Phòng chống quấy rối, xâm hại tình dục: Nỗ lực phá vỡ sự im lặng

GD&TĐ - Những phụ nữ chia sẻ câu chuyện của mình trong phong trào MeToo, những bà mẹ mạnh dạn đưa ra ánh sáng hành vi dâm ô, quấy rối tình dục của người khác với con của mình những ngày vừa qua khiến nhiều người giật mình bởi nạn bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái có mặt ở mọi hang cùng ngõ hẻm.

Phòng chống quấy rối, xâm hại tình dục: Nỗ lực phá vỡ sự im lặng

Theo nhận định của các chuyên gia Liên Hiêp Quốc, đã đến lúc phải quản lý, chấm dứt vấn đề này thông qua thay đổi văn hóa, quan niệm của người dân cũng như điều khoản trong hệ thống pháp luật theo hướng bảo vệ, tôn trọng nạn nhân.

Định kiến khiến nạn nhân bỏ cuộc giữa chừng

Liên tục xuất hiện thông tin, lời cảnh báo về tình trạng quấy rối, xâm hại tình dục trẻ em gái và phụ nữ. Đó là những người trưởng thành làm trong môi trường giải trí, là những em bé bị người lái xe ôm, hàng xóm, thậm chí là thầy giáo hay người thân có hành vi quấy rối bằng lời nói, hành động.

Theo quan niệm của nhiều người dân Việt Nam, tình dục là vấn đề tế nhị, nhạy cảm nên việc dạy những kỹ năng cơ bản nhất cho trẻ hay kiến thức về sức khỏe sinh sản, tình dục trong gia đình, nhà trường vẫn chưa thực sự được chú trọng. Đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều em bị quấy rối, xâm hại mà không hay biết; hoặc biết nhưng bị đe dọa nên không biết nói với người lớn thế nào. Tương tự với phụ nữ, do sợ mọi người chê cười, đánh giá nhân phẩm nên cố chịu đựng. Tất cả quan niệm, suy nghĩ trên đã góp phần không nhỏ cho hành vi quấy rối, xâm hại ngày một nở rộ.

Theo Điều phối viên thường trú Liên Hiêp Quốc tại Việt Nam, ông Kamal Malhotra, quấy rối và lạm dụng tình dục gây ra hậu quả tiêu cực về tâm lý, tinh thần và sức khỏe với các nạn nhân. Phần lớn người gây ra bạo lực là nam giới. Phụ nữ, trẻ em gái là đối tượng chính chịu tác động.

Nghiên cứu tại Thái Lan và Việt Nam do 3 cơ quan của Liên Hiêp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women, UNDP, UNODC) chỉ ra, ở Việt Nam, 86% nạn nhân được hỏi nói rằng họ biết người bị tình nghi là thủ phạm và 76% nạn nhân không có dấu hiệu thương tích rõ rệt. Bà Anna Karin Jatfors, Phó Giám đốc UN Women khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhận định: Cũng như ở Thái Lan, các nạn nhân của nạn quấy rối, xâm hại tình dục gặp phải không ít khó khăn trong hành trình tìm công lý. Đó là rào cản về chính sách, thực tiễn xã hội, pháp lý và thể chế. Hay những định kiến và khuôn mẫu đối với nạn nhân và kẻ được cho là thủ phạm như họ phải hành xử thế nào mới như vậy… khiến các nạn nhân mệt mỏi, chán nản, mất phương hướng dẫn đến bỏ cuộc giữa chừng.

Đã đến lúc phá vỡ sự im lặng

Ông Nick Booth (Cố vấn UNDP khu vực châu Á - Thái Bình Dương) cho rằng bạo lực tình dục là một trong những hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng nhất mà phụ nữ phải đối mặt. Các dịch vụ pháp luật tích hợp là thực sự cần thiết để những thủ phạm bị trừng phạt thích đáng.

Lý thuyết là vậy nhưng thực tế ở nước ta cho thấy, nạn nhân của tình trạng trên đang gặp không ít khó khăn trong việc nhận được sự trợ giúp, thái độ và sự phân biệt đối xử của cảnh sát và các nhân viên tư pháp được giao nhiệm vụ hỗ trợ. Theo bà Anna Karin Jatfors, ở Việt Nam và Thái Lan, việc bỏ cuộc diễn ra ở tất cả các giai đoạn của quy trình tố tụng hình sự, từ trình báo ban đầu đến điều tra, giai đoạn trước khi xét xử và xét xử. Tại đây, các nạn nhân thường phải kể đi kể lại vụ việc nhiều lần. Điều này khiến họ cảm thấy bị làm nhục và làm trầm trọng thêm những sang chấn về tâm lý, tăng khả năng muốn bỏ cuộc của nạn nhân…

Vậy làm thế nào để các nạn nhân tìm được công lý cho mình, các chuyên gia của UN Women khuyến nghị Việt Nam cần thiết lập dịch vụ tư pháp thiết yếu và có chất lượng cho nạn nhân, ưu tiên việc bảo vệ và hỗ trợ họ. Bên cạnh đó cần thúc đẩy hoạt động ứng phó tích hợp và có điều phối giữa ngành tư pháp hình sự, Chính phủ và xã hội dân sự.

Trước thực trạng các nạn nhân dám đứng lên chia sẻ câu chuyện của mình nhưng bị phủ nhận và coi thường, ông Kamal Malhotra cho biết: Việc chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ vào năm 2030 là cam kết mà tất cả các quốc gia đều đồng thuận. Để làm được điều này, cộng đồng, đặc biệt là các tổ chức, cơ quan chức năng phải có niềm tin ngay từ ban đầu, bằng việc cho phép nạn nhân kể những gì đã xảy ra với họ mà không bị đổ lỗi, kỳ thị hay sỉ nhục. “Chúng tôi sẽ hỗ trợ và khuyến khích Việt Nam tăng cường các nỗ lực để phá vỡ văn hóa im lặng và không bị xét xử nhằm đảm bảo vấn đề quấy rối tình dục không được dung thứ trong bất cứ hoàn cảnh nào, ở bất cứ nơi nào tại Việt Nam. Và pháp luật của Việt Nam cũng như việc thực thi pháp luật tuân theo những cam kết và nghĩa vụ quốc tế về quyền con người” - ông khẳng định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Mâu thuẫn nhỏ, hậu quả lớn

GD&TĐ - Không biết từ bao giờ, con người trở nên hung hăng, luôn giải quyết mâu thuẫn bằng những hành vi phi nhân tính.

Hyun Bin thừa nhận nghiện vợ con

Hyun Bin thừa nhận nghiện vợ con

GD&TĐ - Hyun Bin đã chia sẻ suy nghĩ của mình về cuộc sống hôn nhân và đưa ra cái nhìn sâu sắc hơn về những thay đổi mà anh trải qua kể từ khi kết hôn.