Để giúp trẻ trở nên thích ứng nhanh và hòa đồng với bạn bè hơn ai hết cha mẹ có vai trò quan trọng giúp con sửa đổi tính cách đó để bé dễ dàng hòa nhập vào xã hội.
Nỗi niềm cha mẹ
Nhiều phụ huynh cảm thấy lo lắng khi con đến trường mà không thích giao tiếp với bạn bè, mặc dù ở nhà con vẫn vui đùa với cha mẹ bình thường.
Chị Thu Phương (Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Con trai tôi năm nay học lớp 1, tôi rất lo lắng và buồn phiền khi nghe những phản hồi từ cô giáo về con mình như nhút nhát và không thích giao tiếp với bạn bè. Liệu con mình có gặp rắc rối về tâm sinh lí? Qua tư vấn bạn bè và người thân, tôi cho bé tham gia những lớp học thêm về năng khiếu tại Cung thiếu nhi, hướng con đến những hoạt động có sự tham gia của nhiều người. Lâu dần tôi cũng thấy con mình đỡ rụt rè hơn hẳn, cô giáo nói con đã tiến bộ hơn khá nhiều”.
Cùng chung tâm trạng, chị Nguyễn Thu Thảo (ngõ 1 Bùi Xương Trạch, Hà Nội) cho biết: “Con tôi ở nhà có chơi với bố, mẹ, nhưng khi đến trường thì lại là một con người hoàn toàn khác: ít cười, gần như không tham gia các hoạt động cùng các bạn nếu cô không lôi kéo... mỗi lần đưa con vào lớp xong tôi ra ngoài quan sát con ở lớp mà buồn lắm. Tôi đã nhờ cô giáo mầm non kèm con để con tham gia nhiều các hoạt động ở lớp hơn, đồng thời tôi cho con tham gia nhiều hơn các lớp ngoại khóa như học đàn, học vẽ, kỹ năng sống... Sau nhiều nỗ lực của gia đình và cô giáo, con tôi đã có những biến chuyển tích cực”.
Cha mẹ đồng hành cùng con
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Phượng, Hội Khoa học tâm lý, giáo dục Việt Nam, Giám đốc Trung tâm giáo dục hòa nhập trẻ em (Hà Nội), nguyên nhân dẫn tới việc không hòa đồng của trẻ có thể là các em thiếu tự tin, nhút nhát. Các em cảm thấy gượng gạo và căng thẳng mỗi khi trở thành trung tâm của sự chú ý, chẳng hạn như khi đứng trước đám đông. Trẻ nhút nhát chỉ cảm thấy an toàn khi quan sát mọi hoạt động từ bên ngoài chứ không thích tham gia.
“Gia đình và những người thân trong gia đình là những người thương yêu, đồng cảm, có thời gian gần gũi và hiểu trẻ nhất. Môi trường gia đình cũng là môi trường phù hợp có nhiều cơ hội để trẻ học hỏi, giao lưu, do vậy sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong giáo dục trẻ là vô cùng cần thiết”.
Cha mẹ nên hiểu điều đó và đừng bao giờ chỉ trích, thúc ép trẻ, thay vào đó hãy khuyến khích các em tham gia các trò chơi đội nhóm để hòa đồng hơn. Hoạt động ngoại khóa luôn là phương án hay rèn luyện cho các em tự tin, thân thiện, hòa đồng với bạn bè. Khi tham gia các hoạt động này, con bạn sẽ có cơ hội gặp gỡ và giao lưu với những người bạn có nhiều nét tương đồng. Bên cạnh đó, hoạt động ngoại khóa thường có nhiều trò chơi ngoài trời và sẽ thu hút các em và qua đó các em có thể kết bạn, chia sẻ với những bạn khác.
Nhiều bậc phụ huynh khi nói chuyện với bé thường không để ý đến cảm xúc của con mà cứ thao thao bất tuyệt, áp đặt con bằng những câu nói mẹ muốn con thế này, mẹ muốn con thế kia, con hãy thay đổi thói quen đó… Cha mẹ chính là tấm gương cho con noi theo. Vì, nếu bạn ít nói, sống khép kín thì không thể đòi hỏi ở bé sự quảng giao và thân thiện với mọi người xung quanh. Bố mẹ cần sống vui vẻ, quan hệ tốt với hàng xóm, thân thiện, hòa nhã với bạn bè và họ hàng.