Báo cáo chỉ đề cập tới 1.447 trường tiểu học được Dự án hỗ trợ
- Có ý kiến cho rằng, Đánh giá tác động VNEN của WB chưa đề cập đầy đủ đến tất cả các trường hiện đang triển khai mô hình này, ông nghĩ sao?
Ngày 15/8/2017, trên trang web của Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố báo cáo đánh giá tác động của VNEN (gọi tắt là báo cáo). Đây là một báo cáo tốt có giá trị về mặt khoa học và có tác dụng khuyến cáo cho các nhà hoạch địch chính sách giáo dục của Việt Nam.
Như chúng ta biết, WB (cũng như với nhóm WB) là một tổ chức tài chính quốc tế lớn, có nhiệm vụ trung tâm là thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội cho nhiều quốc gia trên thế giới.
Do đó WB đã quy tụ được nhiều chuyên gia quốc tế hàng đầu về phát triển kinh tế và xã hội, trong đó có những chuyên gia giỏi về giáo dục.
Báo cáo chỉ đề cập tới 1.447 trường tiểu học được Dự án hỗ trợ, có nghĩa là báo cáo không đề cập tới hàng ngàn trường mở rộng áp dụng VNEN ở tiểu học và THCS. Tôi nghĩ rằng, Bộ GD&ĐT sẽ có báo cáo riêng về các trường mở rộng áp dụng VNEN.
Do là cuộc khảo sát khoa học, nên WB đã chọn mẫu trên diện rộng, bao gồm 650 trường ở 51 tỉnh để khảo sát lặp liên tục trong ba năm học 2013-2014, 2014-2015 và 2015-2016 cho những trường trong Dự án và có đối chứng với những trường ngoài Dự án.
Tại mỗi trường được khảo sát, WB đã tiến hành tổ chức lấy phiếu hỏi tất cả Hiệu trưởng và hàng ngàn giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh, cũng như thu thập thông tin về trường học.
Ngoài ra, học sinh phải làm bài kiểm tra môn Toán và Tiếng Việt ở các lớp 3, 4, 5 theo chuẩn kiến thức, kỹ năng và theo hướng đổi mới đánh giá của Bộ GD&ĐT.
Những bất cập, khuyến cáo cũng được chỉ rõ trong Báo cáo
- Báo cáo của Ngân hàng Thế giới có phải chỉ có những đánh giá tích cực về VNEN hay không?
Tuy báo cáo đã khẳng định tính đúng đắn, phù hợp với xu thế đổi mới giáo dục quốc tế của VNEN, nhưng cũng đã chỉ ra cho Việt Nam những bất cập và khuyến cáo chủ yếu dưới đây, nhất là khi triển khai VNEN vào những năm sau khi Dự án kết thúc :
Thứ nhất: Có tới 25% hiệu trưởng các trường VNEN vẫn muốn duy trì mô hình truyền thống, không muốn đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực và hợp tác.
Đây là dấu hiệu thách thức khi thực hiện định hướng đổi mới giáo dục nhằm chủ yếu phát triển phẩm chất năng lực cho học sinh.
Tuy nhiên, tỷ lệ trên giảm dần qua các năm hiệu trưởng được “làm VNEN” hơn là chỉ được “nghe nói về VNEN”, tức là hiệu trưởng cần được trải nghiệm VNEN thì nhận thức đã có thay đổi theo hướng tích cực.
Thứ 2: Cha mẹ học sinh phần lớn có xu hướng ủng hộ VNEN vì đã mang lại cho con em họ sự phát triển các kỹ năng phi nhận thức trong khi đó kết quả học tập vẫn bằng hoặc tốt hơn khi học theo truyền thống.
Tuy nhiên, một bộ phận cha mẹ học sinh phản đối VNEN, có nhiều nguyên nhân, trong đó có sự lo ngại về học sinh sẽ gặp khó khăn khi phải tham gia các kỳ thi chuyển cấp hay vào đại học.
Đây là sự thiếu đồng bộ giữa quá trình học VNEN là rèn luyện cách học, phát triển tư duy, phát triển nhân cách với việc học sinhvẫn phải qua kỳ thi cử nặng kiến thức nâng cao, ít chú ý kiến thức cơ bản và khả năng ứng dụng kiến thức vào thực tế của học sinh.
Thứ 3: Trong báo cáo có khuyến cáo, cần coi trọng sự lãnh đạo và đi đầu ở các cấp quản lý. Trên thực tế, đó là điều kiện đảm bảo cho sự thành công của VNEN.
Vai trò của các chủ thể giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh rất quan trọng cho sự đổi mới. Tuy nhiên cần nhìn nhận theo từng góc độ với từng chủ thể.
Không thể hỏi ý kiến đổi mới phương pháp dạy học theo cách như “trưng cầu dân ý”, nhất là những lĩnh vực chuyên môn có tính sư phạm đặc thù chuyên sâu thì hiệu trưởng (nhà trường), giáo viên và học sinh là những đối tượng có quyền quyết định chủ yếu.
Thứ 4: Tập huấn thực tế cho giáo viên tại chính các trường VNEN chưa được chú ý và chưa có hệ thống. Thực tế, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo việc “sinh hoạt chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học” để khuyến khích giáo viên học hỏi lẫn nhau ngay chính trên công việc dạy học của họ, nhưng điều đó chưa trở thành nếp sinh hoạt thường xuyên của các nhà trường.
Do đó, giáo viên còn gặp khó khăn trong những tình huống và kỹ thuật dạy học cụ thể và chủ yếu trên lớp. Việc vận dụng các công cụ hỗ trợ học tập trong lớp, như các góc học tập, góc cộng đồng, các hòm thư, Hội đồng tự quản học sinh... chưa thường xuyên và hiệu quả, nhất là chưa thấy được yếu tố tích cực cho phát triển năng lực cảm xúc hay xã hội cho học sinh.
Thứ 5: Những trường VNEN được cấp phát tài liệu, sách hướng dẫn học, được hỗ trợ kinh phí hàng năm cho hoạt động chuyên môn nhà trường và tất cả 100% giáo viên được tập huấn tại trường, trong đó có khoảng từ 10 tới 15% giáo viên được chuyên gia trung ương trực tiếp bồi dưỡng, tập huấn.
Tuy nhiên để duy trì, nhất là những trường tự nguyện nhân rộng sau khi Dự án kết thúc sẽ là những thách thức không nhỏ khi áp dụng VNEN.
Duy trì tính bền vững của Dự án cần quyết tâm và sự kế thừa
- Vậy là người gắn bó với VNEN, theo ông, cần làm thế nào để mô hình này có thể tiếp tục triển khai có hiệu quả khi thời gian dự án đã kết thúc?
Những nội dung trong báo cáo của WB, theo tôi phản ánh đúng thực tiễn các trường VNEN trong ba năm học thực hiện Dự án.
Việc duy trì để đảm tính bền vững của Dự án là việc làm rất khó và đã cố gắng thực hiện ở Việt Nam, nhất là các Dự án có cấu phần mang tính phi vật chất.
Điều đó đòi hỏi cần các nhà trường, các địa phương và cả cấp quản lý cao nhất là Bộ GD&ĐT phải có sự quyết tâm và sự kế thừa để tận dụng những thành quả, công sức đổi mới giáo dục đã có.
Cũng lưu ý rằng, nghị quyết 29 của Trung ương ban hành tháng 11-2013, nhưng tháng 9-2012 đã triển khai VNEN. Thực tế, tinh thần VNEN và phương thức dạy học VNEN ít nhiều đã thấm trong NQ 29. Đồng thời, có thể hiểu làm VNEN là triển khai một giải pháp theo định hướng của đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT, hay nói khác đi đây là một phép thử về nhận thức, về cách làm đổi mới giáo dục.
Theo tôi, Dự án VNEN chỉ cung cấp một mô hình cụ thể, chúng ta đã tiếp thu mô hình ấy theo tinh thần vận dụng phù hợp với thực tiễn Việt Nam và đã rút ra được bài học (cả thành công và chưa thành công) trong quá trình triển khai dự án. Những bài học đó cùng với những yêu cầu của Nghị quyết và những bài học khác về đổi mới giáo dục phổ thông trong những năm qua đã tạo điều kiện và đặt ra vấn đề cấp thiết phải xây dựng mô hình trường phổ thông Việt Nam hiện đại, đáp ứng yêu cầu đổi mới trong những năm tiếp theo. Ngành Giáo dục cần chủ động bắt tay ngay vào việc này, không nên để lãng phí những gì đã đạt được, để rồi đến lúc nào đó lại phải làm lại từ đầu.
Hoặc là chúng ta sẽ làm thay đổi thế hệ trẻ Việt Nam, để hội nhập vào sự phát triển của thế giới, theo nghị quyết 29 của Trung ương và Nghị quyết 88 của Quốc hội, hoặc là trì hoãn các bước đi đổi mới sẽ có lỗi lớn với thế hệ trẻ và rộng hơn là đất nước Việt Nam, sự lựa chọn phụ thuộc vào thái độ và hành động của mỗi chúng ta!
- Xin cảm ơn ông!