà mồ với nhiều hình dáng, cảm xúc khác nhau. Không những thế, chiếc mặt nạ mà người dân đeo khi biểu diễn khiến ông chẳng thể rời mắt.

Đến khi về làng, A Yứk nghĩ ngay đến việc đẽo tượng gỗ. Nhưng kinh tế gia đình khó khăn nên A Yứk chỉ có thể chặt mấy cây mít quanh nhà để đục, đẽo tượng.

Lần đầu tiên đôi bàn tay thô ráp đẽo tượng nhà mồ, A Yứk chọn khúc gỗ nhỏ rồi phác họa hình ảnh muốn đục lên. Chân giữ khúc gỗ còn tay A Yứk dùng đục và rựa đẽo từng miếng nhỏ theo hình đã vẽ.

“Những ngày đầu do chưa quen nên rựa đập trúng tay tôi liên tục. Phải mất hơn một tuần tôi mới hoàn thành sản phẩm đầu tay là một bức tượng người đàn ông khỏe khoắn. Thế nhưng, bức tượng vẫn còn thô và vô hồn”, A Yứk nói.

Sau vài tháng luyện tập với hàng chục sản phẩm hư, A Yứk đã tạo ra được những bức tượng nhà mồ có hồn với những hình ảnh gần gũi, dung dị với đời sống của bà con.

“Bằng những vật liệu thô sơ như rìu, rựa, đục nếu ai yêu thích, đam mê và có đôi bàn tay khéo léo sẽ thổi hơi thở cuộc sống thường nhật vào trong từng thớ gỗ, gợi tả thần thái nhân vật. Mỗi tác phẩm mang cảm xúc, mỗi dáng vẻ khác nhau vừa ẩn chứa hồn thiêng vừa như toát lên cốt cách con người, núi rừng Tây Nguyên”, A Yứk chia sẻ.

Thần thái trong từng mặt nạ

Mặt nạ gỗ thường được sử dụng trong những dịp lễ hội.

Mặt nạ gỗ thường được sử dụng trong những dịp lễ hội.

Khi đã thuần thục đục, đẽo tượng nhà mồ, ông A Yứk nghĩ đến việc làm mặt nạ gỗ để lễ hội trở nên sinh động, cuốn hút hơn. Thế rồi, ông lên rừng tìm cây keo, cây hoa mủ (Clâu ser) về làm nguyên liệu chế tác mặt nạ. Những loại cây này thân mềm dễ đục đẽo và nhẹ nên thuận tiện cho người dân khi đeo trên mặt.

Do không sử dụng các loại máy móc nên ông Yứk dùng đục, cưa, rựa để làm. Theo ông, phải đục đẽo thật nhẹ nhàng nếu không sẽ làm mặt nạ bị nứt, hư hỏng. Với những bộ phận chính trên mặt nạ như: Mắt, mũi, miệng, trán, má, cằm... được cách điệu bằng đường nét tinh tế.

Mắt của người già khác với mắt của trẻ con nên khi làm phải để ý và trau chuốt để mọi người có thể dễ dàng phân biệt. Ròng rã mấy tuần phác họa, đục đẽo những chiếc mặt nạ đầu tiên của ông được tặng cho đội chiêng trong làng. Khi hoàn thành đôi tay ông cũng đã phồng rộp, rươm rướm máu.

“Mỗi chiếc mặt nạ đều có hình thù và cảm xúc khác nhau. Mặt nạ đàn ông khác của phụ nữ. Mặt nạ đàn ông có râu, xương hàm to và vuông. Mặt nạ phụ nữ có tóc dài, cằm thon gọn mới thể hiện được sự dịu dàng, nét nữ tính. Tuy nhiên, chiếc mặt nạ phải càng xấu, quái dị mới được xem là đẹp”, A Yứk nói.

Theo ông A Yứk khó nhất khi làm mặt nạ là tạo dáng làm sao cho phù hợp với nhân vật mà mình muốn thể hiện. Đặc biệt để làm được hàm răng rất khó, đòi hỏi người thực hiện phải khéo léo, tỉ mẩn.

Mặt nạ của đàn ông và phụ nữ được ông A Yứk khéo léo tạo hình khác nhau.

Mặt nạ của đàn ông và phụ nữ được ông A Yứk khéo léo tạo hình khác nhau.

“Để làm ra một chiếc mặt nạ không hề đơn giản, đòi hỏi người thực hiện phải kiên trì, cẩn thận và có trí tưởng tượng phong phú. Mỗi ngày, tôi chỉ làm được khoảng 3 cái do ngồi lâu sẽ rất đau lưng.

Tuy kì công là thế nhưng mỗi chiếc mặt nạ tôi bán ra chỉ 90.000 đồng. Tôi không đặt nặng vấn đề kinh tế mà chỉ mong mọi người yêu thích và giữ gìn những nét văn hóa độc đáo này”, ông A Yứk nói.

Giờ đây, khi tóc đã ngả sang hai màu, ông A Yứk luôn đau đáu về việc tìm người gìn giữ và phát triển nghề truyền thống này. Thế nhưng, các con của ông cũng như lũ trẻ trong làng chẳng ai mặn mà. Chỉ còn lác đác vài người chạc tuổi ông tìm đến để học.

“Hiện nay, chỉ có 4 người xấp xỉ tuổi tôi đến học đục tượng gỗ và mặt nạ, còn lớp trẻ chẳng ai say mê. Tôi mong rằng, những bạn trẻ sẽ tìm hiểu và yêu thích nét đẹp văn hóa này để có thể gìn giữ, lưu truyền đến nhiều đời sau”, ông A Yứk tâm sự.

Bà Uông Thị Trang, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Chim, nhận xét, ông A Yứk là một trong những người còn lưu giữ nghề đẽo tượng nhà mồ và làm mặt nạ gỗ tại địa phương. Bên cạnh đó, nhiều người tìm đến ông để thuê làm mặt nạ gỗ và tượng nhà mồ. Hiện nay tại nhà ông A Yứk còn lưu giữ một số mặt nạ gỗ để sử dụng trong các lễ hội.

Theo bà Trang, hiện nay thế hệ trẻ không đam mê nghề tạc tượng và làm mặt nạ gỗ. Do đó, vừa qua địa phương đã đề xuất lên Phòng Văn hóa và Thông tin TP Kon Tum để có phương án hỗ trợ những người lưu giữ và truyền dạy lại nghề truyền thống này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lễ hội nhân dân

GD&TĐ - Tuần lễ du lịch Quảng Ngãi năm 2024 sẽ được bắt đầu vào ngày 22/4 tới.