Cùng con học kỹ năng sống

GD&TĐ - Hiện nay, bên cạnh việc trang bị cho con kiến thức, nhiều phụ huynh đã bắt đầu lưu tâm hơn về các lớp học năng khiếu, kỹ năng hay rèn luyện sức khỏe. Nhưng liệu những lớp học như thế này đã đủ cho sự phát triển của trẻ hay chưa?

Cùng con học kỹ năng sống

Học kỹ năng để tự bảo vệ mình

Hiện nay, tại Hà Nội và các thành phố lớn, các trung tâm, cơ sở mở lớp đào tạo kỹ năng sống cho trẻ “mọc lên như nấm”. Tại Hà Nội có Trung tâm đào tạo Kỹ năng sống của Tâm Việt (phố Đội Cấn, Ba Đình); Trung tâm phát triển tài năng trẻ em Smartkids (đường Trung Kính, Cầu Giấy)...

Tùy theo khả năng và nhu cầu của các em mà mỗi trung tâm có các khóa học riêng, với mức học phí khác nhau. Không chỉ mở lớp chiêu sinh vào dịp hè, hầu hết các trung tâm hiện có luôn lớp vào thứ Bảy và chủ nhật, cũng như lớp buổi tối để không trùng với thời gian học ở trường của các bé.

Anh Nguyễn Mạnh Thắng (ở phố Kim Mã, quận Cầu Giấy) cho biết, gần đây những vụ xâm hại tình dục trẻ em liên tiếp xảy ra, vợ chồng tôi quyết định cho con gái đi học lớp võ để có thể tự bảo vệ mình. Con gái tôi vốn rất nhút nhát và ngại giao tiếp, nhưng sau 7 tháng học ở đây, bé trở nên bạo dạn và hoạt bát hơn rất nhiều.

Chị Nguyễn Quỳnh Nga (Mỹ Đình) chia sẻ: “Một tuần hai buổi, sau khi kết thúc học ở trường, tôi lại tranh thủ chở con đến các trung tâm ngoại khóa để cho con học kỹ năng mềm.

Trong thời gian vừa qua có nhiều vụ học sinh đánh nhau, trong đó nhiều gương mặt áo trắng đứng nhìn và cười một cách vô cảm, đã khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng về tình trạng bạo lực học đường cũng như sự vô cảm trước cái xấu.

Tôi nghĩ, chỉ còn cách là trang bị cho con kỹ năng tự bảo vệ mình bằng các lớp ngoại khóa, lớp học kỹ năng có thể nâng cao chỉ số EQ (chỉ số cảm xúc) để tránh sự vô cảm, thờ ơ trước các thói xấu của trẻ em mà thôi”.

Gia đình là môi trường đầu tiên của trẻ

Chuyên gia tâm lý học Nguyễn Hương, Trung tâm nghiên cứu tâm sinh lí sức khỏe trẻ em cho rằng, ngày nay, xã hội phát triển, con phải học bán trú ở trường, rồi đi học thêm, thời gian rảnh rỗi thì ngồi máy tính, xem tivi…

Thời gian tiếp xúc với bố mẹ cũng rất hạn chế nên trẻ em ít có cơ hội trải nghiệm từ cuộc sống xung quanh. Nhiều em học ở trường có thể rất giỏi nhưng ra ngoài lại thành “gà công nghiệp”. Vì vậy, phụ huynh đổ xô đi tìm lớp kỹ năng sống cho con là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, do thời gian học của trẻ tương đối ngắn nếu không được trau dồi các kỹ năng thường xuyên thì các con sẽ rất dễ quên. Giáo dục kỹ năng sống cho trẻ không phải là việc làm ngay trong thời gian ngắn mà là cả một quá trình liên tục từ định hướng, củng cố, trau dồi và phát triển.

Để có được kết quả tốt nhất trong giáo dục kỹ năng sống cũng cần có sự phối hợp chặt chẽ và khoa học giữa nhà trường và gia đình; giữa giáo viên và phụ huynh.

Hiện nay, có nhiều phụ huynh chỉ trông chờ vào nhà trường giáo dục học sinh hoặc phó mặc con cho các trung tâm đào tạo kỹ năng sống, trong khi gia đình là môi trường tốt nhất để trẻ rèn luyện các kỹ năng sống thông qua tấm gương của các người thân trong gia đình.

“Để các em có thể thực hành được kỹ năng thì các em phải có môi trường thuận lợi, ở trường thầy cô khuyến khích, ở nhà cha mẹ cũng như vậy vì họ là môi trường đầu tiên nuôi nấng dạy dỗ các con” - Chuyên gia tâm lý học Nguyễn Hương cho biết.

Thực tế cũng đã cho thấy, kỹ năng của trẻ em Việt Nam kém hơn nhiều so với trẻ em nước ngoài, nhất là kỹ năng phát hiện, xử lý các tình huống nguy hiểm.                                                                                                                                                                                   Đến lúc cần hơn những giờ học mà trẻ có thể tự trang bị thêm cho mình những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống để phát triển bản thân một cách toàn diện nhất.                                                                                                                                                                                Với một số kỹ năng sống, nhà trường đưa vào chương trình dạy cho học sinh. Song, để biến thành kỹ năng thực sự, học sinh có thể vận dụng thành thạo trong đời sống hàng ngày, thì đòi hỏi gia đình phải hỗ trợ rất tích cực.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ