Đưa lớp học phòng chống xâm hại trẻ em về nông thôn

GD&TĐ - Với mong muốn học sinh vùng nông thôn nắm bắt được những kỹ năng phòng, chống xâm hại tình dục, cũng như nâng cao nhận thức của người dân về giáo dục giới tính, chăm sóc, bảo vệ con em mình trước nguy cơ bị xâm hại, giảng viên, sinh viên Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) tổ chức khóa học hè về kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em cho học sinh trên địa bàn huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam). 

Người dân địa phương mong muốn lớp học được nhân rộng.
Người dân địa phương mong muốn lớp học được nhân rộng.

Lớp học không chỉ mang lại những giá trị thiết thực cho con em học sinh, người dân địa phương, mà còn bước đầu tạo ra sự lan tảo sâu rộng trong cộng đồng dân cư, cộng đồng xã hội.

Học sinh, người dân phấn khởi đón nhận

Những ngày qua, khu Nhà văn hóa thôn Mỹ Phước (xã Duy Phước) rộn ràng, sôi động với những giờ học của học hè về kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em cho con em học sinh trên địa bàn. Với những nội dung giáo dục mang ý nghĩa thiết thực, đáp ứng được nhu cầu, mong muốn của con em học sinh và nguyện vọng của người dân, nên lớp học ngày càng thu hút đông đảo học sinh, phụ huynh tham gia đăng ký học tập.

Trực tiếp đứng lớp, phụ trách giảng dạy khóa học là giảng viên, sinh viên khoa Tâm lý giáo dục (Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng). Chương trình giảng dạy được tích hợp, chọn lọc từ đề tài nghiên cứu khoa học của giảng viên khoa Tâm lý giáo dục về giáo dục phòng ngừa xâm hại tình dục cho học sinh tiểu học. Chính vì vậy, các giờ học luôn diễn ra sinh động, hiệu quả, các em học sinh hào hứng đón nhận.

Chương trình tập huấn tập trung giúp các em học sinh hiểu biết cơ bản về giới tính và các cách phòng vệ tránh bị xâm hại. Từ đó, giúp các em tự tin hơn và có những ứng xử khéo léo, hợp lý khi bắt gặp những tình huống có thể bị xâm hại tìnhtrong cuộc sống hàng ngày. Lớp học cũng trang bị cho phụ huynh, người dân những thông tin nhận biết tình trạng bất ổn của con khi có chuyện không hay, các dấu hiệu trẻ em bị xâm hại và các tình huống xử lý khi phát hiện con bị xâm hại…

ThS. Lê Thị Lâm - giảng viên khoa Tâm lý giáo dục (Trường ĐH Sư phạm – ĐH Đà Nẵng) - người phụ trách chương trình khóa tập huấn cho biết, với mong muốn góp phần, chung tay cùng cộng đồng trong việc bảo vệ trẻ em trước rủi ro bị xâm hại tình dục, nhóm sinh viên tại khoa Tâm lý giáo dục đã có ý tưởng tổ chức các lớp học hè về phòng chống xâm hại trẻ em cho học sinh, nhất là học sinh ở vùng nông thôn, miền núi. Chính vì ý nghĩa nhân văn và hiệu quả thiết thực như vậy nên khi ý tưởng được đề xuất, lãnh đạo khoa Tâm lý giáo dục, Trường ĐH Sư phạm – ĐH Đà Nẵng đồng ý ngay. Đồng thời tiến hành hỗ trợ kinh phí, tổ chức tập huấn đội ngũ sinh viên cốt cán để triển khai chương trình ngay trong chiến dịch tình nguyện hè năm 2018.

Trực tiếp phụ trách nhóm sinh viên thực hiện khóa tập huấn phòng chống xâm hại trẻ em cho học sinh, sinh viên Nguyễn Văn Khánh – đang theo học năm 3 khoa Tâm lý giáo dục (Trường ĐH Sư phạm – ĐH Đà Nẵng) cho biết: Khóa học về phòng chống xâm hại trẻ em lần này dành cho đối tượng học sinh từ lớp 3 đến lớp 6, là con em vùng nông thông xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên.

Lớp học đầu tiên của khóa tập huấn có 54 học sinh đăng ký tham gia, nhưng đến các lớp học sau thì tăng lên đến 100 học sinh. Chúng em cảm thấy rất vui khi có những em học sinh ở nhiều nơi khá xa nhưng vẫn được bố mẹ đưa đến tham gia lớp học đều đặn, không bỏ học bất cứ buổi nào. Chính điều này đã tiếp thêm niền tin, động lực để chúng em nỗ lực hoàn thành tốt chương trình tập huấn, với kết quả cao nhất.

Lớp học diễn ra sinh động, hiểu quả với những kiến thức bổ ích về phòng tránh xâm hại trẻ em.
Lớp học diễn ra sinh động, hiểu quả với những kiến thức bổ ích về phòng tránh xâm hại trẻ em. 

Mong muốn được tiếp tục nhân rộng

Theo ThS. Lê Thị Lâm, mục tiêu của chương trình tập huấn là nhằm hình thành, rèn luyện kiến thức và kỹ năng cơ bản về phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em cho học sinh. Thông qua các khóa học này sẽ hình thành nhóm trẻ em, học sinh nòng cốt trong phòng ngừa với xâm hại tình dục trẻ em tại các địa phương, trường học. Qua đó, thu hút sự tham gia của phụ huynh, gia đình, cộng đồng trong hoạt động phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em. Đây cũng là một hoạt động mang tính chuyên môn trong đào tạo, trang bị kiến thức, kỹ năng thực hành nghề nghiệp cho sinh viên.

Là người tham gia khóa tập huấn về kiến thức, kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em, ông Nguyễn Văn Tố - người dân thôn Mỹ Phước (xã Duy Phước) phấn khởi: Lớp học đã giúp tôi hiểu được rằng, khi một đứa trẻ bị xâm hại, cho dù sau đó có được chữa chạy về cơ thể cũng không thể hết được những nỗi đau về tâm hồn. Các em sẽ bị một vết sẹo lớn về tâm lý và trẻ như trở thành một con người khác, một con người khuyết thiếu mà sau đó các em sẽ không bao giờ tìm lại được phần hồn đã mất của chính mình. Vì thế, chính các bậc phụ huynh cần phải trang bị đầy đủ kiến thức tâm sinh lý, cách xử lý tình huống trong những trường hợp con em có nguy cơ, bị xâm hại.

Còn ông Đặng Xuân Hồng – Phó Chủ tịch UBND xã Duy Phước (huyện Duy Xuyên) bày tỏ: Với những lợi ích thiết thực mà lớp học mang lại, chúng tôi mong muốn, trong thời gian đến, các khóa học tập huấn về trang bị kiến thức, kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em tiếp tục được triển khai nhân rộng trên địa bàn, nhằm đáp ứng nhu cầu của con em học sinh địa phương, cũng như nguyện vọng của người dân, phụ huynh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT

Đến với bài thơ hay: Ngọt ngào tình mẹ

GD&TĐ - Tôi thực sự ấn tượng với bài thơ “Trong lời mẹ hát” của Trương Nam Hương, như một bản nhạc du dương, êm dịu về tình mẫu tử thiêng liêng.