Học trò và muôn chiều áp lực
Ở lứa tuổi học sinh, các em còn phụ thuộc vào cha mẹ cả về vật chất lẫn tinh thần. Mặc dù, học tập được xác định là nhiệm vụ chính nhưng thông thường trẻ luôn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức và áp lực đến từ phía gia đình, nhà trường và xã hội. Đôi khi những thứ gọi là “áp lực” với học trò chỉ đơn giản đến từ những câu nói hay hành xử của bạn bè, thầy cô, cha mẹ khiến các em phải suy nghĩ. Lâu dần, những đơn giản tích tụ lại sẽ trở thành những điều phức tạp và khó gỡ nếu không được giải tỏa kịp thời.
Chị Phương Anh (quận Long Biên – Hà Nội) chia sẻ: Tôi có con trai đang học lớp 5. Cháu vốn hiếu động, lơ là trong học tập nên khiến các cô giáo khá vất vả. Sau những nhắc nhở, phối hợp chặt chẽ giữa giáo viên chủ nhiệm và gia đình, từ một đứa trẻ tưởng như không biết nghe lời cháu trở thành một học sinh biết xác định mục tiêu học tập và ý thức rèn luyện cải thiện rõ rệt.
Nhớ lại giai đoạn “khủng hoảng” của con, chị Phương Anh kể: Năm cháu học lớp 3, lớp 4, ngày nào tôi cũng nhắc nhở con phải ngoan, giữ trật tự và tập trung trong giờ học nhưng hầu như không ngày nào không có chuyện. Hôm thì trêu bạn, đánh bạn, ngày thì chạy vòng trong lớp không tuân thủ chỉ dẫn của cô giáo bộ môn. Bản thân con bị “kiện cáo” nhiều lại càng phản ứng tiêu cực. Con bị đóng mác học dốt, hay đánh bạn, hư hỗn với giáo viên… khiến bố mẹ cũng ngại ngùng khi tiếp xúc với các phụ huynh cùng lớp. Đỉnh điểm là mẹ phải tự rút khỏi nhóm Zalo của lớp vì phải nghe những lời miệt thị, chỉ trích nặng nề của các phụ huynh khác.
Đó là câu chuyện chắc hẳn không chỉ riêng của chị Phương Anh. Tuy nhiên, sự khủng hoảng và nổi loạn của học trò có khi là việc đơn giản nhất trong số những vấn đề thường gặp khiến học sinh có thể rơi vào biến cố. Có những học sinh sa sút tinh thần sau cú sốc mất người thân, cha mẹ ly tán hay bị phá sản, rất cần sự động viên, chia sẻ kịp thời của các thầy cô giáo.
Sau đợt lũ lụt lịch sử vừa qua, nhiều học sinh ở tỉnh Quảng Nam bỗng trở thành trẻ mồ côi, gia đình không còn tài sản, cuộc sống khốn khó. Theo chia sẻ của ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam, hơn lúc nào hết, sự động viên chia sẻ của thầy cô có ý nghĩa vô cùng lớn lao, dìu các em vượt qua đau thương.
“Mất mát của các em là quá bất ngờ, quá lớn. Sự quan tâm, động viên, an ủi của các thầy cô và bạn bè cũng chỉ mang tính chất chia sẻ nhưng vô cùng cần thiết để giúp các em chống chọi với “bão đời”. Cán bộ, giáo viên các trường học có HS có người thân bị nạn trong lũ lụt đã chia nhau chăm sóc HS bị thương đang điều trị tại bệnh viện, sát cánh cùng HS trong đau thương, mất mát, nhận đỡ đầu để các em có thêm một gia đình, một chỗ dựa tinh thần. Việc học tập, sinh hoạt của các em, ngoài sự hỗ trợ về mặt chính sách của Nhà nước còn nhận được sự giúp đỡ, sẻ chia tích cực từ các thầy cô giáo.”, ông Hà Thanh Quốc cho biết.
Thầy cô - điểm tựa vững vàng
Chia sẻ quan điểm về vấn đề giáo dục toàn diện học sinh, cô Trần Thị Bích Hợp – Hiệu trưởng Trường THPT Đống Đa, Hà Nội cho rằng: Giáo viên không chỉ đến lớp dạy hết tiết rồi về mà còn phải gắn bó, gần gũi với HS, từ đó nắm bắt được những tâm tư, tình cảm mà các em đang gặp phải để có biện pháp giáo dục, dạy làm người. “Học trò chịu ảnh hưởng từ cách ăn, nói và cách đi đứng của người lớn nên trước hết, thầy cô giáo phải là những mẫu mực. Hơn nữa trong dạy làm người, cá nhân tôi luôn đặt mình vào vị trí cha mẹ của các em để có phương pháp giáo dục tốt hơn”, cô Hợp nhận định.
Thực tế, ngoài cha mẹ, thầy cô là người gần gũi và có ảnh hưởng lớn nhất tới mỗi học sinh. Ở nhà, trẻ ảnh hưởng từ cha mẹ, đến trường chúng học hỏi từ thầy cô. Bởi vậy, người có thể giúp học sinh vượt qua các biến cố tâm lý hay những khủng hoảng trong cuộc sống chính là thầy cô và cha mẹ của mình. Với học trò, người dễ nghe chúng dãi bày tâm tư hơn là các thầy cô giáo. Sự kiên nhẫn, kiên trì và kiên định cũng như niềm tin của thầy cô sẽ “cứu rỗi” những suy nghĩ lệch lạc và nổi loạn. Những nỗi niềm trẻ cảm thấy phải chịu đựng trong gia đình, chỉ thầy cô là người tin cậy để chúng sẻ chia. Vì vậy, thầy cô chính là chỗ dựa tinh thần, nơi học trò trao gửi niềm tin và được tiếp thêm động lực.
TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội đồng giáo dục, đồng sáng lập Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, từng chia sẻ: “Chúng tôi tiếp nhận tất cả học sinh gặp khó khăn, từ trường khác loại ra. Hằng năm, trường đều tiếp nhận khoảng 20 - 30% học sinh khó khăn về hoàn cảnh sống; có cá tính mạnh, lệch chuẩn nhận thức, hành vi; học lực yếu, không có động lực học; chưa chiếm được niềm tin của gia đình, nhà trường, xã hội... Sau 30 năm, chúng tôi đã tổng kết được một mô hình giáo dục không chọn lọc đầu vào, đó là phải có triết lý giáo dục nhân văn: Nhân cách không chỉ được hình thành bởi những gì nghe và nói, mà chủ yếu phải được hình thành bởi chính sự nỗ lực hành động của mỗi cá nhân”.
Rõ ràng, để thành công trong giáo dục toàn diện con người, các nhà giáo dục phải chăm chú và dành tâm huyết cho học sinh. Mỗi nhà giáo cần lắng nghe học sinh và phụ huynh không chỉ bằng tai mà còn bằng mắt, con tim của mình để có những hành xử phù hợp. Khi thầy cô là điểm tựa vững vàng về tri thức và tinh thần sẽ góp phần chắp thêm đôi cánh rộng cho những giấc mơ học trò bay cao, bay xa hơn.