Giúp phụ nữ Thừa Thiên Huế vươn lên thoát nghèo bền vững

GD&TĐ - Các chính sách thoát nghèo của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Thừa Thiên Huế đã mang lại hiệu quả tích cực, giúp phụ nữ vươn lên thoát nghèo bền vững.

Hỗ trợ sinh kế gà giống cho hội viên phụ nữ nghèo tại huyện A Lưới.
Hỗ trợ sinh kế gà giống cho hội viên phụ nữ nghèo tại huyện A Lưới.

Nhiều chính sách, mô hình giảm nghèo

Để thực hiện công tác giảm nghèo hiệu quả, thời gian qua, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh Thừa Thiên Huế đã tuyên truyền, vận động phụ nữ chuyển đổi hành vi, thay đổi tư duy trong phát triển sản xuất, kinh doanh, thực hiện chương trình mục tiêu xóa đói giảm nghèo bằng nhiều hình thức thiết thực như: tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng quản lý tài chính hộ gia đình, kỹ năng quản trị và sử dụng mạng xã hội để giới thiệu sản phẩm, nâng cao năng lực quản lý và khai thác quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm.

Một buổi tuyên truyền vận động về các mô hình sinh kế cho phụ nữ tại thôn Py Ây, xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới.

Một buổi tuyên truyền vận động về các mô hình sinh kế cho phụ nữ tại thôn Py Ây, xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới.

Hội đã hỗ trợ hiện thực hoá 162 ý tưởng khởi nghiệp của phụ nữ, gần 3.000 phụ nữ phát triển kinh doanh thông qua các hình thức như vay vốn, hỗ trợ vật dụng sản xuất,… Qua đó, giúp phụ nữ đổi mới sáng tạo, chủ động mở rộng hoạt động kinh doanh, tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị của sản phẩm, từng bước phát triển các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa tập trung theo chuỗi giá trị, nhất là các sản phẩm chủ lực, đặc sản, OCOP,...

Gian hàng của Hội LHPN tham gia Ngày hội khởi nghiệp Cố đô.

Gian hàng của Hội LHPN tham gia Ngày hội khởi nghiệp Cố đô.

Theo Hội LHPN tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, phát huy tinh thần tự lực, thực hành tiết kiệm, nhận thức sâu sắc về mục đích, ý nghĩa của việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, việc thực hiện các mô hình tiết kiệm trở thành phong trào thi đua sâu rộng và phát huy tinh thần “tương thân tương ái” của phụ nữ, xây dựng văn hóa tiết kiệm trong mỗi gia đình, giúp phụ nữ thoát nghèo bền vững.

Với nhiều hình thức như tiết kiệm vì phụ nữ nghèo, tiết kiệm khởi nghiệp, biến rác thành tiền,... Hội đã tạo được nguồn lực tại chỗ để hỗ trợ sinh kế giúp phụ nữ tự lực vươn lên vượt khó, thoát nghèo, hỗ trợ vốn để phát triển kinh tế, nhận đỡ đầu trẻ mồ côi, đồng hành cùng phụ nữ nghèo yếu thế.

Bên cạnh đó, Hội cũng duy trì tốt các mô hình tiết kiệm như “Hũ gạo tình thương”, “Nuôi heo đất”, “Ống tre tiết kiệm”,… tiếp tục được phát huy nhằm hỗ trợ cho cán bộ, hội viên, phụ nữ nghèo, phụ nữ khó khăn phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống gia đình.

Phát động mô hình "Heo đất tiết kiệm" của Hội LHPN xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Phát động mô hình "Heo đất tiết kiệm" của Hội LHPN xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Ngoài ra, Hội LHPN cũng đã hiện thực hóa ước mơ có nhà ở kiên cố cho phụ nữ thông qua việc tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động “Hỗ trợ sửa chữa, xây dựng mái ấm tình thương” cho phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Theo đó, từ nguồn lực của hội viên, các tổ chức, cá nhân, dự án quốc tế hàng năm, Hội xây dựng và sửa chữa 40 mái ấm tình thương với tổng kinh phí hơn 2 tỷ đồng cho gia đình phụ nữ khó khăn, yếu thế; trao 3.200 suất học bổng Nguyễn Thị Định cho trẻ em nghèo, trẻ em có nguy cơ bỏ học đi làm ăn xa, giúp chị em ổn định cuộc sống, tạo động lực để họ tiếp tục lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, góp phần thực hiện công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.

Với những giải pháp và chính sách trong hoạt động, từ năm 2021 đến nay, các cấp Hội LHPN tỉnh đã giúp đỡ 915 hộ nghèo có phụ nữ thoát nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.

Trao “cần câu” giúp phụ nữ thoát nghèo

Hỗ trợ sinh kế là vấn đề cốt lõi, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả và tính bền vững của công tác giảm nghèo. Từ nhiều nguồn lực, Hội LHPN đã hỗ trợ hàng trăm mô hình sinh kế bao gồm cây, con giống, thức ăn, phân bón và hướng dẫn phương pháp chăm sóc, nuôi trồng, từ đó tạo điều kiện cho hộ nghèo vươn lên làm kinh tế, có thu nhập.

Chị Pơ Long Sim (trú tại xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới) là một hộ nghèo của xã được Hội LHPN hỗ trợ cho đàn gà giống để phát triển kinh tế. Được biết, chị là một trong 6 hộ gia đình được hỗ trợ giống vật nuôi nhằm cải thiện thu nhập, vươn lên thoát nghèo.

“Do thiếu đất sản xuất, hàng ngày vợ chồng tôi đi làm thuê để trang trải cuộc sống. Khi biết tin được Hội LHPN xã hỗ trợ cho đàn gà giống, tôi rất vui mừng, tôi còn được tham gia lớp tập huấn chăm sóc, xây dựng chuồng trại nuôi gà, nhờ đó mà đàn gà phát triển mạnh khỏe.

Đến nay tôi đã nhân giống được nhiều gà con, cũng bán được vài con lớn, có được một số tiền để mua sắm, chi tiêu gia đình. Số gà còn lại tôi tiếp tục duy trì nhân giống và cố gắng vươn lên thoát nghèo”, chị Sim phấn khởi nói.

Nhiều mô hình sinh kế giảm nghèo hỗ trợ về giống vật nuôi được triển khai sâu rộng cho phụ nữ tại huyện A Lưới.

Nhiều mô hình sinh kế giảm nghèo hỗ trợ về giống vật nuôi được triển khai sâu rộng cho phụ nữ tại huyện A Lưới.

Hỗ trợ vốn vay với chính sách ưu đãi cũng được Hội LHPN chú trọng khi thực hiện công tác giảm nghèo. Đây là một công cụ quan trọng và hiệu quả, giúp cho nhiều hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hội viên phụ nữ được vay các nguồn vốn phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng.

Hoạt động ủy thác với Ngân hàng chính sách xã hội với tổng dư nợ trên 4.461 tỷ đồng cho 96.573 hộ vay. Hoạt động đã trở thành điểm sáng trong thực hiện vai trò là cầu nối nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đến với phụ nữ nghèo. Bên cạnh đó, hoạt động tín chấp với các ngân hàng thương mại khác cũng được các cấp Hội chủ động mở rộng khai thác với tổng dư nợ trên 450 tỷ đồng. Thông qua các nguồn vốn vay ưu đãi, giúp chị em mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, chủ động làm kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Hỗ trợ vốn cho phụ nữ khó khăn tại huyện A Lưới.

Hỗ trợ vốn cho phụ nữ khó khăn tại huyện A Lưới.

Niềm vui đến với gia đình chị Hồ Thị Phôn (trú tại xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới) khi được tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng chính sách vay vốn đầu tư 1 đàn bò để phát triển kinh tế.

Chị Phôn cho biết, chị được hỗ vay vốn 50 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội, với số vốn trên, chị đầu tư mua bò giống sinh sản, đến nay đàn bò đã có gần 15 con. Quá trình chăm sóc bò, chị cũng được cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi và phối giống sinh sản khoa học, hiệu quả, từ đó giúp bò mạnh khỏe, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho gia đình.

Nhờ được hỗ trợ vay vốn để mua đàn bò giống sinh sản mà thu nhập của gia đình chị Hồ Thị Phôn được cải thiện, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Nhờ được hỗ trợ vay vốn để mua đàn bò giống sinh sản mà thu nhập của gia đình chị Hồ Thị Phôn được cải thiện, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Bà Lê Thị Quỳnh Tường – Chủ tịch Hội LHPN huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Hội rất chú trọng đến công tác xóa đói giảm nghèo cho phụ nữ tại địa phương với nhiều chính sách, mô hình giúp chị em phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

“Các xã trên địa bàn huyện đã triển khai nhiều mô hình sinh kế nhằm trao “cần câu” giúp chị em cải thiện thu nhập gia đình như: vay vốn ưu đãi và sử dụng vốn vay đúng mục đích, nhóm tiết kiệm và vay vốn thôn bản, quỹ tiết kiệm, chương trình đồng hành phụ nữ biên cương, tiết kiệm tự nguyện làm theo lời Bác,... nhằm nâng cao đời sống và tạo chuyển biến về nhận thức và hành động của chị em hội viên trong công tác giảm nghèo. Qua đó, góp phần thực hiện tốt Nghị quyết của Huyện uỷ về chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025”, bà Tường chia sẻ.

Hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ tỉnh Thừa Thiên Huế về phát huy nội lực, thực hiện có hiệu quả phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững”, Hội LHPN tỉnh Thừa Thiên Huế đã chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương triển khai các hoạt động với nhiều hình thức, giải pháp sáng tạo, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giúp chị em vươn lên thoát nghèo, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh từng bước đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần vào công tác giảm nghèo chung của tỉnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

De Bruyne ‘chốt hạ’ rời Man City

De Bruyne ‘chốt hạ’ rời Man City

GD&TĐ - Nhạc trưởng Kevin De Bruyne đã "đồng ý miệng" về việc rời Man City và chuyển sang thi đấu tại giải Saudi Pro League của Ả Rập Xê-út.