Đây là tính cách xuất hiện hầu hết ở trẻ nhỏ từ 6 tháng đến 3 tuổi, vì thế giới xung quanh còn quá mới mẻ và lạ lẫm với chúng, các bé sẽ có xu hướng gần gũi với những người thân quen nhất. Trẻ cảm thấy gượng gạo và căng thẳng mỗi khi trở thành trung tâm của sự chú ý, kể cả khi đó là sự chú ý tích cực…
Theo lẽ tự nhiên, khi trẻ được hơn 3 hoặc 4 tuổi sẽ bắt đầu có nhu cầu vui chơi và tương tác với bạn bè đồng trang lứa. Nhưng nếu lúc này tính nhút nhát vẫn tiếp tục kéo dài, thì chúng ta cần có phương pháp tích cực để thay đổi trẻ.
Nhiều bé học hành rất thông minh, khi ở nhà cùng ba mẹ thì nói năng trôi chảy và tiếp thu rất nhanh, thậm chí còn hay vặn vẹo bố mẹ. Nhựng khi ra ngoài, hoặc có khách tới chơi nhà thì trở nên rụt rè, hay sợ, không hòa nhập cùng người khác được.
Tìm hiểu nguyên nhân
Nhiều trường hợp, trẻ muốn chủ động làm một điều gì đó, nhưng thay vì tập trung vào những điểm tích cực đã làm được, thì bé lại nhận được những lời bình luận không hài lòng. Ví dụ như muốn tự rót nước mời mẹ nhưng bé chưa đủ khéo để rót nước vào cốc mà không đổ ra ngoài.
Nếu cha mẹ tâm lý thì sẽ khen con là: “Con tôi đã lớn rồi, con đã biết rót nước mời mẹ rồi, lần sau con đỡ tay phía dưới bình nước thì sẽ rót được khéo hơn không bị tràn ra ngoài con nhé”. Nhưng có thể nhiều cha mẹ ngăn cản ngay bằng những câu như: “Thôi để đấy! Lại đổ tràn ra ngoài rồi thấy chưa!…”.
Những lời nói không hài lòng như vậy một mặt làm trẻ không biết phải làm thế nào cho đúng, mặt khác làm cho trẻ học được cách để tránh bị phê bình là không làm gì cả, không tham gia gì nữa.
Ngược lại, cha mẹ chăm bẵm con quá cũng sẽ khiến con bị thiếu tự tin. Việc gì bé làm cũng khiến cha mẹ cảm thấy lo lắng và luôn muốn giúp đỡ, mỗi lần vấp ngã ba mẹ chạy lại bế lên dỗ dành, ba mẹ chăm sóc hoàn toàn từ A – Z…
Do nhận được quá nhiều sự bao bọc trong gia đình, trẻ chưa tự chủ động làm một cái gì mà không có sự theo dõi và chỉ bảo của người lớn. Điều này khiến trẻ không tự tin một chút nào nếu không có người lớn ở bên chỉ bảo.
Cách khắc phục
Đối với nhiều đứa trẻ nhút nhát, việc bạn nói bé “nhút nhát”, hay “lo lắng” hay “không dám” làm gì đó, chỉ khiến bé thêm mất tự tin. Vậy cha mẹ sẽ làm gì để giúp trẻ tự tin mạnh dạn hơn? Dưới đây là một số phương pháp giúp bé tự tin mạnh dạn trước đám đông mà các bậc cha mẹ nên tham khảo.
* Nói trước với mọi người về sự nhút nhát của trẻ
Theo các chuyên gia, những người xung quanh có tác động rất lớn đối với trẻ. Đối với trẻ quá nhút nhát, khi có nhiều người hỏi chuyện, hay nói to cùng một lúc có thể khiến bé sợ. Chính vì thế, bạn nên để mọi người biết trước tình trạng của bé, mọi người sẽ từ từ giúp bé thích nghi với môi trường mới.
* Để bé chơi với những trẻ khác
Khi ở nhà, bé thường chỉ được giao tiếp với người lớn. Bạn có thể đưa trẻ đi mẫu giáo, hay đến các sân chơi dành cho trẻ em. Một điều rất đặc biệt, là trẻ thường ít cảm thấy dễ dàng để nói chuyện, để chơi hay kết thân với những bạn nhỏ tầm tuổi của mình. Vì thế, nếu bạn không có nhiều thời gian và điều kiện để đưa trẻ đến sân chơi cho bé, bạn cũng có thể mời bạn bè của bé hoặc đưa bé sang chơi cùng trẻ em hàng xóm. Điều này rất tốt cho trẻ, giúp trẻ không còn cảm thấy nhút nhát hay sợ sệt nữa.
* Tạo cho bé cảm giác tin tưởng
Cha mẹ hãy thường xuyên hỏi bé “con cảm thấy thế nào” và “thế con muốn làm gì” để giúp bé lấy lại bình tĩnh, sau đó hiểu và giúp bé thực hiện điều bé muốn làm. Hoặc cha mẹ có thể nói với trẻ rằng, khi trẻ cảm thấy hồi hộp hay lo lắng, trẻ có thể nắm bàn tay lại hay “con hãy nghĩ, mẹ đang đứng cạnh con”…