Giúp tự tin với bài Ngữ văn tốt nghiệp THPT

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Cô Nguyễn Thị Giang Hương, Trường THPT Trần Quang Khải (Khoái Châu, Hưng Yên) lưu ý giúp thí sinh tự tin với bài Ngữ văn tốt nghiệp THPT năm nay.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: Hải Bình.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: Hải Bình.

Có nhiều cách để học sinh học, ôn tập, củng cố kiến thức. Song, xuất phát từ đặc trưng của môn Ngữ văn, về yêu cầu chung, học sinh cần đọc kỹ lại các tác phẩm trong sách giáo khoa; thường xuyên xem lại nội dung thầy cô đã dạy, ôn tập theo cách sơ đồ hoá lại từng phần, từng ý; nắm chắc kỹ năng làm bài từng dạng đề.

Để bài làm được điểm cao thì không thể thiếu việc rèn luyện hằng ngày. Khi luyện viết, luyện nhiều dạng đề hằng ngày sẽ đồng nghĩa với việc học sinh nắm chắc các cấu trúc riêng của chúng. Nhờ vậy, bước vào phòng thi các em sẽ tự tin hơn.

Với phần Đọc hiểu, cô Nguyễn Thị Hương Giang lưu ý thí sinh cần nắm vững yêu cầu cơ bản là “nhanh, đúng, trúng, đủ”. Đồng thời, hiểu rõ cách đọc đề, triển khai đáp án ngắn gọn, dễ hiểu, logic, chặt chẽ.

Việc nắm được cách làm của từng dạng đề là rất quan trọng. Cụ thể có một số dạng câu hỏi/ yêu cầu: Tìm và chỉ ra tác dụng của biện pháp tu từ; giải thích câu; đồng tình hay không đồng tình với ý kiến…; rút ra thông điệp/bài học… Mỗi yêu cầu trên, giáo viên hướng dẫn kỹ cho học sinh, giúp các em nhận diện và phân loại nhanh chóng dạng đề đặc trưng.

Với phần nghị luận xã hội, thí sinh cần xác định đúng vấn đề cần bàn luận; xác định được các luận điểm, luận cứ, thao tác xây dựng đoạn văn và đảm bảo đúng bố cục, kết cấu đoạn.

Câu nghị luận văn học: Thí sinh đọc, phân tích kỹ đề. Đây là bước quan trọng để hiểu cần triển khai ý ra sao, viết bài theo hướng nào, phân tích kỹ những từ khóa.

Trước khi làm bài, hãy ghi ra sẵn dàn ý và sắp xếp các luận điểm, luận cứ theo một trình tự hợp lý nhất để tránh tình trạng sót ý hay thừa ý. Chú trọng “4 hay; 1 đủ, đúng”, cụ thể:

Mở bài hay giúp người đọc cảm thấy ấn tượng và muốn đọc tiếp những đoạn về sau hơn. Học sinh trong quá trình ôn tập ở từng văn bản, thể loại cụ thể, có thể viết mở bài rồi sau đó áp dụng biến tấu theo yêu cầu đề, tránh mất thời gian quá nhiều.

Nên học cách mở bài gián tiếp, có thể dùng một câu thơ hay lời văn, câu danh ngôn của các tác giả nổi tiếng trong và ngoài nước có ý nghĩa gần gũi với tác phẩm được đề cập trong đề thi nhằm tạo ấn tượng ngay từ đầu với giám khảo và dành điểm sáng tạo.

Mở đầu thân bài hay, ấn tượng giới thiệu khái quát các vấn đề chung như: hoàn cảnh sáng tác, ý nghĩa nhan đề, tình huống…

Cuối thân bài hay: đánh giá chung về những sáng tạo nghệ thuật, nếu có ý phụ thì triển khai thành một luận điểm.

Kết bài hay, ấn tượng, theo hướng mở, đánh giá những đóng góp và khẳng định vị thế của tác giả trong tiến trình phát triển của văn học Việt Nam.

Cuối cùng là triển khai đủ, đúng các ý liên quan đến vấn đề nghị luận.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: Hải Bình.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: Hải Bình.

Cô Nguyễn Thị Giang Hương cũng lưu ý khi làm bài hạn chế tẩy xóa, tránh các lỗi sai về chính tả, ngữ pháp, câu văn không đúng ngữ pháp, diễn đạt ý rõ ràng, không gây hiểu lầm cho người đọc. Câu văn sau phải làm rõ ý cho câu văn trước. Viết đủ ý quan trọng hơn viết dài. Phân bố thời gian hợp lý giữa các phần.

Sáng tạo trong bài thi sẽ mang lại điểm cao. Chọn lối diễn đạt, dẫn chứng, bố cục, luận điểm, ngôn từ, đa dạng hóa kiểu câu. Nên dùng thêm câu phức, cảm thán, câu hỏi tu từ nhằm tạo ra giọng điệu mới, sử dụng các dẫn chứng thực tế, gần gũi để so sánh và làm nổi bật hơn tác phẩm được yêu cầu phân tích...

Việc chuẩn bị tinh thần thoải mái, tránh bị áp lực khi vào phòng thi cũng không kém phần quan trọng để giúp làm bài hiệu quả cao.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ