Vì vậy ngoài việc chăm sóc trẻ thường xuyên chu đáo các chuyên gia tâm lý khuyến cáo các bậc cha mẹ nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng, tập luyện thể dục, thể thao và cho con đi khám sức khỏe định kỳ, giúp trẻ có một sức khỏe tốt nhất khi đến trường.
Lo lắng bữa ăn cho con
Chị Hằng (Hoàng Mai – Hà Nội) tâm sự: Năm học mới đến rồi, tôi rất lo lắng về sức khỏe của con, nhất là các bữa ăn ở lớp vì các con tôi đều rất lười ăn. Cháu lớn năm nay lên lớp 3, cháu bé học lớp mầm non 5 tuổi, cả dịp hè ở nhà bữa nào tôi cũng phải ép các con ăn từng miếng một thật khó khăn và mệt mỏi. Món ăn cho con, tôi thay đổi liên tục theo ngày mà con vẫn khó ăn, vậy đến lớp thì sao? Ở lớp, cô làm sao quan tâm như mẹ ở nhà được. Chính vì vậy tôi đã lo lắng khi năm học mới đang đến gần.
Cùng tâm trạng lo lắng vì con lười ăn, chị Yến (Cầu Giấy – Hà Nội) cho biết: Dịp hè vừa rồi chị bỏ công nấu nhiều món ăn ngon, bổ dưỡng để cho cô con gái rượu học lớp 4 ăn bù lại dịp trong năm học con gái kén ăn và lười ăn. Nhìn cháu gày gò, ốm yếu, học sinh lớp 4 mà nhỏ như học sinh lớp 1. Cả mấy tháng hè được mẹ chăm sóc, tẩm bổ cháu cũng chỉ lên được 2 kg. Học sinh lớp 4 rồi mà cũng chỉ được 27 kg. Thế nhưng cho ăn kiểu gì con cũng không béo được. Càng nhồi nhét con ăn nhiều đồ chất khiến con bị táo bón, tôi lại chạy đôn, chạy đáo tìm đồ mát về nấu cho con ăn.
Năm học mới đang đến gần chị Yến lo lắng, phân vân không biết nên cho con ở lại lớp ăn bán trú hay đón con về nhà ăn cơm trưa rồi chiều lại đưa con đến lớp...
Lo lắng vì các dịch bệnh ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ
Hiện nay thời tiết thất thường lúc nắng, lúc mưa, là môi trường lý tưởng cho các bệnh dịch bùng phát. Bệnh sốt xuất huyết hiện đang bùng phát ở nhiều nơi, nó tấn công cả người lớn và trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ nhỏ sức đề kháng kém hơn nên dễ mắc bệnh.
Chị Lan (Hai Bà Trưng – Hà Nội) kể: Tuần vừa rồi hai đứa trẻ nhà tôi cùng sốt cao, phải vào viện. Khi thấy sốt cao trên 40 độ C tôi chỉ nghĩ con sốt do vi rút nên chưa cho con đi khám ngay mà tự đi mua thuốc hạ sốt và kháng sinh về cho con uống. Nhưng sau hai ngày con vẫn không giảm sốt mà không rõ nguyên nhân, tôi sốt ruột đưa con ra viện khám mới biết con bị sốt xuất huyết. Vào viện tôi mới thấy trẻ con bị sốt xuất huyết nhiều bởi thời tiết Hà Nội dịp này mưa ẩm.
Nhìn hai đứa trẻ ốm, sốt mà tôi xót hết cả ruột. Tôi lo, năm học mới sắp đến rồi, hai đứa gầy ốm qua, phải tẩm bổ cho con thế nào để con sức khỏe tốt để sẵn sàng bước vào năm học mới.
Ngoài dịch sốt xuất huyết còn có các bệnh về hô hấp, sốt vi rút, tiêu chảy... Nhất là trong thời gian này, trẻ bắt đầu đến trường, tiếp xúc với nhiều bạn nên vi rút có thể lây lan từ các bạn sang. Cùng với đó là việc ăn uống, chăm sóc thay đổi. Ở trường trẻ phải tự ăn chứ không được dỗ dành cho ăn như ở nhà nên ở trường trẻ có thể ăn được bao nhiêu là do trẻ, cô không thể quán xuyến hết được.
Các bệnh dịch này luôn bùng phát khi thời tiết thay đổi khiến nhiều trẻ đến trường hay ốm. Chị Huyền (Hai Bà Trưng – Hà Nội) cho biết: Bé nhà mình mới 5 tuổi học mầm non, cháu rất hay ốm sốt nên mình rất lo lắng mỗi khi có ổ dịch bùng phát. Dịch sốt xuất huyết vừa rồi may mắn con mình không mắc, thế nhưng tháng nào cũng phải một vài lần con bị ốm sốt amidan hay sốt siêu vi rút và phải nghỉ học. Dịp hè vừa rồi mình cũng cho con ở nhà 1 tháng để nhờ bà ngoại chăm sóc, tẩm bổ cho con có thể lực tốt hơn trước khi vào năm học.
Cần có chế độ chăm sóc chu đáo, khoa học giúp trẻ khỏe mạnh
Giúp trẻ có đủ thể lực, sức khỏe, sẵn sàng bước vào năm học mới các bậc phụ huynh nên biết cách nuôi dưỡng, chăm sóc giúp trẻ có một thể lực tốt, kháng lại bệnh tật. Để làm được điều này, các bậc phụ huynh nên chú ý:
Các bữa ăn hàng ngày cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ. Theo các nhà Dinh dưỡng học cho biết: Một bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng khoa học, hợp lý không chỉ giúp trẻ khỏe mạnh về thể chất, minh mẫn về trí tuệ mà còn giúp cơ thể trẻ có khả năng chống vi khuẩn, virus gây bệnh.
Để trẻ được khỏe mạnh hơn, các bữa ăn ở nhà, cha mẹ nên bổ sung thêm đủ số dưỡng chất trong thực đơn hàng ngày như các loại rau, củ, quả, thịt, cá, trứng... và uống bổ sung thêm các vitamin. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh phải nhớ rằng số thức ăn đó phải đủ chứ không phải nhồi nhét thật nhiều thức ăn bổ dưỡng dẫn đến khó tiêu hóa.
Để nắm bắt được chế độ dinh dưỡng hợp lý, cha mẹ cần phối kết hợp với nhà trường để nắm bắt được tình hình con ăn uống ở lớp ra sao để có kế hoạch chăm sóc con. Việc làm này tưởng là nhỏ nhưng nó hết sức cần thiết giúp phụ huynh nắm bắt được tình trạng ăn uống, sinh hoạt của con trên lớp để kịp thời điều chỉnh chế độ dinh dưỡng ở nhà.
Cùng với chế độ dinh dưỡng cần thiết thì việc cho trẻ vận động thể thao như bơi lội, bóng đá, bóng chuyền... Đó cũng là điều hết sức cần thiết giúp trẻ phát triển vận động để có một thể lực dẻo dai, tinh thần sảng khoái để trẻ học tập tốt; là một sân chơi giúp trẻ thư giãn sau những tiết học căng thẳng; giúp trẻ tăng cường thể chất, tiêu hao năng lượng và ăn ngon miệng hơn.
Ngoài các chế độ chăm sóc chu đáo cho trẻ thì việc cho trẻ đi khám sức khỏe định kỳ là điều hết sức quan trọng. Bởi vì, cho con khám sức khỏe định kỳ, cha mẹ sẽ nắm được tình hình sức khỏe của con và có kế hoạch chăm sóc tốt, giúp con có một thể lực tốt để học tập.
Chẳng hạn như khám sức khỏe định kỳ cha mẹ có thể biết về chiều cao, cân nặng, tiêu hóa, mắt, răng miệng... có vấn đề gì cần điều trị hay bổ sung dinh dưỡng cho con để con phát triển khỏe mạnh.
Khỏe mạnh là yếu tố quan trọng hàng đầu giúp trẻ học tập tốt, vậy nên cha mẹ cần chú ý tới sức khỏe của con. Ngoài việc chăm sóc dinh dưỡng khoa học trong mỗi bữa ăn hàng ngày đảm bảo đủ cả chất và lượng thì việc chú ý đến thời tiết, dịch bệnh theo mùa cũng hết sức quan trọng cần thiết.
Hiện nay các ổ dịch bệnh như sốt xuất huyết đang bùng phát khắp nơi làm nhiều trẻ mắc bệnh trong khi năm học mới đang đến gần. Mong các bậc phụ huynh chú ý và biết cách chăm sóc, bảo vệ con mình, có gắng giảm thiểu số trẻ mắc bệnh để khỏi ảnh hưởng tới sức khỏe và học tập của các em, để các em có một sức khỏe tốt khi tới trường.q