Giúp trẻ thành công trong học tập: Vai trò lớn từ cha mẹ

GD&TĐ - Hãy khích lệ con em, thay vì chỉ trích- đó là lời khuyên tới các bậc phụ huynh của những người vượt được qua thất bại để đạt thành công vượt trội. 

Cha mẹ thường mong con học giỏi, nhưng đôi khi cũng cần giúp con vượt qua thất bại để thành công hơn về sau
Cha mẹ thường mong con học giỏi, nhưng đôi khi cũng cần giúp con vượt qua thất bại để thành công hơn về sau

Một nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, não bộ con người không thể tiếp nhận những từ ngữ tiêu cực và phủ định mà nhiều phụ huynh vẫn hay dùng, như: “không”, “đừng, “cấm”. Trong khi đó, những câu khích lệ như: “Con sẽ làm được”; “Hãy cố lên”... lại có tác động rất tốt đối với ý thức của con trẻ.

Giúp trẻ thành công trong học tập

Chuyên gia giáo dục Lance G.King đã chia sẻ với phụ huynh trong một cuộc hội thảo do trường học ở Hà Nội tổ chức. Ông cho rằng, trẻ cần được khuyến khích tự đặt mục tiêu và mục tiêu càng cao thì càng tốt.

Cha mẹ cần giúp trẻ đặt mục tiêu cho chính bản thân trẻ, chứ không phải mục tiêu cho cha mẹ. Quá nhiều bậc cha mẹ đã tham vọng và đòi hỏi của họ là điều mà trẻ phải cố gắng hướng tới. Nhiều bậc cha mẹ “áp đặt” mục tiêu cho con trẻ  không hiểu rằng vai trò của phụ huynh là giúp đỡ, thúc đẩy để trẻ có thể đạt mục tiêu cao nhất, chứ không phải để buộc trẻ phải đạt được mục tiêu đó. 

Ngoài học kiến thức chúng ta cần trang bị cho học sinh những kỹ năng có thể đáp ứng với sự thay đổi trong tương lai để đi tới thành công. Các kỹ năng đó gồm kỹ năng về nhận thức (tư duy phản biện, sáng tạo, giải quyết vấn đề, các kỹ năng học tập, thi cử); Kỹ năng về tính cách (kiểm soát áp lực, tự tạo động lực, chú tâm, kiên cường, chính trực, can đảm và kiên định). 

Cũng nói với các phụ huynh về vấn đề này trong một dịp tiếp xúc tại Hà Nội, Adam Khoo (1 trong 25 người giàu nhất dưới tuổi 40 của Singapore) nhấn mạnh: Xác định rõ ràng mục tiêu sẽ giúp trẻ có thêm động lực, các phụ huynh cũng nên cùng trẻ đặt những mục tiêu khó hơn để đưa trẻ ra khỏi “vùng an toàn”, từ đó nâng cao cơ hội thành công hơn. 

Khi đã có mục tiêu rõ ràng, trẻ cần học những phương pháp để chiến thắng mục tiêu một cách thông minh. Lời khuyên của Adam Khoo với các HS là nên bắt tay vào việc theo đuổi mục tiêu càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, đôi khi nỗ lực của trẻ sẽ không mang lại kết quả như mong muốn. Những cá nhân kiên trì và tỉnh táo sẽ biết tìm nguyên nhân thất bại để điều chỉnh và thành công.

Bà Nguyễn Minh Thuý (Hiệu trưởng trường Nguyễn Siêu, Hà Nội) chia sẻ với PV Báo GD&TĐ: “Theo tôi, điểm số không nói lên tất cả, với HS phổ thông hiện nay, nhất là HS tiểu học và THCS, việc rèn luyện năng lực, phẩm chất vẫn phải được đặt lên hàng đầu.

Những kỹ năng, phẩm chất không thể hiện qua điểm số mà thể hiện qua thái độ, hành động của con trẻ. “Thái độ học tập” ở mỗi HS trước hết phải có thái độ kính trên nhường dưới, “tiên học lễ”, từ thái độ biến thành hành động, kỹ năng, mà ở đây chúng ta đang cố gắng tiến tới là giáo dục dạy HS “cách” chứ không phải dạy “cái”.

Vậy chúng ta phải đánh giá kỹ năng của HS, hôm nay, thế kỷ 21, thì HS có biết cách giao tiếp với bạn bè không? Có biết cách học không? Có kỹ năng làm việc nhóm không?”

Giúp trẻ học cách đối diện với thất bại

Adam Khoo đã chia sẻ với các phụ huynh của một trường học ở Hà Nội về bí quyết giúp con thành công trong học tập. Adam Khoo cho biết bước ngoặt của cuộc đời đến từ lần được cha gửi vào một khóa học kỹ năng sống để tìm ra ý tưởng và phương pháp thay đổi cuộc sống, sau khi cha Adam Khoo cảm thấy bất lực với cậu con lười học.

Từ khóa học này, lần đầu tiên Adam Khoo nhận ra “con người thành công” bên trong mỗi cá nhân và tìm cách giải phóng “con người thành công” của chính Adam Khoo bằng 3 điểm then chốt: Đặt mục tiêu rõ ràng; đạt bằng được mục tiêu; đối mặt với thất bại. 

“Điều duy nhất kìm hãm chúng ta là những niềm tin sai lầm và thái độ tiêu cực”- Adam Khoo nhận thức. Chính từ nhận thức này mà thời học phổ thông ông đã có bước chuyển biến ngoạn mục: Từ một học sinh cá biệt, Adam Khoo trở thành học sinh giỏi nhất trường trong vòng 1 năm.

Chính mục tiêu tưởng như viển vông đó đã tiếp thêm cho Adam Khoo rất nhiều động lực, định hướng những việc phải làm và tránh xa những thứ gây xao nhãng như video game, tivi, internet… Sau 1 năm, Adam Khoo đạt được tiến bộ vượt bậc, nằm trong Top 20 học sinh giỏi của trường.

“Để trẻ đối mặt với thất bại theo cách của người thành công thì cha mẹ cần ngồi cùng trẻ để tìm nguyên nhân thất bại và hướng dẫn trẻ đưa ra giải pháp khắc phục cho những mục tiêu sắp tới”- Adam Khoo chia sẻ bí quyết- “Hãy khích lệ thay vì chỉ trích”. 

Một nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, não bộ con người không thể tiếp nhận những từ ngữ tiêu cực và phủ định mà nhiều phụ huynh vẫn hay dùng, như: “không”, “đừng”, “cấm”. Trong khi đó, những câu khích lệ như: “Con sẽ làm được”; “Hãy cố lên”... lại có tác động rất tốt đối với ý thức của con trẻ. 

Theo Lance G. King, thất bại là điều có thể thường xảy ra, nếu có thái độ tích cực, HS sẽ dám thừa nhận thất bại, nhận trách nhiệm cho các hành động của mình; đồng thời tìm cách khắc phục thất bại để từ đó thay đổi, làm lại. 

Các bậc cha mẹ không nên quá sốt sắng, quá lo lắng trước thất bại của  con trẻ, thay vì cũng có suy nghĩ và thái độ không phù hợp thì các bậc cha mẹ hãy giúp trẻ trải nghiệm cảm giác thất bại, để trẻ trưởng thành hơn sau những thất bại. 

Nếu các bậc cha mẹ biết tạo cho con sự mạnh mẽ để can đảm bước qua thất bại và đón nhận thử thách mới, ắt hẳn mỗi HS sẽ thành công hơn sau những thất bại. “Kiên cường là đức tính tuyệt vời của mỗi con người, điều này hoàn toàn có thể nuôi dưỡng và rèn luyện”- Lance G. King khẳng định.

Để tránh cho HS những thất bại trong học tập, việc học theo kiểu “nhồi nhét” kiến thức không còn phù hợp với hiện nay. Thay vào đó nhà trường, GV, phụ huynh cần giúp HS tin rằng HS có thể đạt được thành công. Để đạt được thành công trong học tập, HS cần được trang bị phương tiện học tập phù hợp, bao gồm kỹ năng và chiến lược. Cần khuyến khích HS sẵn sàng hành động, mắc lỗi và lấy thất bại làm bài học.

Kể cả khi trẻ thất bại, theo Lance G. King, phụ huynh hãy giúp trẻ phân tích và thay đổi quá trình thực hiện, rồi làm lại. Việc này sẽ giúp trẻ tự học, tăng khả năng thích ứng và cải thiện cách xử lý của mình cho tới khi đạt được mục tiêu. Thất bại khi đó sẽ không phải việc quá tồi tệ, trẻ có thể thất bại mà không bỏ cuộc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ