Tuy nhiên, do thiếu cơ chế và chế độ nên việc tư vấn tâm lý học đường vẫn còn những khoảng trống chưa thể lấp đầy.
Khoảng trống về nhân sự
Thời gian qua, công tác hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho học sinh được ngành Giáo dục các địa phương quan tâm. Phòng tư vấn tâm lý học đường được thành lập tại nhiều trường học. Nhận thức của lãnh đạo, cán bộ giáo viên về công tác tư vấn tâm lý cho học sinh được nâng cao. Đội ngũ giáo viên thường xuyên được tập huấn, bồi dưỡng về tư vấn tâm lý cho học sinh...
Những kết quả bước đầu đã góp phần phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp đối với học sinh đang hoặc có nguy cơ gặp phải khó khăn về tâm lý trong học tập và cuộc sống; giúp các em tìm ra hướng giải quyết phù hợp, giảm thiểu tác động tiêu cực có thể xảy ra.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho học sinh vẫn còn tồn tại một số khó khăn. Trong đó, việc truyền thông nâng cao nhận thức cho gia đình, cộng đồng, xã hội về sức khỏe tinh thần và tâm lý học đường chưa phong phú, đa dạng và hiệu quả. Cơ chế phối hợp giữa các lực lượng trong và ngoài nhà trường để thực hiện tư vấn tâm lý cho học sinh còn thiếu chặt chẽ.
Đặc biệt, công tác tư vấn tâm lý học đường ở trường đều do các thầy cô kiêm nhiệm, không có cán bộ tư vấn chuyên trách. Các thầy cô hầu như không chuyên sâu về tâm lý học, hơn nữa còn là giáo viên chủ nhiệm hoặc giáo viên bộ môn khiến cho học sinh ngại chia sẻ những khúc mắc, căng thẳng của bản thân, thậm chí lo lắng bị “lộ bí mật”…
Theo chia sẻ của một hiệu trưởng trường THPT ở TP Cần Thơ, nhà trường rất mong nâng cao năng lực của các thầy cô tham gia tư vấn, tạo niềm tin cho học sinh. Vì nhiều năm qua, giáo viên làm công việc kiêm nhiệm, đảm nhiệm nhiều vai cùng một lúc. Chỉ có một số giáo viên phụ trách trực tiếp được bồi dưỡng có chứng chỉ, nhưng vẫn không phải chuyên gia tư vấn tâm lý. “Điều chúng tôi mong mỏi nhất hiện nay là có nhân sự thuộc tổ tư vấn học đường là chuyên gia tâm lý để có thể giúp đỡ và hỗ trợ học sinh một cách chuyên nghiệp”.
Tâm lý tuổi học trò vô cùng đa dạng, bên cạnh nỗ lực của nhà trường, rất cần sự chung tay, góp sức của gia đình và xã hội để kịp thời uốn nắn, giáo dục các em. Theo cô Bùi Huỳnh Thơ, Hiệu trưởng Trường THCS Thái Văn Nam (huyện Gò Công Đông, Tiền Giang), tuổi mới lớn, các em thích khám phá, tìm hiểu nhiều vấn đề về giới tính, tình yêu học trò, kỹ năng sống, nghề nghiệp...
Chính vì vậy, công tác tư vấn tâm lý cho học sinh rất quan trọng. Tuy nhiên, ngoài giờ học, học sinh chủ yếu ở nhà và tham gia hoạt động ngoài xã hội. Do đó bên cạnh nhà trường tổ chức công tác tư vấn tâm lý cho học sinh, rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các giáo viên tư vấn tâm lý với gia đình, đặc biệt là cha mẹ, bạn bè, người xung quanh các em.
Trao đổi về công tác tư vấn, hỗ trợ tâm lý học sinh, ông Nguyễn Hữu Nhân, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD&ĐT TP Cần Thơ), cho biết: Để nâng cao chất lượng tư vấn, hỗ trợ tâm lý học sinh, mỗi trường nên có một chuyên gia tâm lý được đào tạo chuyên ngành. Chuyên gia này hằng năm cần bổ sung, cập nhật kiến thức về tư vấn tâm lý trường học. Đồng thời, vị trí tư vấn tâm lý học đường cũng có biên chế để phát huy vai trò.
Bên cạnh đó, các trường đại học cần đẩy mạnh đào tạo chuyên ngành tư vấn tâm lý cho trường phổ thông. Công tác phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh, các đoàn thể địa phương trong việc tư vấn, hỗ trợ tâm lý học sinh cần thiết được tăng cường…
Hoạt động ngoại khóa sân khấu học đường tổ chức tại Trường THPT Đoàn Văn Tố (Sóc Trăng). |
Nhận thức đúng vai trò
Để công tác hỗ trợ, tư vấn tâm lý học đường phát huy hiệu quả, TP Cần Thơ chủ động xây dựng phòng tư vấn tâm lý học đường và tổ tư vấn tâm lý trường học. Theo ông Nguyễn Hữu Nhân, trong quá trình phát triển, các em đối diện với thay đổi về thể chất cũng như môi trường sống và học tập. Phải điều chỉnh hành động, ứng xử các tình huống nên nhiều em cảm thấy bất an, lúng túng, mất phương hướng.
Việc tư vấn, hỗ trợ tâm lý học đường sẽ giúp các em có kỹ năng, kiến thức và giải pháp ứng xử với các tình huống… Đến nay, 100% trường học ở TP Cần Thơ đều có phòng tư vấn tâm lý và tổ tư vấn tâm lý. Bước đầu các phòng tư vấn, tổ tư vấn học đường phát huy hiệu quả, hiện tượng tiêu cực do tâm lý của học sinh ngày càng được khắc phục.
Theo đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang, nhiều trường trên địa bàn tỉnh đã thành lập phòng tư vấn tâm lý học đường để kịp thời gỡ rối các vấn đề về tâm lý cho học sinh. Đặc biệt là sau khoảng thời gian học trực tuyến do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ đến tâm lý, sức khỏe của học sinh. Không ít học sinh khi trở lại trường sau kỳ nghỉ dài có biểu hiện của trầm cảm, dễ bị kích động… Đây là vấn đề đáng lo lắng, cần phát hiện và sớm đưa ra giải pháp giải quyết kịp thời.
Trên thực tế, việc tư vấn tâm lý học đường không phải đến khi xảy ra sự việc mới dùng giải pháp can thiệp, mà đây là việc làm thường xuyên trong các trường học. Nhiều trường học ở Tiền Giang đã đề cao vai trò của giáo viên chủ nhiệm, vì đây là những người thường xuyên gần gũi, chăm lo, tiếp xúc nhiều với học sinh.
Tại Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (TP Mỹ Tho, Tiền Giang), trong quá trình dạy học, nhà trường, giáo viên chủ nhiệm nắm bắt tâm lý, nguyện vọng của học sinh. Từ đó kết hợp với các bộ phận có liên quan kịp thời giải quyết các vấn đề, vụ việc. Bên cạnh công tác tư vấn tâm lý, nhà trường còn có mô hình Hộp thư xanh và Hộp thư điện tử, là những địa chỉ đáng tin cậy để gỡ rối tâm lý cũng như các vấn đề học tập cần thiết cho học sinh...