Giúp trẻ 'tắt' đi những ký ức ám ảnh

GD&TĐ - Trong số các bệnh nhi của vụ cháy chung cư mini ở phố Khương Hạ (Hà Nội), nhiều em bị ảnh hưởng tâm lý, không trò chuyện, tinh thần suy sụp.

PGS.TS Trần Thành Nam.
PGS.TS Trần Thành Nam.

Trong số các bệnh nhi của vụ cháy chung cư mini ở phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân (Hà Nội), nhiều em bị ảnh hưởng tâm lý, không trò chuyện, tinh thần suy sụp.

Phóng viên Báo GD&TĐ đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Thành Nam - chuyên gia tâm lý, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) về phương pháp hỗ trợ tâm lý nạn nhân sau thảm họa.

Lắng nghe và đồng hành

- Sau thảm họa, biến cố, đặc biệt như vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội vừa qua, các nạn nhân, nhất là trẻ em, có nguy cơ rơi vào sang chấn tâm lý như thế nào, thưa ông?

- Sang chấn tâm lý ở trẻ em phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm cả tình huống hoặc bối cảnh trong các sự cố, thảm họa.

Nếu ở bên cha mẹ, các em có thể phản ứng bình tĩnh và vượt qua dễ hơn. Những đứa trẻ đã được chuẩn bị kỹ năng cho các tình huống giả định cũng sẽ làm chủ trải nghiệm tốt hơn. Ngoài ra, điều đó cũng phụ thuộc vào độ tuổi và sự phát triển tính cách.

Sau một tai nạn hay thảm họa như vụ cháy chung cư, những biểu hiện thường thấy nhất ở trẻ bị sang chấn tâm lý là: Dễ bị tổn thương, sợ hãi và lo âu; các ký ức xâm nhập mạnh mẽ; rối loạn giấc ngủ (mất ngủ); cảm giác tội lỗi/tự trách; tránh né mọi chi tiết gợi lại sự kiện; khó khăn trong việc tập trung; tức giận; buồn bã; đau cơ thể; các hành vi nhi tính (nhõng nhẽo, bám dính lấy người khác); thu mình, cắt đứt các mối quan hệ xã hội...

Tình trạng này có thể kéo dài trong thời gian ngắn khoảng một tuần đến một tháng, nhưng cũng có thể lâu hơn. Thậm chí, tình trạng này có thể kéo dài cả đời.

- Biện pháp nào giúp hỗ trợ tâm lý cho các nạn nhân sau thảm họa?

- Việc hỗ trợ tâm lý cho các nạn nhân sau tai nạn, thảm họa cần phải làm thận trọng. Cụ thể, cần tiếp cận nạn nhân một cách đầy tôn trọng. Nếu có thể, hãy tìm chỗ an toàn và yên tĩnh để nói chuyện. Giúp nạn nhân cảm thấy dễ chịu bằng những hành động nhỏ. Nếu nạn nhân đang bị sang chấn nặng, hãy cố gắng đừng để họ một mình và giúp họ trấn tĩnh.

Sau đó, người tiếp cận hỏi về những nhu cầu và mối lo lắng của nạn nhân. Tìm hiểu được điều gì là quan trọng nhất đối với họ lúc này. Từ đó, mới sắp xếp được các mối ưu tiên. Người hỗ trợ không nên ép buộc nạn nhân phải nói. Thay vào đó, hãy lắng nghe và giúp nạn nhân trấn tĩnh bằng việc ở bên đồng hành.

Việc sơ cứu cần giúp nạn nhân trấn tĩnh trở lại cả về trí óc lẫn cơ thể bằng cách giữ giọng nói nhẹ nhàng và bình thản. Cố gắng duy trì tiếp xúc mắt với nạn nhân. Nhắc nạn nhân rằng, rất nhiều người đang ở đó để giúp họ và họ đang được an toàn.

“Tắt” đi những hình ảnh kinh hoàng

- Nếu trẻ bị ám ảnh bởi một hình ảnh kinh hoàng trong đám cháy, thì phải làm sao, thưa ông?

- Với những ký ức xâm nhập kiểu hình ảnh này, chúng tôi hay sử dụng kỹ thuật màn hình. Cụ thể như sau: Hãy tưởng tượng trẻ đang nhìn vào một màn hình TV, màn chiếu phim hoặc máy tính. Hãy đem hình ảnh làm phiền trẻ trở lại và đặt nó trên màn hình trước mặt. Có thể mất một lúc để tìm lại và lấy nó đặt trên màn hình. Để ý xem nó có màu hoặc đen trắng. Trẻ có thể thay đổi màu sắc, làm nó xám hơn hoặc để nó chỉ có màu đen trắng.

Sau đó, trẻ có thể di chuyển để nhìn thấy hình ảnh từ một góc khác. Nếu khó, hãy thử một vài lần. Trẻ có thể nhìn nó từ bên trên hoặc phía cạnh? Hãy tưởng tượng trẻ đang ngồi với một cái điều khiển trong tay. Khi hình ảnh hiện ra trước mặt, hãy bấm nút tắt và tắt đi. Cho hình ảnh quay trở lại rồi bấm nút tắt lần nữa. Bật lại hình ảnh lên và làm như vậy một vài lần.

Việc này phải được làm thường xuyên để có hiệu quả. Hãy dành riêng một khoảng thời gian mỗi ngày để chơi với những hình ảnh. Việc này sẽ giúp trẻ có quyền kiểm soát những hình ảnh hơn là để chúng kiểm soát trẻ. Tốt nhất, nên thực hành trước khi đi ngủ.

Hãy nhìn vào ký ức xâm nhập trên màn hình một lần nữa. Trẻ có thể thấy trên TV, ta có thể chèn lên một hình ảnh nhỏ ở góc màn hình. Ví dụ, hình ảnh nhỏ có thể được đặt ở góc phải của màn hình.

Hãy đặt một hình ảnh đẹp vào góc màn hình để nó chiếm một khoảng nhỏ trong hình ảnh đau buồn kia. Khi đã làm xong, hãy để hai hình ảnh đổi vị trí. Để hình ảnh đẹp chiếm hầu hết màn hình, hình ảnh đau buồn ở góc phải. Hãy di chuyển hình ảnh đau buồn vào góc, rồi xuống góc dưới, góc trên bên trái. Sau đó, lấy hoàn toàn hình ảnh đau buồn đó ra khỏi màn hình. Có thể hình dung là tắt chương trình hình ảnh đau buồn và bỏ nó vào thùng rác.

Cách thức đó có thể giúp trẻ học tắt đi những ký ức xâm nhập hình ảnh.

Cần dạy trẻ cách “ngừng suy nghĩ”

- Nhiều trẻ không bị ám ảnh bởi hình ảnh sợ hãi, nhưng không thể kiểm soát suy nghĩ. Chúng ta cần làm gì để giúp trẻ?

- Với những suy nghĩ lo lắng bám dính lấy trẻ, nhà tâm lý cần dạy trẻ cách “dừng suy nghĩ”. Việc hướng dẫn trẻ dừng suy nghĩ có thể diễn ra như sau: Trẻ sẽ học cách để dừng suy nghĩ một cách tự động. Trẻ cần nhớ lại lần đầu tiên tập xe đạp.

Hầu như mọi người đều nghĩ nó hơi khó một chút. Nếu trẻ nghĩ nó rất dễ, vậy hãy thử thay bằng việc nghĩ là cháu học bơi. Cả bơi và tập đi xe đạp, đầu tiên, rất khó để tập trung, phải nghĩ về từng thứ phải làm.

Trên xe đạp, trẻ phải giữ thăng bằng trong khi vẫn phải đạp pê-đan. Có thể trẻ cần lắp thêm bánh xe phụ hoặc sự giúp đỡ của người lớn nữa. Sau một lúc, trẻ sẽ thấy dễ hơn. Nếu bây giờ đang đi xe đạp thì trẻ không cần phải nghĩ xem mình sẽ làm gì. Việc trước đó mình phải suy nghĩ rất nhiều bây giờ trở nên tự động.

Não dần có thể làm mọi việc tự động khi chúng ta tập luyện. Phương pháp này sẽ giúp trẻ dần dừng những suy nghĩ tiêu cực hoặc sợ hãi đến một cách tự nhiên. Song, trẻ phải luyện tập chăm chỉ.

Tiếp theo, trẻ hãy nghĩ đến một điều tồi tệ, hoặc đáng sợ, giơ ngón tay trỏ của mình ra khi nào sẵn sàng. Khi nào trẻ giơ ngón tay trỏ lên, chuyên gia tâm lý cần nói dừng lại. Lặp lại 5 - 6 lần. Tiếp theo, trẻ hãy ra lệnh cho chính mình dừng lại ngay khi có những suy nghĩ tiêu cực.

Hãy để trẻ tự làm 5 - 6 lần. Hãy chắc chắn rằng, trẻ cũng nói to lên là dừng lại. Như vậy, trẻ có thể có suy nghĩ này tự động. Điều quan trọng là trẻ cần tự luyện tập ở nhà. Mỗi lần có những suy nghĩ như vậy nảy ra trong đầu, nếu ở nhà hoặc trường, trẻ hãy tự ra lệnh “dừng lại”. Nếu ở một mình, trẻ có thể hét to lên thành lời. Nếu những suy nghĩ đó rất khó chịu và gây sợ hãi, trẻ có thể làm những việc khác.

Trẻ có thể tìm những suy nghĩ mạnh mẽ hơn, tốt hơn và nói với bản thân: “Mình đang làm tốt mà”; “Mình tuyệt đối an toàn”, “Mình có thể làm mọi việc”, “Mình có thể kiểm soát suy nghĩ của bản thân”, “Việc này sẽ tốt thôi”... Ngày hôm sau, cố gắng hét to “dừng lại” mỗi khi nghĩ đến. Não của trẻ sẽ dần nảy sinh cơ chế tự động và không nghĩ về nó nữa.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.