Ngoài việc ôn tập kỹ càng cho học sinh, các giáo viên cũng đưa ra lời khuyên giúp sĩ tử bình tĩnh, tự tin để vượt vũ môn.
Không tránh khỏi những hồi hộp
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ ngày 28/5, toàn bộ học sinh khối 12 của TPHCM phải học trực tuyến. Theo nhiều giáo viên, học sinh, mặc dù hiệu quả ôn tập không bằng học trực tiếp nhưng đây là giải pháp phù hợp nhất.
Em Nguyễn Quốc Bảo, học sinh khối 12 Trường THPT Bùi Thị Xuân (Quận 1) cho hay: Ban đầu em lo lắng, không biết tình hình dịch có được kiểm soát tốt để tham gia kỳ thi theo đúng lịch mà Bộ GD&ĐT công bố hay không. Bên cạnh đó, em cũng có chút hồi hộp, không biết đề thi có quá khó hay không. Nhưng rồi được thầy cô, gia đình động viên nên chúng em cũng tự tin hơn, tập trung vào việc học. Em sẽ cố gắng hết sức để có kết quả tốt nhất.
Tương tự, em Đinh Châu Ngọc Minh, học sinh lớp 12 Trường THPT Gia Định (quận Bình Thạnh) chia sẻ: Trước kỳ thi quan trọng, em cũng hồi hộp nhưng không áp lực. Em đã ôn tập khá đầy đủ và sẵn sàng bước vào kỳ thi. “Chúng em ôn tập trực tuyến vào các buổi sáng đến cuối tháng 6. Thầy cô tận tình hỗ trợ ôn tập và hướng dẫn giải đề nên chúng em khá tự tin. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng dịch bệnh, các trường đều ôn trực tuyến, việc này giúp chúng em phát huy kỹ năng tự học”, Ngọc Minh cho hay.
Em Lê Nguyễn Xuân Mai, học sinh lớp 12A3, Trường THCS-THPT Đào Duy Anh (Quận 6) tâm sự: Tình hình dịch bệnh khiến cho việc ôn tập trước kỳ thi của em ảnh hưởng rất nhiều. Việc không được ôn tập tại trường, phải học online cũng là một trở ngại lớn. Mặc dù đã quen với hình thức học này từ năm lớp 11 và trong năm nay nhưng em vẫn thấy ôn tập trực tiếp tại trường cùng thầy cô sẽ thuận lợi nhiều hơn.
“Dù sao đây cũng là tình hình chung, em nghĩ nhiều bạn khác cũng gặp khó khăn như thế, nên bản thân phải cố gắng thật nhiều, có ý thức tự giác học tập và giữ tinh thần lạc quan. Thầy cô tận tình, bố mẹ đều quan tâm, động viên em trong thời gian này. Đó cũng là động lực để em vượt qua mọi khó khăn và chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi sắp tới. Em luôn tâm đắc câu nói: Không có áp lực sẽ không có kim cương”, Xuân Mai nói.
Những lưu ý cho thí sinh và phụ huynh
Theo Thạc sĩ Lê Thị Hồng Anh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Võ Văn Kiệt (Quận 8), việc học tập, thi cử với học sinh không phải là chuyện mới hay lạ. Mùa thi nào cũng vậy, thí sinh thường có tâm lý lo lắng, hồi hộp. Đến thời điểm này, học sinh đã hoàn tất việc ôn tập và sẵn sàng cho kỳ thi. “Các em hãy bình tĩnh và tự tin với lượng kiến thức được trang bị. Tự tin là yếu tố giúp bản thân đủ bình tĩnh, tư duy và vận dụng để đem lại kết quả cao ở kỳ thi tới”, cô Lê Hồng Anh nhắn nhủ.
Theo đó, thí sinh nên giữ tâm lý thoải mái trước ngày thi. Các em có thể nghỉ ngơi bằng cách nghe một bài hát, tập một vài động tác thư giãn ngay trong nhà vì đang là mùa dịch… Đừng cố dung nạp kiến thức nếu cảm thấy quá mệt. Nếu mệt hãy ngủ một giấc nhưng nhớ cài chuông báo thức hoặc dặn người thân.
Các em cần chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ liên quan trước khi đến địa điểm dự thi, chuẩn bị các vật dụng cần thiết theo quy định; ăn uống điều độ để tăng sức đề kháng và đủ dinh dưỡng. Sĩ tử hãy xem kỹ thời gian và địa điểm dự thi để tránh nhầm đường gây hoang mang hoặc đến muộn.
Với các bậc phụ huynh, cô Lê Thị Hồng Anh khuyên hãy động viên con thay vì tạo thêm áp lực. Hãy chia sẻ cùng con, nhắc con ăn uống điều độ, đưa con đi thi đúng giờ, an toàn… Cha mẹ hãy tạo tâm lý thoải mái và tin tưởng để con vững tin bước vào kỳ thi.
Tương tự, thầy Trần Minh, Phó Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Đào Duy Anh (Quận 6) lưu ý: Thí sinh không nên học quá sức. Phần kiến thức nào khó, chưa hiểu các em nên ghi lại và nhờ ngay thầy cô hoặc bạn bè hỗ trợ sau các tiết học online.
Bên cạnh đó, học sinh có thể tự học, ôn tập thêm qua các bài dạy trực tuyến của một số thầy cô đăng trên các kênh YouTube, website... Các em cũng có thể giải đề thi thử ở các website, fanpage để rèn luyện kỹ năng nhận biết đề, giải đề hoặc trao đổi kiến thức, học nhóm qua các group, diễn đàn.
“Đặc biệt, học sinh cần chuẩn bị trước giấy tờ cần thiết như giấy báo dự thi, chứng minh nhân dân... vào một túi bìa, bên ngoài có ghi tên, địa chỉ, số điện thoại – phòng trường hợp đánh mất, thất lạc dễ dàng cho người khác liên hệ”, thầy Minh nhấn mạnh.